Câu chuyện của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ở nhu cầu, mà nằm ở sản phẩm.

Câu chuyện của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ở nhu cầu, mà nằm ở sản phẩm.

Kỳ vọng "nhầm" giao dịch lô lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy định cho phép giao dịch lô lẻ không phải là động lực hỗ trợ thanh khoản, mà chỉ giúp nhà đầu tư giải quyết cổ phiếu lẻ trong danh mục.

Chờ lâu mới khớp

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán khi kết thúc phiên 12/9/2022, ngày đầu tiên triển khai giao dịch lô lẻ từ 1 - 99 cổ phiếu cho thấy, nhiều nhà đầu tư phấn khởi vì bán được số cổ phiếu “tồn kho” lâu ngày trong tài khoản, hoặc mua thêm một lượng cổ phiếu lẻ để làm tròn thành lô chẵn. Một số nhà đầu tư mới tham gia thị trường có ngân sách hạn hẹp, khẩu vị rủi ro thấp (sinh viên, người về hưu…) cũng hào hứng tham gia giao dịch, nhưng chờ lâu mới khớp khiến họ dần cảm thấy nản.

“Tôi đã mua 30 cổ phiếu TCB với giá gần 37.000 đồng/cổ phiếu, giao dịch cả phí mất hơn 1 triệu đồng. Từ nay, tôi có thể mua cổ phiếu bằng tiền nhàn rỗi hàng tháng. Tuy nhiên, đặt lệnh hơn một giờ đồng hồ mới thấy khớp”, nhà đầu tư Hoàng Ngọc, một sinh viên mới tham gia thị trường cho biết.

Tương tự, anh Trung Thành, một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ, trong danh mục có 34 cổ phiếu LPB do được chia cổ tức từ lâu, anh đặt lệnh bán nhưng hai tiếng trôi qua vẫn không được khớp. Anh bèn sửa lệnh bán 30 cổ phiếu thì một lúc sau bán được luôn. Đặt tiếp lệnh bán 4 cổ phiếu còn lại thì chờ đến hết phiên vẫn không bán được.

Cũng loay hoay với lô lẻ, nhà đầu tư Văn Mạnh cho hay, quy định cho phép giao dịch lô lẻ phù hợp với nguyện vọng của các nhà đầu tư, song không dễ mua bán. Trong khi đó, đối với giao dịch lô chẵn, nhà đầu tư chỉ cần đặt mua/bán với mức giá đang có nhiều lệnh bán/mua là khớp được luôn.

Giao dịch lô lẻ có thể phải chờ hàng giờ mới được khớp, mà cũng không chắc khớp hết khối lượng.

Về tình trạng trên, nhân viên môi giới tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội lý giải, các cổ phiếu lẻ giao dịch chậm hơn bình thường do sử dụng một hệ thống khớp lệnh riêng, không được khớp lệnh với lô chẵn. Khi nhà đầu tư đăng lệnh bán, ví dụ 30 cổ phiếu, thì phải chờ người đăng lệnh mua 30 cổ phiếu đó mới khớp được, khác với bên hệ thống giao dịch lô chẵn là xé nhỏ lệnh rồi khớp từng phần. Ngoài ra, do số lượng người tham gia giao dịch lô lẻ ít nên tốc độ giao dịch chậm.

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE cho hay, trong ngày 12/9, có hơn 190.000 lệnh giao dịch lô lẻ, chiếm 22% tổng lệnh giao dịch trên thị trường; khối lượng khớp lệnh thành công đạt 37%; khối lượng lệnh các nhà đầu tư đã đặt tương đương 1,3 triệu cổ phiếu.

Theo các chuyên gia, cho phép giao dịch lô lẻ là phù hợp với thông lệ quốc tế, tốt cho cả nhà đầu tư, công ty chứng khoán và thị trường.

“Trên thế giới, có những thị trường chứng khoán cho phép giao dịch cả những lô siêu lẻ như 0,5 hoặc 0,3 cổ phiếu. Tất nhiên, họ làm được là do thị trường đã phát triển nhiều năm và thị giá cổ phiếu khá cao”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết.

Kỳ vọng thiếu cơ sở

Giới đầu tư kỳ vọng, việc cho phép giao dịch lô lẻ sẽ cộng hưởng với quy định rút ngắn thời gian thanh toán từ chiều T+2 xuống trưa T+2 (nhà đầu tư gọi là T+1,5), áp dụng kể từ ngày 29/8/2022 sẽ giúp kích thích dòng tiền chảy mạnh vào kênh chứng khoán. Thậm chí, một số ý kiến còn lạc quan cho rằng, thanh khoản thị trường có thể tăng 20 - 30%.

Tuy nhiên, thực tế những ngày đầu áp dụng các quy định mới, thanh khoản không những không tăng, mà còn giảm. Cụ thể, ngày 12/9, thanh khoản sàn HOSE chỉ đạt hơn 10.700 tỷ đồng, giảm 22% so với phiên liền trước (13.800 tỷ đồng) và là mức thấp nhất kể từ phiên 27/7. Ba phiên sau đó, thanh khoản bình quân là hơn 12.700 tỷ đồng, vẫn ở mức thấp so với trước khi áp dụng lô lẻ và thời gian thanh toán T+1,5 (giá trị giao dịch bình quân trong tháng 8 là 15.607 tỷ đồng).

