5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 để TTCK có những bước đổi mới mạnh mẽ hơn
Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính
TTCK ngày càng khẳng định kênh dẫn vốn, giúp nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng. Hiện có hơn 750 doanh nghiệp niêm yết, quy mô vốn hóa chiếm 71,6% GDP năm 2018; thị trường UPCoM có hơn 800 mã giao dịch; TTCK phái sinh thanh khoản cao; thị trường trái phiếu chính phủ có giá trị niêm yết hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương 20,3% GDP năm 2018.
Năm 2019, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, nền kinh tế có thể sẽ đối mặt một số biến động, thách thức. Tôi kỳ vọng, HOSE sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để TTCK có những bước đổi mới mạnh mẽ hơn. Trong đó, tập trung vào 5 nhiệm vụ chính sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách với trọng tâm là Luật Chứng khoán sửa đổi nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp huy động vốn, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc TTCK với trọng tâm nâng cao năng lực và lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức trung gian.
Thứ ba, triển khai thành công gói thầu công nghệ thông tin, nền tảng quan trọng chuẩn bị cho việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Thứ tư, triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm và các chỉ số mới tại HOSE, triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tại HNX. Thứ năm, thúc đẩy triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK.
Mục tiêu đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế - cơ hội cho TTCK phát triển
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCK và Thành phố, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, định hình phát triển theo chuẩn mực quốc tế, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, nâng cao năng lực quản trị…
Thời gian tới, việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ con, hoạt động thoái vốn nhà nước… sẽ là tâm điểm của thị trường. Năm 2019, Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua, đây là cơ sở để thị trường phát triển bền vững, hy vọng Sở giao dịch tiếp tục thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.
Thành phố sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động của Sở, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn, đưa nhiều doanh nghiệp uy tín lên sàn. Đồng thời, Thành phố nâng cao tính công khai, minh bạch, giám sát TTCK, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Ngoài ra, Thành phố tập trung xây dựng đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm đầu tư tài chính quốc tế - đây là cơ hội vàng để thúc đẩy TTCK phát triển.
Năm 2019, tin tưởng TTCK sẽ chính thức được nâng hạng
Ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM
Những tháng đầu năm 2018, TTCK tăng hứng khởi, nhiều doanh nghiệp quy mô tỷ USD lên sàn và TTCK Việt Nam lần đầu tiên đứng đầu khu vực ASEAN về huy động vốn lần đầu ra công chúng với khoảng 2,6 tỷ USD; VN-Index lập đỉnh cao nhất trong lịch sử 18 năm hoạt động ở mức 1.204,33 điểm phiên 9/4/2018.
Tuy nhiên, diễn biến bất ổn về kinh tế quốc tế đã ảnh hưởng tới chứng khoán toàn cầu và TTCK Việt Nam. Cuối năm, VN-Index chốt tại 892,54 điểm, giảm khoảng 9% so với đầu năm, nhưng quy mô vốn hóa thị trường đạt mức tăng khoảng 10%.
Năm 2018, TTCK Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút đầu tư quốc tế khi nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng. Tổ chức FTSE đưa thị trường chứng khoán Việt vào danh sách theo dõi nâng hạng mới nổi.
Năm 2019, thị trường được dự báo có nhiều thách thức, nhưng có thể kỳ vọng rằng, thị trường sẽ chính thức nâng hạng. Sở sẽ đẩy mạnh nghiên cứu các sản phẩm mới, công nghệ thông tin, tạo nền tảng cho thị trường phát triển.
REE bám sát kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận bình quân 10 - 15%/năm
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Cơ điện lạnh (REE)
TTCK là hàn thử biểu, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Năm 2018, dù có nhiều biến động nhưng kết quả cuối cùng vẫn ấn tượng, nền kinh tế đang có các bước phát triển bền vững hơn. Tôi cho rằng, năm 2019 vẫn sẽ là năm tốt đẹp.
