Có nhiều điểm sáng trong bức tranh vĩ mô tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2020.

Có nhiều điểm sáng trong bức tranh vĩ mô tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2020.

Kỳ vọng sáng từ động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế 10 tháng đầu năm đã có những điểm sáng tích cực, tạo đà khởi sắc cho quý IV/2020 và trở lại quỹ đạo phục hồi với mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng GDP 6% trong năm 2021 như Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt.

Với sự khởi sắc của tình hình tế trong tháng 10, Thứ trưởng đánh giá thế nào về khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế trong quý IV cũng như bức tranh vĩ mô năm 2020?

Nhìn chung, tình hình kinh tế tháng 10 có nhiều chuyển biến, cải thiện hơn so với các tháng trước trong điều kiện làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai ở trong nước đã được kiểm soát kịp thời.

Các tín hiệu sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô như sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo và một số ngành công nghiệp chủ lực, tạo kỳ vọng cho sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế trong 2 tháng cuối năm.

Thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng, nhu cầu tiêu dùng trong nước cơ bản cũng đã hồi phục với nhiều hoạt động kích cầu nội địa được triển khai hiệu quả, xuất khẩu tăng trưởng tích cực giúp tăng mạnh cán cân xuất siêu, thu hút vốn đầu tư vẫn duy trì.

Tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp đã có sự khởi sắc với số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng cho thấy bắt đầu có sự phục hồi của một bộ phận các doanh nghiệp. Đáng chú ý, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 10 và 10 tháng đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020…

Đó là những điểm sáng rất đáng ghi nhận trong bức tranh vĩ mô 10 tháng. Đây là nỗ lực lớn của Việt Nam trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy và nhiều địa phương miền Trung nước ta chịu thiệt hại nặng nề do mưa bão, lũ lụt mới đây.

Với diễn biễn này, có thể nói nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi, đem lại kỳ vọng đạt kết quả tích cực hơn trong quý IV.

Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, theo ông, mục tiêu này khả thi đến đâu trong bối cảnh dự báo nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn tiếp tục trong tình trạng suy giảm?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Ở đây phải thực sự nhận thức rõ là mục tiêu tăng trưởng 6% là khá thách thức, nhất là trong bối cảnh năm 2021 diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới có thể vẫn khó lường, cơ hội tuy đã có những dự báo nhưng chưa chắc chắn.

Nếu năm 2021, thế giới kiểm soát được đại dịch Covid-19, chắc chắn hoạt động du lịch sẽ tăng đột biến sau một thời gian dài của cả năm 2020 bị kìm hãm.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, không ai dám khẳng định lúc nào sẽ được như thế.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là một số quốc gia dù tuyên bố đã sản xuất được vắc-xin phòng Covid-19 nhưng chưa ai dám khẳng định về hiệu lực phòng ngừa trên thực tế, do đó, câu hỏi đặt ra là liệu điều này đã đủ điều kiện để các quốc gia dỡ bỏ hoàn toàn các điều kiện hạn chế đi lại chưa?

Khả năng các doanh nghiệp chớp cơ hội, có thể tận dụng được, song với một nền kinh tế thì cần phân tích rất kỹ bởi việc nhận định cơ hội sẽ đi cùng với hoạch định chính sách để tận dụng. Nếu cơ hội đảo chiều nhanh quá thì rất khó cho bất cứ một quốc gia nào trong việc điều chỉnh kịp và duy trì được vòng đời hiệu lực của chính sách trong điều kiện bất định như hiện nay.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có cơ hội, trong thách thức chúng ta vẫn có các cơ hội tốt nếu có thể tận dụng và biến thành động lực. Với những nền tảng và kết quả mà chúng ta đã nỗ lực đạt được trong năm 2020 và những động lực có thể nhìn thấy rõ ràng thì mục tiêu tăng trưởng 6% đã được Chính phủ cân nhắc và tính toán hết sức kỹ lưỡng để trình Quốc hội là hợp lý.

Xin Thứ trưởng cho biết, chúng ta có những động lực nào để thực hiện mục tiêu này?

Hiện nay, động lực lớn nhất cho tăng trưởng GDP là lĩnh vực công nghiệp đang phục hồi, tiếp đó là nông nghiệp và dịch vụ. Như đã phân tích, năm 2020, tuy gặp nhiều khó khăn song tăng trưởng công nghiệp đạt khá tích cực, đây là nền tảng quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Xét khía cạnh xuất khẩu, đây chính là thước đo khá chính xác sức khoẻ của sản xuất bởi xuất khẩu là hệ quả của sản xuất. Trong giai đoạn trước đây, thường thì tăng trưởng GDP tương đương khoảng 1/2 mức tăng trưởng của xuất khẩu, đến nay quy mô xuất khẩu và GDP đã lớn thì gần như 2 chỉ số này là tương đương nhau.

