Kỳ vọng “sóng” lợi nhuận quý III/2023

Kỳ vọng “sóng” lợi nhuận quý III/2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền đang có xu hướng tìm đến những nhóm ngành có triển vọng tốt quý III, nhưng sự kỳ vọng tăng trưởng sẽ hướng vào từng cổ phiếu với mỗi câu chuyện riêng nhiều hơn là cả ngành như đợt hồi phục trước của thị trường. 

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường cuối tuần qua đã có những biến động rất mạnh ngoài yếu tố kháng cự kỹ thuật sau khi không thể vượt đỉnh cũ 1.250 hai lần liên tiếp còn nhiều yếu tố bên ngoài khách quan tác động. Những thông tin bất lợi từ thị trường Mỹ lẫn các tin đồn trong nước đã tác động tâm lý mạnh đến nhà đầu tư dẫn đến các hoạt động bán tháo, thoát khỏi thị trường để bảo toàn lợi nhuận.

Tuần sau, thị trường có thể dần ổn định, nhưng mức độ phân hoá cổ phiếu sẽ vẫn còn khá lớn và có thể cần ít nhất một tuần lễ để thị trường duy trì độ cân bằng trở lại.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Mốc 1.200 có thể trở thành vùng mục tiêu ngắn hạn của VN-Index và thị trường có thể giằng co quanh vùng này một thời gian. Tuy nhiên, tôi tin vùng đáy của thị trường sẽ không cách quá xa ngưỡng này và các vùng hỗ trợ mạnh sẽ hình thành quanh 1.170-1.200.

Thị trường sau chuỗi tăng dài sẽ có vài đợt rung lắc để tạo mặt bằng giá mới, sau đó tạo động lực thúc đẩy thị trường lên một mốc mới, vì vậy đợt điều chỉnh này sẽ không thay đổi xu hướng chính thị trường về dài hạn.

Lợi nhuận 2 quý đầu năm thật sự không quá nổi bật nhưng vẫn có điểm sáng ở một số ngành nhờ mức độ hồi phục tốt đi lên từ đáy và bắt đầu trở lại chu kỳ lợi nhuận ổn định hơn từ cuối năm. Một số nhóm ngành có thể kỳ vọng tiếp tục hồi phục và tăng trưởng quý III năm nay có thể kể như đầu tư công, thép, chứng khoán, dầu khí, hoá chất... Một số nhóm ngành khác cũng có tín hiệu hồi phục trở lại như bán lẻ, dệt may, thuỷ sản, ngân hàng.

Một số ngành vẫn còn khó khăn nhưng nhìn chung bức tranh kinh tế chung của các doanh nghiệp đang dần sáng trở lại trong 6 tháng cuối năm nay và kỳ vọng thoát dần khó khăn từ năm sau.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT

Thị trường sẽ không mất nhiều thời gian để ổn định trở lại và phục hồi, nhà đầu tư cân nhắc nâng tỷ trọng cổ phiếu để đón đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán tháo trong phiên cuối tuần qua sau diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như những áp lực trong nước liên quan tới vấn đề tỷ giá.

Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của NHNN.

Ông Đinh Quang Hinh

Ông Đinh Quang Hinh

Thực tế, tôi cho rằng bước đi này của NHNN không phải là một bước đi nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá. Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó.

Bản thân NHNN cho biết vẫn tiếp tục các giải pháp nhằm duy trì thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế, do đó tôi cho rằng thị trường có thể sớm nhìn nhận lại về động thái phát hành tín phiếu vừa qua của NHNN.

Bên cạnh đó, tâm lý thị trường có thể ổn định trở lại sau khi những tin đồn liên quan tới lãnh đạo HOSE và điều chỉnh danh mục margin của một công ty chứng khoán top đầu được đính chính và làm rõ.

Đồng thời, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn (tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong quý III/2023 so với tăng trưởng âm trong nửa đầu năm nay) sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới.

Vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh này để tái cơ cấu danh mục đầu tư và nâng tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm, nên ưu tiên những doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm như xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng).

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, Công ty chứng khoán DSC

Tuy thị trường vẫn đang ở trong xu hướng giảm ngắn hạn, lực cầu bắt đáy sau khi VN-Index phá thủng mức hỗ trợ tâm lý 1.200 là rất lớn, chưa kể khi giá có gap giảm đã gián tiếp tạo ra một vùng mất cân bằng thanh khoản. Do đó hoàn toàn có thể xuất hiện một số nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn hướng đến vùng cân bằng 1.200-1.210.

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Trong trung hạn, DSC đánh giá VN-Index sẽ cần thời gian để tích lũy và đi ngang để hấp thụ sự hưng phấn của phe bán trước khi có thể bắt đầu tăng ổn định trở lại.

Nếu nhìn về triển vọng lợi nhuận quý III/2023 của DNNY, nhóm dầu khí tiếp tục là nhóm ngành được kỳ vọng sẽ đem lại kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2023 cũng như nửa cuối năm 2023.

