Cơ hội lớn
Theo Bộ Công thương, Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) sẽ dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi, tạo cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến. Đặc biệt, EEU sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Tuy nhiên, các mặt hàng này nhìn chung sẽ không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, mà ngược lại, góp phần làm đa dạng hóa thị trường tiêu dùng trong nước.
Đối với các mặt hàng nông sản như sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc..., Việt Nam đồng ý mở cửa ngay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, do sản xuất nông nghiệp của EEU chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và chưa tập trung cho xuất khẩu, nên dự báo trong 5 năm tính từ khi Hiệp định được đưa vào thực thi, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ không bị tác động rõ rệt bởi việc nhập khẩu mặt hàng nông sản từ Liên minh.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, EEUV-FTA khá cởi mở trong vấn đề tự do thuế quan, cụ thể là việc trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia thành viên với Việt Nam. Bên cạnh giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng có trong danh mục hàng hóa tham gia Hiệp định, các bên có thể giữ bảo hộ thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm.
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán FTA cấp kỹ thuật của Việt Nam cho biết: “Với nhóm hàng thủy sản, chúng ta đã đàm phán để đạt được gần như toàn bộ khối lượng các mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu sang các quốc gia được hưởng thuế suất bằng 0% ngay lập tức sau khi Hiệp định có hiệu lực. Hàng dệt may và da giày đạt khoảng 80% mặt hàng sẽ xóa bỏ thuế quan ngay, sau đó thì mới theo theo lộ trình và xuất xứ là theo công đoạn. Với việc được cắt giảm ngay thuế suất về 0% như vậy thì những mặt hàng này, đặc biệt là dệt may và da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất có lợi”.
Một số thách thức
Bên cạnh cơ hội to lớn thì Hiệp định EEUV-FTA cũng tạo ra thách thức đối với các ngành hàng mà Việt Nam phải mở cửa ngay, đặc biệt là đối với những nhóm hàng mà Nga có thế mạnh như thép, chế tạo máy móc, thiết bị, phụ tùng.
Theo các chuyên gia, Nga là cường quốc về sắt thép trên thế giới, với việc thuế nhập khẩu mặt hàng này về 0% thì chắc chắn DN ngành thép Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, rất có thể Nga sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp sự thâm hụt tại thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu truyền thống do tác động bởi sự cấm vận của Mỹ, Liên minh châu Âu và sự mất giá của đồng Rúp.
Đánh giá về tổng thể, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, nếu Việt Nam khai thác, tận dụng được các cơ hội từ EEUV-FTA thì hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các nước khác của EEU sẽ có quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu giữa các bên sẽ tăng lên, trong đó riêng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga dự kiến tăng từ 4 tỷ USD/năm lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.
Bộ trưởng Hoàng lưu ý 4 điểm cần quan tâm từ việc thực thi Hiệp định: một là, tăng tính ổn định lâu dài về chất lượng và số lượng đối với các mặt hàng xuất khẩu; hai là, đảm bảo chất lượng đối với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe con người, nhất là hàng nông sản; ba là, tính toán kỹ chi phí vận tải để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu do khoảng cách địa lý xa xôi; bốn là, lưu ý các điều kiện và điều khoản thanh toán khi đàm phán ký kết hợp đồng.
