Kỳ vọng tăng tốc thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với các nước ASEAN khác, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ những nước trong RCEP
Kỳ vọng tăng tốc thu hút đầu tư

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC nhìn nhận RCEP có thể giúp các công ty Việt Nam mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng vùng va thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong số 14 nước thành viên RCEP còn lại, hầu hết đều là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Đáng chú ý, trong danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam, thì có tới 6 đối tác đến từ RCEP. Trong đó, lớn nhất là Hàn Quốc (với 70,38 tỷ USD), tiếp đó là Nhật Bản (59,89 tỷ USD), Singapore (55,7 tỷ USD), Trung Quốc (18 tỷ USD), Malaysia (12,8 tỷ USD), Thái Lan (12,5 tỷ USD).

Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của thế giới trong việc thu hút doanh nghiệp giữa dòng xoáy dịch chuyển đầu tư thời kỳ Covid-19.

Công ty tư vấn JLL Việt Nam nhận định, có 3 yếu tố giúp Việt Nam có lợi thế đặc biệt trong thu hút đầu tư. Thứ nhất, về vị trí địa lý, Việt Nam là lựa chọn tốt hơn so với các quốc gia như Malaysia, Indonesia. Từ Việt Nam di chuyển đến Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc được cải thiện rất nhiều về thời gian nhờ sự ra đời của cảng nước sâu Hải Phòng.

Thứ hai, Việt Nam là một trong những nước có chính sách thuế cạnh tranh nhất châu Á. Các khu công nghiệp đang được “miễn 2 giảm 4” tức là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 20% năm đầu tiên và giảm 50% thuế trong vòng 4 năm tiếp theo. Thậm chí, “miễn 4 giảm 9”, miễn thuế 4 năm và giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp theo đối với các dự án ngành công nghiệp được Chính phủ ưu tiên.

Thứ ba, giá thuê đất làm văn phòng, nhà xưởng tại Việt Nam rất tốt cho các doanh nghiệp.

Hiện tại, cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và kể cả Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đang tăng tốc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng chuỗi sản xuất và cung ứng.

Những ảnh hưởng của đại dịch và các chính sách thuế quan của Mỹ khiến nhiều nhà sản xuất đa quốc gia có trụ sở tại Trung Quốc di dời đến Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một điểm đến thay thế cho các cơ sở sản xuất này do có những điều kiện thuận lợi về cả cơ sở vật chất và chi phí lao động. Chi phí lao động ở Trung Quốc đã cao gấp ba lần so với Việt Nam, việc này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất đa quốc gia xem xét chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á, nơi có chi phí lao động thấp hơn.

Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, một số nhà sản xuất đa quốc gia đã thông báo kế hoạch mở rộng, di chuyển sản xuất đến Việt Nam, điển hình như các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan (Trung Quốc); Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; và Lenovo từ Hồng Kông.

JETRO khẳng định, sự dịch chuyển này được khuyến khích để cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng, lấp đầy khoảng trống do ảnh hưởng của đại dịch, đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế và công nghiệp với các nước ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, Việt Nam đang là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP sẽ lớn hơn với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.

RCEP được đánh giá là FTA có quy mô lớn nhất thế giới. Quy mô thị trường lớn của nội khối RCEP biến khu vực này trở thành tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu.

Cụ thể, RCEP có thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019).

“Cùng với các nước ASEAN khác, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ những nước trong RCEP”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, muốn tăng tốc thu hút đầu tư từ RCEP, hay từ các đối tác tiềm năng khác, Việt Nam cũng cần tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng các chính sách hấp dẫn để đón dòng đầu tư mới.

Vốn FDI vào Việt Nam tăng lên mạnh mẽ, trong 11 tháng năm 2020 ghi nhận 26,4 tỷ USD.

Kể từ khi ra đời năm 1967, ASEAN đã có tiến một bước dài, phát triển năng động. Đặc biệt, với 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế cao mà còn là nền kinh tế lớn của ASEAN; từ bước hội nhập đầu tiên với kinh tế khu vực, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành, vươn ra thị trường thế giới.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng doanh nghiệp Việt đã có bước tiến mạnh mẽ.

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh không thuận lợi khi đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, khó khăn này lại tạo một thuận lợi khác đó là với lợi thế của nước Chủ tịch, Việt Nam dễ thể hiện được sự đột phá, cách thức thay đổi mới, tạo một hình ảnh mới mẻ, nhiều sự cuốn hút hơn cho khu vực.

Hội nhập với ASEAN, kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên có cơ hội cạnh tranh với những các doanh nghiệp lớn hơn trước đó và đến nay chúng ta đã ở trong một sân chơi lớn với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp năng lực vượt trội nhưng chúng ta đã thành công, thiết lập các tăng trưởng về kinh tế rất ấn tượng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đứng vững mà còn trưởng thành mạnh mẽ, và vươn ra được nhiều thị trường trên thế giới.

Kỳ vọng thu hút đầu tư sẽ mở rộng đường cho doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế và vươn xa trong khu vực cũng như toàn cầu.

Tin bài liên quan