Cụ thể, đối với những doanh nghiệp đã nhập khẩu khi giá dầu còn thấp, đang có kho dự trữ dầu lớn hoặc khai thác dầu thì đây là một thời điểm thích hợp để thu hút dòng tiền đầu tư. Một trong số những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất có thể kể tới CTCP Lọc – Hóa Dầu Bình Sơn với lượng hàng tồn kho trong quý II/2023 đạt 14.106 tỷ trong đó phần lớn là dầu thô giá thấp. Không chỉ vậy, crack spread (mức chênh lệch giữa giá của 1 thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu của nó) cũng đang tăng trực tiếp khiến cho biên lợi nhuận của BSR vốn đã cao do kho dự trữ dầu giá rẻ nay còn được tăng mạnh thêm từ quá trình sản xuất.

Ngoài ra với tầm nhìn xa hơn, dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hồi phục tốt trong những tháng cuối năm 2023, và một trong những nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp mà không chịu ảnh hưởng quá tiêu cực bởi giá nhiên liệu gia tăng sẽ là nhóm logistic cảng biển.

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi

Trong bối cảnh hiện tại, thị trường vẫn đang duy trì xu hướng tăng trung hạn, và chúng ta có thể kỳ vọng rằng thị trường sẽ tiếp tục tích lũy trong khoảng biên độ rộng từ 1.170 đến 1.245 điểm trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, nếu VN-Index xuyên thủng ngưỡng 1.170 điểm, mức hỗ trợ tiếp theo tại 1.130-1.150 điểm có thể giúp thị trường ổn định.

Với tình hình rủi ro ngắn hạn vẫn còn tồn tại và sự phân hóa mạnh mẽ của dòng tiền, việc tập trung vào theo dõi sự chuyển động của dòng tiền và chọn lựa cổ phiếu có tiềm năng, có câu chuyện thúc đẩy tăng giá là một chiến lược sáng suốt trong giai đoạn hiện tại, với mục tiêu định hình cho cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh

Tuần trước, dòng tiền tiếp tục chốt lời mạnh rút khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và dịch chuyển đến các nhóm cổ phiếu Mid cap và Small cap. Theo đó, áp lực chốt lời gia tăng cao tại Bất động sản, Ngân hàng, Dịch vụ tài chính, Bán lẻ… và dịch chuyển đến các ngành có vốn hóa nhỏ hơn như Dệt may, Thủy sản, Hóa chất, Cảng biển…

Xét về nhóm nhà đầu tư, lực đỡ chính của thị trường đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân với lực cầu dàn trải tại các nhóm ngành chính Ngân hàng, Tài Nguyên cơ bản, Dịch vụ tài chính. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng mạnh trên hầu hết các nhóm ngành kể trên, và chỉ mua ròng mạnh nhất tại Bất động sản.

Đối với chuyển động ngành, hoạt động xuất khẩu đã có dấu hiệu hồi phục trong tháng 8, đây là tín hiệu tích cực cho thấy nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang hồi phục và một phần cũng có liên quan đến yếu tố mùa vụ. Tuy nhiên, dữ liệu tăng trưởng xuất khẩu cần tiếp tục được củng cố trong tháng 9 và quý IV để xác nhận xu hướng hồi phục vững vàng.

Ngoài ngành dệt may, thuỷ sản đã ghi nhận tăng điểm, nhà đầu tư cũng có thể chú ý một số ngành xuất khẩu chưa tăng giá như gỗ hay gạo cho kỳ vọng hồi phục vào cuối năm. Nhóm hàng gỗ sẽ vẫn tiếp tục phản ánh sự phục hồi về đơn hàng trong giai đoạn cuối năm nhờ vào sự phục hồi của hoạt động xây dựng nhà ở mới tại thị trường Mỹ.

Đối với gạo, nhu cầu tăng từ Trung Quốc và Phillipines được kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục, giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và duy trì giá gạo ở nền giá cao trong giai đoạn cuối năm.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Sau phiên giảm mạnh thứ Sáu ngày 22/9 vừa qua, ngưỡng hỗ trợ của thị trường hiện tại ở mốc 1.180 – 1.190 và xác suất thấp đó là ngưỡng 1.150 – 1.160 điểm nên việc tạo đáy điều chỉnh ngắn hạn có thể diễn trong tuần giao dịch tới.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Tất nhiên mốc 1.200 điểm là ngưỡng tâm lý mà nhiều nhà đầu tư khá quan tâm, nhưng vẫn cần phải nhắc lại là nhà đầu tư vẫn nên quan tâm đến các cổ phiếu riêng lẻ hơn là quan tâm đến diễn biến ngắn hạn của thị trường chứng khoán.

Mùa báo cáo tài chính quý III/2023 đang đến gần và nếu chọn theo kỳ vọng lợi nhuận quý III, theo tôi, các nhóm cổ phiếu tiện ích, tiêu dùng, hóa chất, tài nguyên cơ bản hay cổ phiếu ngành dầu khí vẫn là nhóm cổ phiếu đáng lưu ý.

Tin bài liên quan