Dòng tiền lan tỏa
Tuần qua, VN-Index đóng cửa tại 1.284,09 điểm, ghi nhận mức tăng 0,44%, dù phiên cuối tuần giảm điểm. Chỉ số đã kiểm tra thành công vùng đỉnh ngắn hạn vừa vượt qua trước đó tại 1.250 - 1.265 điểm và tiếp tục đà tăng. Tuy nhiên, độ rộng của thị trường cho thấy tâm lý thị trường chung vẫn cẩn trọng, khi số lượng cổ phiếu giảm vẫn tiệm cận với số cổ phiếu tăng của từng phiên.
Xét yếu tố kỹ thuật, VN-Index đang trong xu hướng tăng trung hạn và diễn biến ngắn hạn có chiều hướng dao động mạnh tạo nền giá, củng cố cho khả năng tiếp tục đi lên. Mặt khác, thanh khoản duy trì mức tốt, quanh 24.000 tỷ đồng/phiên với nhóm nhà đầu tư cá nhân là yếu tố hỗ trợ thị trường chung. Với sự tham gia mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân, áp lực bán ròng kỷ lục của khối ngoại lên đến hơn 5.000 tỷ đồng trong tuần đã được bù đắp. Vì vậy, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiến đến vùng kháng cự tiếp theo tại 1.300 điểm, hoặc xa hơn là 1.350 điểm.
Xét theo nhóm ngành, nhiều nhóm ngành được dòng tiền luân chuyển đến, trong đó viễn thông, truyền thông và bán lẻ có diễn biến tăng vượt trội. Nhóm ngân hàng với vai trò là nhóm trụ cột thu hút dòng tiền lớn nhất và có mức tăng trưởng tương đối tích cực, dẫn dắt thị trường chung. Trong các phiên tiếp theo, nếu nhóm có vốn hóa lớn nhất này duy trì trạng thái tích cực sẽ tạo bệ đỡ cho tâm lý thị trường và dòng tiền lan tỏa đến các nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản, đầu tư công, tài nguyên cơ bản…
Bất động sản vẫn thu hút vốn FDI
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Lĩnh vực bất động sản thu hút tỷ trọng lớn vốn FDI, tăng 4,8% so với cùng kỳ, tập trung vào hoạt động mua bán và sáp nhập các dự án.
Vốn đầu tư được phân bổ vào nhiều phân khúc, mỗi phân khúc có điểm hấp dẫn riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Khảo sát từ các doanh nghiệp bất động sản cho thấy, các phân khúc phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, nhu cầu ở thực và phù hợp với điều kiện tài chính của người dân sẽ phục hồi trước. Các phân khúc nhà ở cao cấp, chung cư cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng có thể phục hồi chậm hơn.
Phân khúc nhà ở, chung cư giá rẻ và trung cấp đang có nhu cầu cao hơn nguồn cung trên thị trường. Các chính sách tháo gỡ và thúc đẩy thị trường sẽ là điều kiện để tăng nguồn cung và đưa thị trường nhộn nhịp trở lại. Điểm nhấn là mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, kết hợp quy hoạch quỹ đất, ưu đãi cho chủ đầu tư và điều chỉnh chính sách chào bán.
Đối với phân khúc nhà ở, nhà đầu tư ngoại đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển dự án mang thương hiệu riêng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhà ở cao. Lợi thế của họ là thương hiệu, ý tưởng thiết kế, tiêu chuẩn và chất lượng xây dựng, giúp sản phẩm dù ở phân khúc cao cấp vẫn được thị trường đón nhận.
Phân khúc bất động sản văn phòng cũng nhận được nhiều sự chú ý. Theo Savills, thị trường chứng kiến tăng trưởng nguồn cầu từ khối doanh nghiệp năng lượng, sản xuất và tư vấn, góp phần duy trì tỷ lệ lấp đầy ổn định. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, xu hướng thị trường văn phòng mở ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư và định vị sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh.
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp ở phân khúc nhà ở tầm trung và bình dân có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi. Các phân khúc cao cấp và cận cao cấp, với nhu cầu mua mang tính đầu tư cao hơn, có thể phục hồi sau.