Kỳ vọng nhóm vốn hóa lớn

Kỳ vọng nhóm vốn hóa lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số lượng cổ phiếu đạt điểm mua mới giảm dần nên để bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự mạnh, VN-Index đang trông đợi vào khả năng linh hoạt luân chuyển của nhóm vốn hóa lớn để giữ và kéo thêm dòng tiền tham gia, còn các cổ phiếu khác “xoay tua” vòng mới.

Chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới

Bất chấp quan ngại thuế quan và lạm phát, thị trường chứng khoán Mỹ tạo thêm đỉnh mới trong tuần qua, khi đà tăng được dẫn dắt rộng khắp với phần lớn các nhóm ngành, đặc biệt là các nhóm phòng thủ như chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng thiết yếu. Đáng chú ý, hai lần thiết lập đỉnh lịch sử gần đây của chỉ số S&P 500 không có nhiều đóng góp từ nhóm “Magnificent Seven” - 7 công ty công nghệ vốn hóa lớn nhất sàn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục có các tuyên bố trái ngược về triển vọng thương mại toàn cầu. Khi thì hoãn việc áp thuế quan toàn cầu mới, tạo khoảng trống để đàm phán và tạm thời xoa dịu quan ngại của nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc kỳ vọng mức thuế quan của Mỹ sẽ ít hơn dự đoán. Lúc lại đe dọa có các sắc lệnh thuế quan mới nhằm vào thâm hụt thương mại lớn với Mỹ thuộc về các quốc gia như Trung Quốc, Canada, Mexico, các nước trong nhóm BRICs và các ngành như công nghệ (chip bán dẫn), dược phẩm, ô tô, năng lượng, nông nghiệp, thời trang, gỗ. Kế hoạch áp mức thuế khoảng 25% của ông Donald Trump có thể được áp dụng sớm nhất vào ngày 2/4/2025 tới.

Bên cạnh rủi ro địa chính trị, lạm phát lại dấy lên là một trong các rủi ro lớn nhất trong năm 2025. Chỉ số CPI tháng 1/2025 của Mỹ tăng nóng hơn dự kiến, với các đợt tăng giá trên diện rộng. Tuy vậy, dữ liệu của một tháng chưa phá vỡ xu hướng dài hạn của lạm phát lõi đã mắc kẹt quanh mức 3,3%/năm suốt 8 tháng qua và có khả năng sẽ tiếp tục dao động trong khoảng này trong năm nay.

Đợt tăng giá năng lượng nhiều khả năng sẽ không lặp lại trong tháng 2/2025, bởi giá dầu trung bình từ đầu tháng đến nay chỉ quanh mức 72 USD/thùng, sau khi vọt lên 80 USD/thùng trong thời gian ngắn hồi tháng 1. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm cũng có thể chỉ là một sự biến động tạm thời.

Mặt khác, Trung Quốc kiên trì trong các nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bắc Kinh duy trì chính sách tài khóa chủ động, chính sách tiền tệ nới lỏng và tập trung kích cầu nội địa, đồng thời phải cân bằng giữa việc bảo vệ đồng Nhân dân tệ với nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế vốn đang chịu nhiều rủi ro.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay chủ chốt ở mức 3,1% cho kỳ hạn 1 năm và 3,6% cho kỳ hạn 5 năm, ưu tiên ổn định tài chính hơn việc giảm lãi suất. Thống đốc PBOC Pan Gongsheng nhấn mạnh tầm quan trọng của một đồng Nhân dân tệ ổn định, dù đồng tiền này đã giảm 2,5% so với USD kể từ khi ông Donald Trump tái đắc cử.

Giá vàng dự báo vượt 3.000 USD/ounce

Trên đồ thị vận động tài sản, giá vàng đang là tâm điểm chú ý khi là chỉ số duy nhất nằm trong vùng tăng mạnh, thậm chí đã di chuyển ra vùng xa ngoài vòng Elip, báo hiệu đà tăng sẽ còn tiếp diễn. Sự vận động tích cực của vàng đã đẩy các thị trường khác nằm trong vùng giảm mạnh. Vàng được dự báo tiếp tục có yếu tố hỗ trợ từ nhu cầu của các ngân hàng trung ương và lợi ích đa dạng hóa danh mục.

Dòng vốn ồ ạt chảy về Mỹ giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025 đã thu hút sự quan tâm toàn cầu, phản ánh bối cảnh lạm phát cao, rủi ro địa chính trị và xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số (CBDC). Hàng trăm tấn vàng vật chất chảy vào kho Comex tại New York, đẩy mức dự trữ lên hơn 1.000 tấn, chủ yếu do nhà đầu tư lo ngại thuế nhập khẩu mới của Mỹ, đồng thời tìm đến vàng để phòng vệ trước lạm phát và căng thẳng địa chính trị. Điều này khiến tồn kho vàng tại London (Anh) giảm khoảng 151 tấn, cho thấy dòng chảy vàng tạm thời đảo chiều sang New York.

