Theo một nguồn thông tin, nhà đầu tư chờ đợi MBB sẽ mở room thêm 10% cho khối ngoại, tức room khối ngoại tại MBB sẽ là 20%, thay vì 10% như trước.
Nếu điều này xảy ra, việc khối ngoại mua vào là kịch bản được các NĐT tin tưởng. Bởi MB là một ngân hàng hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận cao nhất trong khối ngân hàng thương mại không có vốn Nhà nước chi phối.
Thực tế cho thấy, sau khi MBB phát hành riêng lẻ và phát hành ESOP 405 triệu cổ phiếu, khiến tổng số lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên 1.600 triệu cổ phiếu, khối ngoại đã ngay lập tức mua vào hơn 40,5 triệu cổ phiếu, tiếp tục lấp kín room 10%.
Tuy nhiên, cách thức để nhà đầu tư ngoại lấp kín room này lại là câu chuyện khác. Một kịch bản được nhiều người đặt ra, đó là việc nới room của MBB có liên quan đến yêu cầu thoái vốn của các TCTD khác tại Ngân hàng, để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định, 1 NHTM chỉ được sở hữu tối đa 2 TCTD và tỷ lệ không được vượt quá 5%. Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của MBB, có 2 nhóm cổ đông ngân hàng, gồm nhóm Maritimebank sở hữu 8,96% vốn và VCB nắm giữ 7,16% vốn.
Hai ngân hàng này sẽ phải thoái bớt vốn tại MBB về tỷ lệ tối đa 5% trước ngày 1/2/2016. Với lượng cổ phiếu MBB hai ngân hàng cần thoái rất lớn, một số CTCK dự đoán TTCK sẽ không đủ sức hấp thụ.
Nếu không bán được cho các định chế, tổ chức, mà bán qua sàn, lượng cung cổ phiếu này sẽ gây áp lực lên giá cổ phiếu MBB, kéo theo đó sẽ là bài toán hiệu quả của bên thoái vốn.
Theo một chuyên gia phân tích chứng khoán, khả năng khối ngoại sẽ “ôm trọn” số cổ phần thoái vốn của các ngân hàng qua giao dịch thỏa thuận. Điều đó đồng nghĩa với việc thị trường chưa chắc được hưởng lợi gì từ việc MBB mở room.