Kỳ vọng mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan, giới đầu tư tự tin gom hàng

Kỳ vọng mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan, giới đầu tư tự tin gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall có phiên tốt nhất trong hơn một tháng vào thứ Ba (19/4), khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với báo cáo kết quả kinh doanh và nhận xét ôn hòa từ hai quan chức của Fed về việc tăng lãi suất.

Phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng vượt trội nhờ lãi suất tăng cao và các ngân hàng khu vực và có quy mô vừa báo cáo kết quả kinh doanh, với Citizens Financial, vốn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý I cao hơn dự báo đã tăng vọt 6,8%, còn cổ phiếu JPMorgan nhích hơn 2%.

Báo cáo kết quả kinh doanh khá thuận lợi và tăng mức chia cổ tức cũng giúp cổ phiếu Johnson & Johnson tăng 3,1% lên mức kỷ lục mới.

Trong khi đó, Netflix đóng cửa tăng 3,2%, dù báo cáo số thuê bao mới đăng ký đã giảm lần đầu tiên trong một thập kỷ. Một số cổ phiếu lớn trong ngành công nghệ và truyền thông cũng tăng với Disney tăng 3,2%, cổ phiếu Microsoft và Alphabet lần lượt tăng 1,7% và 1,8%.

Trong số 49 công ty đầu tiên trên chỉ số S&P 500 báo cáo kết quả kinh doanh quý I, thì gần 80% trong đó đã vượt qua ước tính lợi nhuận, theo dữ liệu của Refinitiv. Thông thường, con số này chỉ ở mức 66%.

Thị trường có đôi chút giật mình, khi Chủ tịch Fed bang St. Louis, James Bullard đã lặp lại quan điểm của ông về việc tăng lãi suất lên tới 3,5% vào cuối năm để làm chậm lạm phát cao trong 40 năm. Ông cũng cho biết không loại trừ việc tăng lãi suất 0,75% vào lần tới của Fed.

Nhưng dường như giới đầu tư đã gạt bỏ những nhận xét đó và các chỉ số chính tiếp tục phục hồi trong phiên giao dịch buổi chiều, sau khi Chủ tịch Fed Chicago, ông Charles Evans và Atlanta là ông Raphael Bostic đưa ra những bình luận ôn hòa hơn.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, số lượng nhà xây mới và cấp phép xây dựng tháng 3/2022 cao hơn dự báo. Điều đó dường như đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu xây dựng, với cổ phiếu D.R. Horton tăng 3,9%.

Thị trường năng lượng cũng góp phần hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong phiên này, với giá dầu và khí đốt đều giảm mạnh. Đà sụt giảm này có thể xoa dịu lo ngại của nhiều người về lạm phát.

Kết thúc phiên 19/4, chỉ số Dow Jones tăng 499,51 điểm (+1,45%), lên 34.911,20 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 70,52 điểm (+1,61%), lên 4.462,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 287,30 điểm (+2,15%), lên 13.619,66 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên giảm mạnh nhất trong hai tuần, khi lo ngại về xung đột tại Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed và một loạt các báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu mất 0,72% xuống 456,49 điểm.

Tình hình chiến sự tại Ukraine ảnh hưởng mạnh đến thị trường, khi các lực lượng Nga đã cố gắng đẩy lui các tuyến phòng thủ của Ukraine dọc theo gần như toàn bộ chiến tuyến ở miền đông Ukraine.

Sophie Lund-Yates, nhà phân tích cổ phiếu hàng đầu tại Hargreaves Lansdown, cho biết: “Có một loạt những khó khăn mà thị trường phải đối mặt trong tuần này, nhưng bất kỳ khả năng nào rằng, căng thẳng Ukraine sẽ kéo dài hoặc bạo lực hơn, cũng đủ để khiến tâm lý trên thị trường sụt giảm”.

Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm thứ Năm xác nhận kế hoạch chấm dứt kế hoạch kích thích trong quý thứ 3, nhưng tránh bất kỳ cam kết chắc chắn nào, nhấn mạnh rằng chính sách là linh hoạt.

Thêm vào sự lo lắng, Ngân hàng Thế giới - WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2022 từ mức 4,1% xuống 3,2%, sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi mùa thu nhập của các công ty ở châu Âu cho đến nay vẫn còn khóa dự báo và trọng tâm sẽ là các công ty báo cáo trong tuần này là Accor và L'Oreal.

Kết thúc phiên 19/4: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 15,10 điểm (-0,20%), xuống 7.601,28 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 10,39 điểm (-0,07%), xuống 14.153,46 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 54,56 điểm (-0,83%), xuống 6.534,79 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, nhưng không thể đóng cửa trên mốc tâm lý 27.000 điểm, do lo ngại về kết quả mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, bất chấp các nhà chức trách cam kết hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh do áp lực chủ yếu đến từ việc các gã khổng lồ công nghệ bị bán tháo.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, chạm mức cao nhất trong hai tuần nhờ sự thúc đẩy của các nhà sản xuất chip.

Kết thúc phiên 19/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 185,38 điểm (+0,69%), lên 26.985,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,50 điểm (-0,05%), xuống 3.194,03 điểm. Chỉ số Hang Seng-Index tại Hồng Kông giảm 490,32 điểm (-2,28%), xuống 21.027,76 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 25,68 điểm (+0,95%), lên 2.718,89 điểm.

Tin bài liên quan