Trong khi dự trữ vàng quốc gia của Mỹ (8.133 tấn) không thay đổi kể từ năm 1973, lượng vàng thuộc khu vực tư nhân và thương mại tại Comex lại gia tăng. Về góc nhìn đầu tư, tỷ phú Ray Dalio, nhà sáng lập Quỹ Bridgewater nhấn mạnh, vàng như “tiền cứng” trong giai đoạn bất ổn, còn ông Larry Fink, CEO BlackRock coi Bitcoin là “vàng kỹ thuật số” và thiên về phát triển tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) hơn vàng vật chất.

Về địa chính trị, một đồng USD gắn với vàng (nếu xảy ra) có thể củng cố niềm tin vào đồng bạc xanh, nhưng lại hạn chế khả năng in tiền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, trong khi Trung Quốc, Nga và các nước nhóm BRICS ngày càng sử dụng vàng để giảm phụ thuộc vào USD. Trong tuần qua, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như UBS, Goldman Sachs đã nâng dự báo giá vàng tới cuối năm 2025 sẽ vượt mốc 3.000 USD/ounce.

VN-Index kiểm chứng lại ngưỡng kháng cự 1.300 điểm

Chỉ số VN-Index gần đây từng bước tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Mức độ tự tin có sự cải thiện so với các nhịp kiểm tra trước đây nhờ thanh khoản hồi phục. Mặc dù vậy, khi ngưỡng kháng cự gần kề, độ rộng của nhịp tăng đã lan rộng, đà lan tỏa tiếp cận ngưỡng 90% thị trường, trong khi số lượng cổ phiếu đạt điểm mua mới giảm dần và chờ bán lại tăng, cho thấy cơ hội chỉ số chung bứt phá một cách dễ dàng là không cao.

Ngay cả trong kịch bản khả quan khi xảy ra sự bứt phá sớm tại vùng 1.300 điểm, VN-Index nhiều khả năng sẽ phải thực hiện các nhịp tái xác nhận tín hiệu bứt phá cũng như nền hỗ trợ mới này bằng các nhịp điều chỉnh sau đó. Chính vì vậy, về mặt cơ hội, các giao dịch mua mới nên kiên nhẫn khi sự “va chạm” đã gần kề, việc mở vị thế trong trạng thái tăng dốc của thị trường sẽ đem lại xác suất thành công thấp, thậm chí là rủi ro.

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, dòng tiền vẫn duy trì mạch luân chuyển khá tốt, tập trung vào nhóm bất động sản khu công nghiệp, xây dựng và vật liệu xây dựng, bảo hiểm. Nhịp tăng kéo dài tới hiện tại chủ yếu nhờ vào vai trò dẫn dắt và nâng đỡ chỉ số của nhóm vốn hóa lớn, trong đó ngân hàng là trụ đỡ quan trọng nhất. Sự xuất hiện lần lượt từ BID, cho tới VCB và VPB nhịp nhàng với diễn biến điều chỉnh của CTG, TCB, STB sau khi tăng tốt trong các tuần trước đó thể hiện rõ vai trò của nhóm ngành này với thị trường chung.

Trong kịch bản lạc quan, VN-Index sẽ tiếp tục trông đợi vào khả năng linh hoạt luân chuyển của nhóm vốn hóa lớn để giữ và kéo thêm dòng tiền tham gia thị trường. Nhiệm vụ còn lại của các cổ phiếu khác là “xoay tua” vòng mới, nếu đạt tiêu chí điều chỉnh chặt chẽ sẽ tiếp tục hồi phục để hoàn thành nốt mức giá mục tiêu của sóng. Dòng tiền bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài dù giảm bớt nhưng vẫn là điểm trừ, cản trở kịch bản VN-Index vượt 1.300 điểm.

Do đó, ngay cả trường hợp thị trường tiếp tục tăng nóng, các vị thế mua mới nên thắt chặt quản trị rủi ro bằng cách chỉ ưu tiên những cổ phiếu đã điều chỉnh, có nền giá tích lũy chặt chẽ để tạo được dư địa tăng mới đủ lớn và hấp dẫn.

Với các vị thế sẵn có, trong ngắn hạn chưa đối diện các cảnh báo bán chủ động, nhưng đã tới lúc nhà đầu tư cần chủ động hơn với các hoạt động quản trị rủi ro. Xác định ngưỡng cắt lỗ với các cổ phiếu đang nắm giữ và hạn chế gia tăng tỷ trọng mới nhằm tránh phát sinh thêm rủi ro cho danh mục.

Tin bài liên quan