Tiến độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh
Cuối tuần trước, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức niêm yết trên sàn HOSE với giá tham chiếu là 39.000 đồng/cổ phiếu. Ngay những phút đầu chào sàn, đã có 46 triệu cổ phiếu VPB được khớp lệnh, giúp VPBank ghi kỷ lục về giá trị giao dịch từ trước tới nay, với gần 1.800 tỷ đồng được trao tay.
Sáu tháng đầu năm 2017, tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng đạt bình quân 35,2%, có những cổ phiếu đạt mức tăng trưởng vài trăm phần trăm như NVB. Các cổ phiếu cùng ngành như SHB, ACB, MBB, STB cũng đạt mức tăng trưởng trên 40%.
CTCP Chứng khoán Mê Kông (MSC) nhận định, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2017, nhóm cổ phiếu ngân hàng còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng kết quả kinh doanh của các ngân hàng tăng trưởng cao trong năm 2017.
Theo MSC, 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 9,06%, dự kiến trong năm 2017 sẽ đạt từ 18 - 20%, mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Tăng trưởng cho vay cao đồng nghĩa với thu nhập lãi thuần của các ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh, khi hoạt động tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng trên 80% trong cơ cấu lợi nhuận của các nhà băng.
Ngoài ra, cơ cấu tín dụng cũng chuyển dịch theo xu hướng tích cực hơn, tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, như tốc độ tăng trưởng tín dụng vào ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 10,34%, ngành nông nghiệp tăng 9,9%.
Như vậy, khi tập trung vào ngành sản xuất - kinh doanh, các ngân hàng vẫn còn cơ hội để tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng cho đến hết năm 2017. Bởi theo quy luật, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Với tăng trưởng tín dụng đạt đến 20% thì lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng đang niêm yết có thể vượt qua kế hoạch các ngân hàng đặt ra từ đầu năm nay.
Dưới góc nhìn của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng từ nay đến cuối năm sẽ tích cực nhờ Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu được thực thi từ ngày 15/8/2017.
Theo TS. Lực, Nghị quyết 42 sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu trước kia của các ngân hàng. Các khoản nợ xấu được mua bán theo cơ chế thị trường, đặc biệt cho phép các công ty định giá độc lập định giá nợ và tài sản thế chấp, cho phép phần chênh lệch so với sổ sách được phân bổ trong 10 năm, đặc biệt là phần tài sản đảm bảo được xử lý khá tích cực.
“Toà án Nhân dân Tối cao đã ban hành văn bản đầu tiên chỉ đạo các toà án địa phương tiến tới xử lý các văn bản liên quan đến nợ xấu. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cùng ban hành chỉ thị liên quan đến xử lý nợ xấu và Ngân hàng Nhà nước đã họp toàn ngành về việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14”, TS. Lực nói.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tập trung hoàn thiện để ban hành các văn bản pháp lý có liên quan, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội; đồng thời, tiếp tục rà soát các văn bản có liên quan khác và đề xuất hoàn thiện nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo từng tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, trong đó có kế hoạch xử lý nợ xấu của từng năm và giám sát việc thực hiện kế hoạch của từng tổ chức tín dụng. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là đầu mối tổng hợp, báo cáo số liệu xử lý nợ xấu ban hành kèm Chỉ thị này hàng năm để xây dựng Báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết.
Kỳ vọng sắc xanh cổ phiếu ngân hàng
TS. Lực khẳng định, Nghị quyết 42 của Quốc hội với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành là tín hiệu tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong xử lý “cục máu đông” nợ xấu. “Đây cũng chính là động lực cho cổ phiếu ngân hàng tăng tốt trong những tháng cuối năm”.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định, Nghị quyết 42 ra đời là cơ hội lớn để xử lý câu chuyện nợ xấu, vốn nhùng nhằng bao năm qua của ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hóa hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam.
“Với sự đồng thuận của các bộ, ngành trong việc quyết liệt xử lý và nỗ lực của chính các ngân hàng trong rà soát, phân loại nợ xấu, thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm nói chung và cổ phiếu các ngân hàng nói riêng kỳ vọng tăng trưởng tốt”, vị tổng giám đốc trên nói.
Kết quả tổng hợp điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành cho thấy, các tổ chức tín dụng khá lạc quan về triển vọng kinh doanh, với 82% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2016, trong đó 25% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện nhiều”. 90,6% tổ chức kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016, với mức tăng trưởng bình quân toàn ngành kỳ vọng đạt 13,2%.
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Mê Kông nhận định, với đà tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2017 và các yếu tố hỗ trợ đã được phản ánh phần nào vào thị giá, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, vẫn còn những cơ sở để cổ các cổ phiếu nhóm ngành này tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017, điều đó có nghĩa là tăng trưởng tín dụng có thể vượt qua con số 18% trong năm 2017. Đây là động lực hỗ trợ chính cho cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm 2017.
“Sự tham gia của các “tân binh” trên thị trường chứng khoán sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng sôi động hơn trong những tháng cuối năm 2017”, Công ty Chứng khoán Mê Kông nhận định.