Bối cảnh vĩ mô
Tiêu điểm tuần qua là cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và mức tăng lãi suất thêm 0,75% như dự đoán, nhưng đáng chú ý hơn những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell với những cảnh báo rất rõ ràng về khả năng tiếp tục tăng lãi suất.
Lãi suất điều hành ở Mỹ tăng đồng nghĩa với tăng áp lực lên tỷ giá. Với những diễn biến phức tạp của tình hình vĩ mô toàn cầu và động thái của Fed, theo chúng tôi, VND sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá trong tương lai gần, đồng nghĩa với việc lãi suất điều hành có thể được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc tăng thêm. Tuy nhiên, lãi suất tăng đang và sẽ giúp cơ quan này rộng đường bơm thanh khoản ra ngoài thị trường, phần nào hỗ trợ cho TTCK.
Diễn biến chỉ số
Thông tin bơm ròng thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước đã tạo động lực cho dòng tiền đẩy mạnh tại nhóm ngành ngân hàng trong phiên chiều cuối tuần qua, giúp thị trường bớt đà giảm mạnh trước đó. VN-Index đóng cửa với mẫu nến Pin bar tại 997,15 điểm, giảm 2,22%, với thanh khoản gia tăng. Ở đồ thị tuần, thị trường ghi nhận mẫu nến Spinning Top giảm điểm, cho thấy nỗ lực tạo sự cân bằng tại đây, nhưng phe bán vẫn đang chiếm ưu thế.
Bước qua mùa báo cáo tài chính một cách ảm đạm, nhóm ngân hàng công bố kết quả kinh doanh vượt trội thể hiện sức mạnh trên TTCK khi nâng đỡ điểm số thời điểm hiện tại.
Vào giai đoạn trũng về thông tin khiến dòng tiền không đủ lý do để giải ngân, tình trạng “lình xình” dự báo còn tiếp diễn; đặc biệt khi bóc tách kỹ từng nhóm ngành, thị trường khó có thể xoay chuyển khi áp lực đến từ nhóm bất động sản, khu công nghiệp.
Ở đồ thị kỹ thuật, tín hiệu “rút chân” xuất hiện khi giá tiệm cận dải băng dưới của Bollinger, dòng tiền chỉ được kích hoạt khi điểm số quay trở lại vùng quá bán. Tuy vậy, bối cảnh vĩ mô và chính sách không có nhiều biến chuyển khiến cho cơ hội đầu tư bị thu hẹp, dòng tiền hoàn toàn quay lưng với nhóm ngành chịu ảnh hưởng bởi trái phiếu. Câu chuyện về tin đồn và khủng hoảng lòng tin đã khiến cho hiệu suất đầu tư trên TTCK trong nước thụt lùi hoàn toàn so với toàn cảnh liên thị trường hiện tại.
Nhóm ngành đáng chú ý: Hóa chất
Nhóm hóa chất vẫn giữ được phong độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế và doanh thu toàn ngành trong quý III/2022, lần lượt đạt mức tăng 190% và 55%. Ngành này hưởng lợi nhờ giá hóa chất thành phẩm vẫn neo ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung thị trường thu hẹp do yếu tố địa chính trị từ phía châu Âu và chính sách “Không Covid” từ phía Trung Quốc.
Bức tranh xuất khẩu khởi sắc, giá trị lũy kế tới tháng 10 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ, mặc dù ghi nhận tín hiệu giảm sút mạnh từ thị trường châu Âu. Nhu cầu tiêu thụ bù trừ tại các khu vực dẫn đến dự báo về doanh thu kỳ vọng tích cực, đặc biệt trong mùa tiêu thụ quý cuối năm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước hưởng lợi nhờ chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển được kiểm soát tốt; lợi thế này đến từ việc khai thác nguồn nguyên vật liệu có sẵn và giá điện ổn định, trong khi chi phí năng lượng tăng cao ở nhiều khu vực bởi tình trạng hạn hán kéo dài. Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng khó có thể giữ ở mức trung bình cao như hiện tại.
Mức nền về doanh thu và lợi nhuận cao ở quý IV năm ngoái sẽ thử thức thách mức tăng trưởng trong năm nay khi số liệu này đang có tín hiệu tạo đỉnh.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số ngành hóa chất vẫn đang giao dịch trong xu hướng giảm (dưới đường tín hiệu MA20); tín hiệu “rút chân” khi tiệm cận kênh dưới của Bollinger cho tín hiệu tích cực trong ngắn hạn. Về cơ bản, chỉ số P/B ở mức 1,53 là mức định giá tương đối công bằng (định giá trung bình 5 năm ở nhóm ngành này); DSC đánh giá cao vùng hỗ trợ tại vùng 94 điểm, nhưng vẫn phải chờ tín hiệu kỹ thuật xác nhận dòng tiền để mở vị thế. Một số cổ phiếu đáng quan tâm là DGC, CS.