Ông Lê Tiến Trường,Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Thị trường các nước EEU nhập một năm khoảng 17 tỷ USD hàng dệt may, song thị phần của Việt Nam tại các thị trường này chỉ chiếm 2%. Do đó, việc ký EEUV-FTA là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào EEU. Chúng ta xuất khẩu mỗi năm 27 tỷ USD hàng dệt may ra thế giới (đứng thứ 4 thế giới), đã đứng được ở những thị trường khó tính nhất thì không thể không đứng được tại EEU. Tôi cho rằng, với EEUV-FTA, kim ngạch hàng dệt may Việt Nam và EEU sẽ tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20% trong 5 năm tiếp theo; kim ngạch tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong 1 - 2 năm tới và Việt Nam sẽ từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 hiện nay tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường EEU. Tuy nhiên, thị trường Nga có sự phân hóa rất rõ rệt giữa phân khúc hàng cao cấp và hàng cấp thấp được nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Đây sẽ là những thách thức cho DN Việt Nam vốn phần lớn chỉ sản xuất hàng phân khúc trung bình cho thị trường Mỹ và EU. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu, đánh giá thị trường kỹ lưỡng để tìm cơ hội phù hợp cho từng DN. |
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) Khó khăn lớn nhất khi xuất khẩu sang các nước EEU nói chung, Nga nói riêng, chủ yếu vẫn nằm trong trong khâu thanh toán và các thủ tục hải quan còn phức tạp. Hơn nữa, tình hình kinh tế, chính trị của Nga chưa ổn định, không phải các DN dệt may Việt Nam đều có thể đẩy mạnh xuất khẩu ngay vào thị trường này, mà cần có thời gian để lên kế hoạch cụ thể, trong đó Garmex Sài Gòn cũng không là ngoại lệ. Tôi kỳ vọng, những khó khăn về thanh toán, thủ tục hải quan hay thuế sớm được gỡ bỏ, nhờ đó hàng dệt may Việt Nam có cơ hội xuất khẩu sang Nga nhiều hơn và các DN sẽ chủ động tìm cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. |
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó tổng giám đốc Công ty Thép Bluescope Thép xây dựng sẽ là ngành bị ảnh hưởng lớn nhất từ các hiệp định thương mại tự do, trong bối cảnh nguồn cung trong nước đang lớn hơn nhu cầu. Tiếp theo là ngành tôn thép mạ do sản lượng trong nước đang cao gấp 3 lần nhu cầu. Cần phải nói thêm, các DN thép của Nga có nhiều lợi thế nên sức cạnh tranh rất lớn. Với tổng sản lượng sản xuất lên tới gần 70 triệu tấn/năm, đứng thứ 5 toàn cầu, sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại với 70% sản xuất bằng lò cao, đã có sẵn thị phần 8,1% sản phẩm xuất khẩu vào châu Á và chi phí sản xuất rất cạnh tranh thì ngay khi EEUV-FTA được thực thi, thép Nga sẽ nhanh chóng gia tăng tại Việt Nam. Các DN cần tìm cách để đứng vững và phát triển trong điều kiện này, bởi việc giảm thuế theo các cam kết hội nhập sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra, ngành thép chỉ còn cách tự nỗ lực để tồn tại thông qua việc tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất và chuẩn bị nội lực cạnh tranh. |
Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế Hiệp định EEUV-FTA được đàm phán và kết thúc nhanh chóng so với các hiệp định khác như TPP, EU… chứng tỏ các bên đều thấy sự cần thiết và mang lại nhiều cơ hội. Việc ký kết và thực hiện cũng rất cấp tập, nhanh chóng, ký xong thực hiện luôn, khác với các hiệp định khác cần có thời gian chuẩn bị. Dự kiến, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga sẽ tăng nhanh, trong bối cảnh Nga cần nguồn bổ sung về hàng tiêu dùng nhưng không thể nhập khẩu ở các nguồn khác và nước này cũng không muốn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu của Trung Quốc. Song Ngân hàng Nhà nước sẽ phải làm việc hết sức khẩn trương là thanh toán như thế nào. Hiện phía Nga rất muốn sử dụng đồng Rup trong thanh toán, nhưng rủi ro đối với DN Việt Nam là khá lớn. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam hiểu biết về DN Nga còn hạn chế, trong khi Kazakhstan cũng là đối tác quan trọng song cũng chưa am hiểu nhiều. Các mặt hàng có lợi thế như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, lúa gạo, Nga là thị trường có phân khúc rất rộng, ta cần tận dụng sự đa dạng về địa lý để tiếp cận. Tuy nhiên, thách thức sẽ đến với ngành thép, bởi thép của Nga có công nghệ cao hơn ta rất nhiều, đã xây dựng từ lâu và khấu hao hết, nên bây giờ tràn vào Việt Nam sẽ khiến các DN thép nội địa gặp nhiều khó khăn. |
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hùng Vương Mỗi năm, Nga nhập khẩu thủy sản đạt giá trị trung bình 15 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 200 triệu USD/năm. Hiện nay, hàng thủy sản của Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan vào thị trường Nga đang cùng chịu mức thuế suất 18%. Với việc EEUV-FTA được ký kết và đưa thuế xuất khẩu thủy sản của Việt Nam về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên rất cao so với các đối thủ khác. Không chỉ có vậy, bên cạnh thị trường 140 triệu dân của Nga thì còn có các thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng của các nước trong EEU lên đến 200 triệu dân, đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu của của DN Việt Nam. Bản thân tôi đang có kế hoạch mở một cơ sở hay một điểm tái chế sản phẩm để phân phối tại thị trường Nga. |