Kỳ vọng nhịp bùng nổ

Kỳ vọng nhịp bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến kỹ thuật đã nghiêng về hướng tích cực, trong khi các chính sách hỗ trợ kinh tế tăng trưởng đã và đang được triển khai có thể tạo động lực cho VN-Index đi lên.

Xu hướng lớn đang tới gần

VN-Index kết thúc tuần thứ hai của tháng 5/2023 tại 1.066,9 điểm, vượt cản kỹ thuật 1.060 điểm, với khối lượng giao dịch cao hơn 20% so với trung bình 20 tuần gần nhất. Diễn biến kỹ thuật đã nghiêng về hướng tích cực khi sát các vùng kháng cự xuất hiện cây nến xanh cường lực Marubozu. Đây là loại nến cho thấy sự áp đảo của một phe trong phiên giao dịch và lần này phe mua đã thể hiện sức mạnh rõ rệt hơn với biên độ nến tăng 2,56%.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Trong quá trình vận động từ cuối năm 2022, VN-Index thu hẹp dần theo mẫu hình tam giác (mẫu hình trung tính thường xuất hiện trong những pha tích lũy với đáy sau cao hơn đáy trước), biên càng thu hẹp càng thể hiện xu hướng lớn đang tới gần. Với trạng thái như hiện tại, chỉ số có thể tiếp đà hướng tới thử thách ở vùng kháng cự 1.080 điểm trong tuần mới.

Dòng tiền tuần qua ghi nhận sự chú ý tới nhóm vốn hóa lớn trong VN30 và nhóm ngân hàng vào phiên cuối tuần, nhưng nhà đầu tư vẫn chủ yếu ưu ái nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, đầu tư công… lần lượt bật tăng. Mặc dù vậy, không ít mã cổ phiếu “trà đá” tăng trần liên tiếp là dấu hiệu cần thận trọng về thị trường lúc này. Dòng tiền khối ngoại dù không đáng kể nhưng tiếp tục bán ròng 170 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với những tin tức liên quan tới chính sách tiền tệ nới lỏng và kỳ vọng vào các chính sách thúc đẩy kinh tế, các dự án lớn mang tính bước ngoặt trong khoảng thời gian giữa năm 2023, VN-Index đang có động lực cho một nhịp tăng.

DSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân ngắn hạn với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, lựa chọn các cổ phiếu đang tích lũy, chưa tăng quá nóng và doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng/hồi phục. Trường hợp VN-Index có những nhịp điều chỉnh khi tiệm cận các vùng hỗ trợ, nhà đầu tư có thể mở các vị thế gia tăng tỷ trọng với mục tiêu trung và dài hạn.

Ngành dầu khí - chờ đợi siêu dự án

Dòng tiền trên thị trường đã “ghé thăm” hầu hết các nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình trong 2 tháng gần đây, nhưng chỉ mới chú ý tới ngành dầu khí trong tuần qua ở các mã như PVD, PVC.

Giá dầu Brent được dự báo sẽ khó tăng lên trên 100 USD/thùng như năm 2022 trước nỗi lo suy thoái kinh tế thế giới và gần đây là vấn đề trần nợ công, khiến kỳ vọng và nhu cầu về loại năng lượng hóa thạch này giảm sút. Tuy nhiên, giá dầu vẫn được hỗ trợ khi OPEC+ có động thái cắt giảm nguồn cung, Nga có hành động tương tự, nhu cầu dầu của Trung Quốc được kỳ vọng phục hồi... Trong bối cảnh đó, giá dầu có thể sẽ dao động trong vùng 70 - 80 USD/thùng xuyên suốt năm 2023.

Câu chuyện phân hóa giữa nhóm thượng nguồn, trung nguồn so với hạ nguồn nhiều khả năng đến từ các chính sách và dự án nội địa hơn là ảnh hưởng của giá dầu thế giới.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) nếu được thông qua vào tháng 11/2023 sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động ở khâu thượng nguồn trong dài hạn. Đáng chú ý, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng vào tháng 6 tới, dần tạo ra khối lượng công việc khổng lồ.

Ở phân khúc trung nguồn, nhóm vận tải dầu khí có cơ hội ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh khi giá cước vận tải dầu thô dù điều chỉnh trong 2 tháng gần đây nhưng vẫn có mức tăng 250% so với năm 2021 do ảnh hưởng từ biến động địa chính trị và sự phục hồi nhu cầu vận tải dầu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, giá các cổ phiếu phân khúc này như PVT, VIP, VTO đã có mức tăng khoảng 50%, phản ánh trước những số liệu tích cực.

Với nhóm hạ nguồn, DSC cho rằng, tình hình sẽ “dễ thở” hơn cho các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ dầu khí khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã hoạt động ổn định từ quý IV/2022, giúp bình ổn nguồn cung, từ đó giảm bớt tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu. Diễn biến giá dầu thế giới dự kiến sẽ ít biến động hơn so với năm 2022, giúp giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho.

Với sự phân hóa rõ rệt giữa các phân khúc trong ngành dầu khí, DSC khuyến nghị, nhà đầu tư nên ưu tiên giải ngân các cổ phiếu thuộc nhóm thượng nguồn và hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn như PVD, PVS.

Tin bài liên quan