Có thể thấy, trong 10 tháng năm 2020, 2 chỉ số này khá tương đồng, trong đó, xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng tích cực dù trong thời điểm khó khăn nhất trong quý II khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trong quý cuối năm, xuất khẩu duy trì tốc độ gia tăng khả quan là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP và tiếp tục giữ đà trong năm tới.

Một yếu tố nữa là giải ngân đầu tư công năm nay rất tốt với mức giải ngân tháng 10 và 10 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020 (tháng 10 tăng 42,2%, 10 tháng tăng 34,4%), tỷ lệ giải ngân gia tăng mạnh có ý nghĩa rất lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng. Đây sẽ là nhân tố tác động lan toả thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng trong các tháng cuối năm vào tạo đà cho năm 2021.

Động lực tăng trưởng là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ giải ngân vốn đầu tư công, tăng xuất khẩu, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phục hồi…

Như vậy, có thể thấy, động lực tăng trưởng là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau, từ giải ngân vốn đầu tư công, tăng xuất khẩu, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phục hồi, thêm vào đó là việc các hiệp định thương mại đã ký kết đã bắt đầu phát huy hiệu lực sẽ giúp mở rộng cơ hội cho phát triển sản xuất và thị trường, tạo nền tảng cho kỳ vọng phục hồi bền vững của nền kinh tế.

Với dự báo tăng trưởng phục hồi và mục tiêu đặt ra khá kỳ vọng, ông nhận định như thế nào về khả năng thu hút các dòng vốn đầu tư trong thời gian tới?

Đầu tư nước ngoài nói chung cũng như thu hút các dòng vốn trực tiếp và gián tiếp sang năm khả năng sẽ tăng hơn năm 2020, lý do là vì lúc đó việc đi lại, di chuyển cũng có thể cởi mở hơn nhiều so với năm nay, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch đầu tư.

Thực tế là ngay cả trong năm 2020 tuy khó khăn do tác động kéo dài của dịch phải hạn chế việc đi lại giữa các quốc gia, song hiện nay giải ngân vốn đầu tư vẫn tăng cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vẫn rất lớn.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thức rõ là sự bứt phá trong thu hút các dòng vốn trong năm tới chưa thể có được ngay mà chắc chắn phải tới khi thực sự kiểm soát hiệu quả được dịch bệnh.

Có 2 yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến thu hút vốn đầu tư trong năm 2021. Thứ nhất là tác động của vắc-xin. Như tôi đã nói, dù có nhiều nước thông báo sản xuất được vắc-xin nhưng chưa ai dám khẳng định tác động thực sự như thế nào, liệu các nước đã dám mở cửa hoàn toàn chưa. Ngược lại, hiệu ứng quá tin tưởng vào vắc-xin có thể dẫn tới tác động ngược làm dịch bùng phát trở lại là điều cần lưu ý.

Thứ hai là tác động từ kết quả của cuộc bầu cử tại Mỹ. Liệu có sự thay đổi lớn nào về chính sách hay không là điều rất khó đoán định. Căng thẳng thương mại và địa chính trị hiện là 2 sức ép lớn tới mọi quốc gia, liệu nhiệm kỳ tổng thống mới có làm dịu bớt các căng thẳng này, thị trường tài chính toàn cầu sẽ như thế nào vẫn là các vấn đề còn để ngỏ. Việt Nam là thị trường mở nên tác động từ những yếu tố này sẽ rất lớn.

Trong bối cảnh hạn chế đi lại do đại dịch, gần đây, hoạt động M&A nổi lên như một xu hướng đầu tư hiệu quả. Ông có cho rằng, đây sẽ là một trào lưu mới?

Trong các hình thức đầu tư, triển vọng đầu tư thông qua M&A là khá tích cực. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của hình thức đầu tư này và điều đó là có lý do.

Trong bối cảnh hiện nay, hoàn toàn có khả năng thúc đẩy hoạt động M&A mạnh hơn so với trước đây. Khi nhà đầu tư quan tâm tới M&A thì có nghĩa là họ muốn chớp cơ hội nhanh chóng để tìm kiếm dự án đầu tư đã có, tận dụng sự sẵn có của doanh nghiệp muốn bán hoặc sáp nhập.

Điều này khá thuận lợi vì tiết kiệm thời gian, chi phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân sự, hệ thống phân phối và chuỗi sản xuất của nhà đầu tư, giúp họ có thể nắm bắt cơ hội một cách nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 khiến việc đi lại tìm hiểu trở nên khó khăn.

Nhiều quốc gia vẫn phong tỏa biên giới để ngăn sự lây lan của dịch bệnh khiến các hoạt động M&A tại Việt Nam bị chậm lại, nhưng trong dài hạn, thị trường sẽ bùng nổ với nhu cầu gia tăng của cả bên bán và bên mua, đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ, logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, cũng cần có sự cân bằng hợp lý giữa hoạt động M&A và nhu cầu lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước để tránh các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm, đồng thời gây dựng, phát triển và gìn giữ các thương hiệu nội địa.

Tin bài liên quan