Đối với REE, Công ty vẫn tập trung vào 3 mảng chính: hạ tầng, cơ điện lạnh và các tòa nhà văn phòng cho thuê. Đầu năm 2019, REE thông qua phương án phát hành 100 triệu USD trái phiếu để đầu tư cho 3 lĩnh vực chính này. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo lãnh. Trái phiếu có kỳ hạn 10 năm với lãi suất bằng lợi tức trái phiếu chính phủ cộng với biên độ, với lãi suất tối đa 7,3%/năm, trả lãi 6 tháng/lần.
Năm nay, REE cũng có kế hoạch đầu tư mạnh hơn cho mảng điện nước, Công ty đang chuẩn bị trong danh mục đầu tư một vài khoản đầu tư mới. Với mảng đầu tư cho thuê văn phòng, REE có kế hoạch phát triển mỗi năm khoảng 15.000 - 20.000 m2 theo nhu cầu thị trường. Theo kế hoạch, tòa nhà văn phòng Etown Cộng Hòa 5 dự kiến cuối tháng 3/2019 sẽ hoàn tất và lấp đầy khoảng 60%.
Kế hoạch tổng thể cho năm 2019, REE vẫn bám sát chiến lược đã đề ra là tăng trưởng lợi nhuận bình quân 10 - 15%/năm.
1.000 tỷ đồng sắp rót vốn vào Quỹ ETF VFMVN30
Ông Trần Thanh Tân, Phó chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM)
Năm 2019, thách thức sẽ có nhiều, nhưng tôi cho rằng, thuận lợi nhiều hơn. Nền kinh tế Việt Nam đang rất tốt, hỗ trợ TTCK phát triển. Ngoài ra, chúng ta còn nhiều cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, từ dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Năm 2018, dù TTCK có diễn biến trồi sụt, nhưng dòng vốn nước ngoài đổ vào quỹ ETF do VFM quản lý vẫn tăng. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư cũng như TTCK Việt Nam rất ổn định cho nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào.
Năm 2019, nhiều khả năng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng, Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua - nền tảng vững chắc cho TTCK phát triển lâu dài. Theo đó, thuận lợi có, thách thức có, nhưng tôi tin tưởng năm nay sẽ là năm tốt đẹp cho TTCK Việt Nam.
Đối với các quỹ do VFM quản lý, nổi bật trong năm 2018 là Quỹ ETF VFMVN30 trở thành quỹ ETF nội lớn nhất thị trường, thu hút dòng vốn từ Hàn Quốc, mới đây là Thái Lan. Trong quý I/2019, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản dự kiến sẽ rót vốn vào Quỹ. Cả năm 2019, ETF VFMVN30 có thể thu hút thêm 1.000 tỷ đồng (từ Nhật Bản và từ các thị trường khác), đạt quy mô 100 triệu USD.
Các quỹ nội địa khác của VFM cũng tăng trưởng tốt. Vào thời điểm chỉ số VN-Index ở mức đỉnh 1.200 điểm đầu tháng 4/2018 thì tổng tài sản VFM quản lý là 8.000 tỷ đồng. Cuối năm 2018, chỉ số chứng khoán giảm khoảng 10% so với cuối năm 2017, nhưng tổng tài sản của VFM quản lý vẫn đạt gần 8.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, các dòng vốn từ nhà đầu tư đổ vào các quỹ do VFM quản lý không biến động quá nhiều so với thị trường.
Năm 2019, tôi đánh giá trên quan điểm huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn tích cực. Các nhà đầu tư bây giờ có góc nhìn thực tế và đơn giản hơn, không đòi hỏi sinh lợi 30 - 40% như trước, mà chỉ cần cao hơn lãi suất ngân hàng và quan trọng hơn cả là không được mất vốn. Đây cũng là quan điểm mà các công ty quản lý trong nước đang quản lý: cẩn trọng, không mất vốn, lãi chừng mực, chứ không phải “được ăn cả, ngã về không”.