Toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT.

Toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT.

Kỳ vọng lực đỡ từ các doanh nghiệp triển vọng

(ĐTCK) Những ngày gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu nhiều áp lực giảm điểm. Kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp lớn kỳ vọng sẽ là bệ đỡ, thậm chí là cú huých cho thị trường.

FPT: Thị trường nước ngoài tăng trưởng mạnh

9 tháng đầu năm 2018, Công ty cổ phần FPT (FPT) đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 16.261 tỷ đồng và 2.738 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.302 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.828 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.985 đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với cùng kỳ năm 2017, doanh thu của FPT giảm 48%, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 19%.

Doanh thu giảm chủ yếu là do yếu tố thay đổi chính sách kế toán tại 2 công ty là FPT Retail và Synnex FPT. Nếu loại bỏ tác động từ yếu tố này, doanh thu và lợi nhuận của FPT tăng trưởng tương ứng 21% và 33%.

Toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Trong 9 tháng, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận 6.397 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% và 1.040 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu thị trường nước ngoài tăng từ mức 16% trong 9 tháng đầu năm 2017 lên mức 39% trong 9 tháng đầu năm 2018.

Với kết quả hoạt động khả quan trên, cổ phiếu FPT được Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo có thể đạt mức giá kỳ vọng 65.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với mức giá hiện nay là hơn 43.000 đồng/cổ phiếu. 

OIL: 9 tháng gần hoàn thành kế hoạch năm

Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL) ước tính, trong 9 tháng đầu năm 2018, Tổng công ty đã xuất bán 8,96 triệu tấn, hoàn thành 77% kế hoạch năm, trong đó cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất 5,52 triệu tấn từ nguồn trong nước và 216.000 tấn từ nguồn nhập khẩu; sản xuất 426.000 m3 xăng dầu, dầu mỡ nhờn, hoàn thành 71% kế hoạch năm; sản lượng kinh doanh xăng dầu toàn hệ thống đạt 2,386 triệu m3, hoàn thành 75,8% kế hoạch năm.

Với kết quả này, OIL ước đạt doanh thu hợp nhất 45.000 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 483 tỷ đồng, hoàn thành 97% kế hoạch năm và tăng 82,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, quý III/2018, lợi nhuận dự kiến của OIL lớn hơn lợi nhuận đạt được của 6 tháng đầu năm.

So sánh kết quả kinh doanh mà OIL đạt được với quy mô vốn điều lệ gần 10.900 tỷ đồng, thì con số lợi nhuận trên vẫn còn khiêm tốn, nhưng xu hướng tăng trưởng kết quả kinh doanh của Tổng công ty là một chỉ báo lạc quan cho thị trường về cổ phiếu OIL.

Định giá cổ phiếu OIL không quá xa so với thị giá hiện nay, nhưng mức tăng dự kiến được một số công ty chứng khoán khuyến nghị cho khách hàng tổ chức từ 5 - 10% so với thị giá. 

PLX: Dự phóng lợi nhuận 2018 tăng 4%

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) được dự phóng tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 khoảng 4% so với năm 2017, trong đó số liệu lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm ước đạt 3.430 tỷ đồng.

PLX là trường hợp cổ phiếu khá thú vị, khi diễn biến giá cổ phiếu theo những con sóng có mức độ thay đổi lớn.

Định giá cổ phiếu PLX, nếu chỉ nhìn vào con số lợi nhuận sẽ thấy không quá hấp dẫn, nhưng vẫn được nhiều nhà đầu tư chú ý, vì định giá giá trị tài sản thuộc sở hữu Tập đoàn lớn và biến động giá, khối lượng lớn trong từng giai đoạn. 

Nhiều ngân hàng tăng trưởng ấn tượng

Các ngân hàng ACB (ACB), MBBank (MBB), Vietcombank (VCB), TPBank (TPB)… đến thời điểm này đều có ước tính lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, Vietcombank ước lợi nhuận 9 tháng tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, MBBank công bố kết quả kinh doanh quý III/2018 với lợi nhuận trước thuế 2.185 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 6.015 tỷ đồng.

ACB được dự báo lợi nhuận quý III/2018 tăng 140% so với quý III/2017. Tương tự, lợi nhuận quý III/2018 của TPBank được kỳ vọng tăng hơn 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu LPB của  LienVietPostBank và CTG của VietinBank được một số công ty chứng khoán và quỹ đầu tư đưa vào nhóm thận trọng, không kỳ vọng tăng trưởng.

Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng nhóm trên đều tăng trưởng lợi nhuận tốt và cổ phiếu ngân hàng đã giảm giá mạnh trong giai đoạn trước giúp diễn biến giá cổ phiếu nhóm ngân hàng nhìn chung khả quan hơn. 

MWG: Kỳ vọng bứt phá từ chuỗi Bách hóa xanh

Những thông tin về triển vọng kinh doanh của chuỗi Bách hóa xanh trong thời gian gần đây được cho là động lực tăng giá đối với cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động.

Với mức tăng trưởng lợi nhuận gần 40% sau 8 tháng đầu năm 2018, triển vọng khả quan của mảng Bách hóa xanh khi Công ty có thể giảm được chi phí, tăng quy mô doanh thu mỗi cửa hàng và mở rộng số lượng cửa hàng tại các điểm, cổ phiếu MWG nhận được đánh giá cao từ nhiều chuyên gia phân tích và quỹ đầu tư.

Ở thời điểm những thông tin tích cực về Bách hóa xanh được công bố, cổ phiếu MWG được một số công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị mua, có thể kỳ vọng đạt mức giá 140.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, cổ phiếu MWG được kỳ vọng đạt mức tăng hơn 40% kể từ mức giá này.

Tương tự câu chuyện bán lẻ của MWG, Vingroup đã phát đi tín hiệu khá tích cực ở mảng phân phối, bán lẻ. Chuỗi Vinmart, Vinmart+ đã có nhiều câu chuyện hấp dẫn về cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Nhìn các siêu thị Vinmart tại những khu đô thị lớn đông đúc khách hàng, nhiều nhà đầu tư tin rằng, Vingroup đã đạt được tín hiệu vui sau chuỗi ngày dài triển khai. Tuy nhiên, những cửa hàng Vinmart+ trong ngắn hạn vẫn tạo ra áp lực hiệu quả kinh doanh cho mảng này. 

DXG: Kết quả kinh doanh tăng vọt

9 tháng đầu năm 2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đạt 3.227 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng mạnh so với con số 1.676 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty tăng trưởng thấp hơn, nhưng cũng tạo ra kết quả kinh doanh ấn tượng, với 1.019 tỷ đồng, so sánh với 460 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, trong đó lợi nhuận cổ đông công ty mẹ là trên 750 tỷ đồng.

Xét về quy mô lợi nhuận, DXG đạt mức tăng trưởng 63,2% lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, nhưng thu nhập trên mỗi cổ phiếu tăng với tỷ lệ 36,2%, từ mức 1.609 đồng lên 2.191 đồng do Công ty đã thực hiện tăng vốn trong thời gian vừa qua.

Kết quả kinh doanh tăng vọt, nhưng so với những thông tin mà thị trường đã được chia sẻ trước đây về DXG, thì các con số này không tạo hiệu ứng ngạc nhiên cho thị trường. Đây là thông tin mang tính xác nhận về những thông điệp mà Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã công bố.

Mặc dù vậy, diểm tích cực của DXG là mức định giá vẫn còn hấp dẫn so với mặt bằng chung. Với kết quả kinh doanh đã hạch toán và triển vọng lợi nhuận từ các dự án đang triển khai, DXG có thể thực hiện vượt kế hoạch kinh doanh 2018 là 1.068 tỷ đồng.

Điều mà thị trường cần lúc này chính là triển vọng lợi nhuận các năm tiếp theo của DXG, bởi trong lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư sẽ trông chờ vào khả năng hoàn thành một cách ổn định (hoặc có tăng trưởng) con số lợi nhuận qua các năm, thay vì kết quả kinh doanh đột biến, không thường xuyên. 

HDG: Tự tin lãi 700 tỷ đồng

Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDC) cam kết sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch 700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2018. Theo đó, thu nhập trên mỗi cổ phiếu HDG dự kiến đạt 7.000 đồng trong năm nay, tương đương P/E dự phóng cuối năm khoảng hơn 5 lần, rất thấp so với mặt bằng chung. Vậy nhưng, trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu HDG vẫn đang giao dịch khá thận trọng.

Thanh khoản thấp là một lý do, bởi HDG được sở hữu khá cô đọng. Lý do quan trọng hơn là nhà đầu tư cần những thông tin chi tiết để kỳ vọng, Công ty có thể duy trì được mức lợi nhuận cao cho các năm tiếp theo.

Tin bài liên quan