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trong khi một số nhà đầu tư hào hứng tham gia giao dịch lô lẻ thì đa số nhà đầu tư khác không quan tâm, vì giá trị giao dịch quá nhỏ, không đáng để đầu tư. Họ cũng không có cổ phiếu lẻ để bán do trước đây đều “né” các đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital) cho rằng, câu chuyện lô lẻ và thanh khoản thị trường không liên quan nhiều đến nhau. Bản chất quy định cho phép giao dịch lô lẻ không phải là động lực hỗ trợ thanh khoản, mà chỉ giúp nhà đầu tư giải quyết cổ phiếu lẻ trong danh mục. Giao dịch lô lẻ hiện chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khối lượng giao dịch của toàn thị trường.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá, thanh khoản những ngày qua thấp là do thị trường không thuận lợi. Việc áp dụng giao dịch lô lẻ không tác động đến thanh khoản, vì tỷ trọng quá nhỏ và không phải ai cũng có nhu cầu.

“Quy định rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+1,5 có liên quan đến thanh khoản nhiều hơn là giao dịch lô lẻ, song cũng không thể là yếu tố cải thiện được thanh khoản, do hiện tại, số lượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ chỉ chiếm khoảng 10 - 20% số lượng và 20 - 30% thanh khoản toàn thị trường. Kỳ vọng thanh khoản sẽ tăng 20 - 30% nhờ các quy định này theo tôi là không đúng”, ông Huy nói.

“Thực chất, thanh khoản thị trường chứng khoán những phiên gần đây phản ánh một vấn đề là tiền không có”, vị chuyên gia của HSC nhận xét.

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, quy định giao dịch lô lẻ cùng với thời gian thanh toán T+1,5 chỉ phát huy tác dụng hỗ trợ thanh khoản khi thị trường đang sôi động, ví dụ thời điểm năm 2021. Còn ở bối cảnh hiện tại, việc kỳ vọng thanh khoản tăng cao nhờ các quy định này là không có cơ sở.

“Qua quan sát những ngày qua, tôi thấy hành vi giao dịch của nhà đầu tư hầu như không thay đổi, ngày đầu có thể họ hào hứng để làm gọn danh mục, nhưng sau đó tâm lý vẫn thận trọng do thị trường kém tích cực”, ông Minh chia sẻ.

Vấn đề thanh khoản nằm ở sản phẩm

“Câu chuyện của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ở nhu cầu, dù nhu cầu rất lớn, mà nằm ở sản phẩm. Chúng ta quá thiếu các sản phẩm tài chính vệ tinh và các câu chuyện hỗ trợ thị trường tài chính phát triển”, ông Minh nêu quan điểm.

Lấy ví dụ từ thị trường chứng khoán Thái Lan, ông Minh cho biết, thị trường này có nhiều yếu tố tương đồng với thị trường Việt Nam, nhưng thanh khoản của họ đạt trung bình 2 tỷ USD/phiên, mặc dù chỉ có 600 - 850 mã cổ phiếu. Còn thị trường Việt Nam hiện có khoảng 1.700 mã cổ phiếu, thanh khoản hiện tại từ 10.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên, lúc cao điểm cũng chỉ đạt trung bình 22.000 - 23.000 tỷ đồng/phiên (tương đương 1 tỷ USD).

Một cổ phiếu cơ sở trên thị trường chứng khoán Thái Lan có rất nhiều sản phẩm tài chính vệ tinh, ví dụ phái sinh, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Theo thống kê, NVDR đóng góp khoảng 22% thanh khoản hàng ngày cho thị trường Thái Lan. Riêng sản phẩm phái sinh của họ không chỉ có phái sinh cổ phiếu, mà còn có phái sinh của từng nhóm chỉ số, từng cổ phiếu vốn hoá lớn…

Còn ở Việt Nam, tốc độ phát triển sản phẩm tài chính mới rất chậm, hiện mới có cổ phiếu, phái sinh chỉ số VN30, chứng chỉ quỹ ETF. Bản thân các quỹ đầu tư hiện nay trông đợi Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra mắt thêm nhiều sản phẩm tài chính thì họ mới triển khai được các dịch vụ như quản lý tài sản cá nhân.

“Người dân Việt Nam dù có tiền hiện cũng khó chọn kênh đầu tư. Chứng khoán đang giảm điểm, bất động sản thanh khoản kém, trái phiếu tê liệt, có lẽ họ chỉ còn biết gửi tiết kiệm. Với thị trường chứng khoán, tôi cho rằng, trong khi không có sản phẩm mới, không có thông tin hỗ trợ, không có dòng tiền mới thì thanh khoản khó có thể cải thiện”, ông Minh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia của Chứng khoán Yuanta cho rằng, giao dịch lô lẻ hay giảm thời gian thanh toán đơn thuần là câu chuyện kỹ thuật, chỉ là điểm cộng nhỏ trong đợt đánh giá xếp hạng thị trường tháng 9 này của tổ chức MSCI.

Tin bài liên quan