ACB dự kiến chia cổ tức năm 2018 ở mức 30% bằng cổ phiếu, tăng gấp đôi so với cổ tức 2017. Mục tiêu lợi nhuận 5.699 tỷ đồng được đặt ra trong năm 2018 đang được Ngân hàng hiện thực hóa khi 9 tháng đầu năm đã đạt 4.776 tỷ đồng trước thuế.
Trong kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra đầu năm nay, ACB cho biết, năm 2018, Ngân hàng sẽ nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng dự phòng rủi ro vào lợi nhuận. Vì thế, ACB có khả năng đạt 6.000 tỷ đồng lợi nhuận năm nay.
Trong khi đó, đánh giá từ Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), ACB có thể lãi 6.333 tỷ đồng năm 2018 nhờ hoàn nhập dự phòng và thu hồi nợ xấu. HSC cho rằng, với việc đã xử lý hết nợ xấu tại VAMC và nợ nhóm G8, thu nhập từ thu hồi nợ xấu sẽ tăng cao, cộng với hoàn nhập dự phòng sẽ thúc đẩy lợi nhuận tăng trong năm 2018.
Tại Ngân hàng TPBank, năm 2018, Ngân hàng nâng vốn điều lệ từ 5.842 tỷ đồng lên 8.533 tỷ đồng qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 8,37% và chia thưởng từ nguồn thặng dư vốn với tỷ lệ 20%.
TPBank vừa thông báo lại thời gian chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức và chia thưởng cổ phiếu lùi sang ngày 10/12 thay vì 5/12 như kế hoạch trước đó.
Với mức lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm nay trên 1.600 tỷ đồng trước thuế và kế hoạch cả năm đạt 2.200 tỷ đồng trước thuế, nhà băng này cũng dự chi cổ tức 2018 cho cổ đông ở mức cao. TPBank là ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên sàn đầu năm 2018 và được giới đầu tư quan tâm trong nhóm cổ phiếu “vua”.
HDBank cũng là một trong những nhà băng mạnh tay chia cổ tức cao trong các năm qua. Đặc biệt, năm 2017 đánh dấu một năm kỷ lục của HDBank với 2.417 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 110,6% so với năm trước và hoàn thành 185,9% kế hoạch được cổ đông thông qua đầu năm.
Do đó, Ngân hàng quyết định chia cổ tức cho cổ đông tới 35%, bao gồm 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Đây là mức cổ tức thuộc nhóm cao nhất trong khối ngân hàng hiện nay, trong khi hầu hết các ngân hàng khác phần lớn chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Với tình hình kinh doanh ngành ngân hàng khởi sắc trong 2018, HDBank đạt lợi nhuận 9 tháng đầu năm khả quan (2.884 tỷ đồng trước thuế), tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận cao giúp hệ số ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của ngân hàng này duy trì trên 20% và cũng mở ra kỳ vọng mức cổ tức cao năm 2018.
HSC ước tính, lợi nhuận trước thuế hợp nhất HDBank trong năm 2018 đạt 3.958 tỷ đồng (tăng trưởng 63,79%). Ngoài ra, nếu hoàn tất kế hoạch sáp nhập thêm PGBank trong năm 2018, HDBank có thể đạt mục tiêu lợi nhuận ở mức 4.700 tỷ đồng trước thuế năm nay.
Đây sẽ là cơ sở để cổ đông HDBank kỳ vọng cổ tức năm 2018 sẽ không thấp hơn tỷ lệ của năm 2017. Bên cạnh các ngân hàng thực hiện việc chia cổ tức ở mức cao cho cổ đông, có một số nhà băng gần 10 năm không chia cổ tức do hoạt động khó khăn.
Cùng là cổ đông mua cổ phiếu ngân hàng, nhưng mùa đại hội vừa qua chứng kiến những thái cực cảm xúc trái ngược. Bên cạnh những cổ đông “vui như Tết” vì được nhận cổ tức cao và cổ phiếu thưởng thì nhiều người khác lại buồn lòng vì không được chia một đồng cổ tức nào.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng “yêu yếu” này, việc không chia cổ tức là “để dành”, ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn trong hoạt động. Sau đó, tình hình kinh doanh khởi sắc và nợ xấu được xử lý thì ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng. Lợi nhuận tăng, cổ tức của cổ đông được chia nhiều hơn, cổ tức là “của để dành”.
Chẳng hạn, tại Techcombank, sau một thời gian dài không chia cổ tức khiến cổ đông đại chúng ngậm ngùi và lãnh đạo nhà băng cứ nói “không” với cổ tức cho đến kỳ đại hội đầu năm 2018, HĐQT nhà băng này trình cổ đông thông qua mức cổ tức và thưởng cổ phiếu lên đến 200%. Tuy nhiên, mức cổ tức khủng trên sau khi chia đã khiến giá cổ phiếu TCB được điều chỉnh kỹ thuật, hiện xoay quanh 28.000 đồng/cổ phiếu.
Các nhà băng mạnh tay chia cổ tức 2017 và dự kiến 2018 ở mức cao một phần do có đủ nguồn tiền để chia, phần khác là để thực hiện hoạt động tăng vốn lớn một cách dễ dàng hơn so với việc gọi thêm cổ đông mới.
Vào thời điểm cuối năm 2018, room tín dụng của nhiều nhà băng khó được nới, song tăng trưởng của tín dụng cá nhân và dịch vụ ngân hàng bán lẻ vẫn sẽ là yếu tố tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành thời gian tới.
StoxPlus dự báo, EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) ngành ngân hàng sẽ giữ vững đà tăng trưởng cao, mặc cho tăng trưởng tín dụng khó đạt trần 17%. Số liệu FiinPro cho thấy, các nhà phân tích lạc quan dự báo EPS của ngành ngân hàng năm 2018 sẽ tăng 42,1%.
Vì vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng cổ tức 2018 cao. Kỳ vọng này cũng dựa trên một thực tế là các nhà băng đang có nhu cầu tăng vốn (điều lệ) lớn để nâng cao năng lực tài chính, tiến tới áp dụng các chuẩn mực của Basel II theo quy định Ngân hàng Nhà nước.