Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục của chu kỳ kinh tế sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển

Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục của chu kỳ kinh tế sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển

Kỳ vọng lớn vào nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán nhiều khả năng biến động mạnh dưới tác động chính sách của Mỹ, đặc biệt là rủi ro thuế quan, tỷ giá, nhưng nửa cuối năm dự kiến sẽ có diễn biến tích cực.

Tình hình thế giới có nhiều mảng màu sáng, tối

Bước sang năm 2025, tình hình thế giới có nhiều mảng màu sáng, tối khác nhau. Một mặt, có những tia hy vọng về việc giải quyết xung đột ở khu vực Trung Đông khi Isarel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin, hay các bên trong cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đưa ra tín hiệu sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp hòa bình. Mặt khác, việc thực thi lời hứa “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, làm gián đoạn dòng chảy thương mại thế giới và có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến của dòng vốn đầu tư trực tiếp nhờ hệ thống chính trị ổn định, nền kinh tế có độ mở cao với kim ngạch xuất nhập khẩu 2024 đạt 786,3 tỷ USD, nằm trong top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, quy mô dân số lớn đứng thứ 15 trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người đang tăng nhanh và vị trí địa chính trị chiến lược.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Đầu tư cổ phiếu, Manulife Investments

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Đầu tư cổ phiếu, Manulife Investments

Việc Tổng thống Mỹ đã thực hiện hoặc tuyên bố sẽ thực hiện áp thuế với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mexico và Canada cũng có thể mang lại cơ hội cho những nước khác, trong đó có Việt Nam khi dòng vốn FDI sẽ tìm những điểm đến an toàn hơn để tránh bão.

Trong năm 2025, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao hơn nữa nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng và tăng trưởng đầu tư công khi một loạt dự án hạ tầng lớn như dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, sân bay Long Thành… dự kiến sẽ được tăng tốc đầu tư và hoàn thành trong năm 2025, bên cạnh dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng.

Ngoài những yếu tố trên, những giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc tinh gọn bộ máy tổ chức, cắt giảm các đầu mối, cũng như giảm gánh nặng thủ tục cũng được kỳ vọng sẽ làm giảm chi phí kinh doanh và góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh nhiều yếu tố khó đoán định như hiện nay, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã phần nào giúp hỗ trợ tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, kết quả lợi nhuận doanh nghiệp trong quý IV/2024 tiếp tục cho thấy sự tích cực với mức tăng trưởng cao ổn định.

Theo thống kê của FiinGroup, năm 2024, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường tăng 22,3% so với năm 2023 với động lực chính đến từ nhóm phi tài chính (tăng 28,7%), trong khi đó nhóm tài chính mặc dù có chậm lại nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng hai con số (tăng 17,5%).

Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2024 trải đều ở nhiều nhóm ngành, bao gồm tài chính và phi tài chính, trong đó các ngành hàng liên quan đến tiêu dùng và sản xuất đều cho thấy sự hồi phục so với năm 2023. Mặc dù mức tăng trưởng lợi nhuận của năm 2024 chưa đạt mức dự báo ban đầu của thị trường chung, nhưng các xu hướng đang diễn ra theo đúng kỳ vọng.

Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 được dự báo ở mức khoảng 14% với các giả định tương đối thận trọng trong bối cảnh có nhiều yếu tố khó đoán định. Trong trường hợp các chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được thực hiện tốt, hiệu quả và có tác động lan tỏa tích cực, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận có thể tốt hơn.

Nâng hạng thị trường tiếp tục là một kỳ vọng lớn

Dù thế giới có những yếu tố bất định tác động, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn như câu chuyện tăng trưởng kinh tế dài hạn, doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt, tỷ suất sinh lời cao, định giá thị trường thấp.

Nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi cũng đang tiếp tục là một kỳ vọng lớn cho thị trường trong năm nay. Mục tiêu này vẫn đang được Chính phủ, các cơ quan chức năng đặt trọng tâm và quyết tâm hoàn thành. FTSE Rusell, trong kỳ đánh giá tháng 10/2024 và trong diễn đàn do Bloomberg tổ chức vào tháng 12/2024, đều cho thấy Việt Nam đang có sự hợp tác rất chặt chẽ với các bên có liên quan và đang có những bước tiến tích cực trong việc đáp ứng các tiêu chí của FTSE Rusell. Nếu được nâng hạng, việc thu hút các dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường, gián tiếp tác động tâm lý của nhà đầu tư trong nước và dài hạn hơn là cải thiện các yếu tố mang tính cấu trúc của thị trường.

So với các thị trường mới nổi khác trong khu vực hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố nổi bật thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, như câu chuyện tăng trưởng kinh tế dài hạn, doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt và tỷ suất sinh lời cao hơn, định giá thị trường hấp dẫn.

Theo dữ liệu của Bloomberg tại ngày 4/2/2025, chỉ số giá trên thu nhập (P/E) và chỉ số giá trên giá trị sổ sách (P/B) của VN-Index đều đang ở mức chiết khấu khoảng 15%-20% so với mức trung bình 5 năm trong lịch sử và cũng thấp hơn so với các thị trường trong khu vực.

Manulife Investments (Việt Nam) cho rằng, trong ngắn hạn, cụ thể là trong nửa đầu năm, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động dưới tác động từ các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt là rủi ro thuế quan. Ngoài ra, rủi ro tỷ giá biến động bất lợi vẫn đang tiếp tục là lo ngại của các nhà đầu tư trong giai đoạn đầu năm 2025, khi các dự báo trên thế giới đều đánh giá đồng USD sẽ ở mức cao trong các tháng đầu năm.

Tuy nhiên, nhìn chung, hiện nay thị trường cũng đã phản ánh phần lớn những lo ngại này thông qua việc tiếp tục rút ròng của khối ngoại, định giá thị trường ở mức chiết khấu hấp dẫn so với trung bình lịch sử, thanh khoản giao dịch chung của thị trường ở mức thấp. Ngoài ra, những tuyên bố, đề xuất đánh thuế của ông Trump trong tranh cử cũng có thể đã là những mức cao tối đa cho mục đích tranh cử, nên khả năng việc thực tế thực thi sẽ thấp hơn và đó cũng là một điểm tốt cho thị trường. Kỳ vọng sang nửa sau của năm 2025, thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn khi các yếu tố khó đoán định từ thế giới dần rõ ràng hơn, các chính sách của Chính phủ phát huy tác dụng và tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.

Đánh giá về triển vọng các ngành nghề, xét về mặt chu kỳ kinh tế và thị trường trong trung và dài hạn, thì hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục của chu kỳ và thông thường trong giai đoạn phục hồi, những ngành nghề có tính chu kỳ sẽ tăng trưởng tốt và mạnh hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh 2025 với nhiều yếu tố bất định, việc chọn lựa các ngành nghề lĩnh vực để đầu tư của Manulife Investments (Việt Nam) sẽ cần đánh giá thêm đến các yếu tố: (i) Các lĩnh vực ngành nghề chu kỳ đó cần có triển vọng tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt và ổn định trong xuyên suốt năm để tạo ra tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư; (ii) Khả năng chống chọi cao với các tác động tiêu cực (nếu có) của các yếu tố bất định và (iii) Tình hình tài chính tốt ổn định nhằm tránh những yếu tố bất ngờ về tỷ giá, lãi suất.

Ngoài ra, việc chọn ngành nghề và công ty sẽ chú trọng đến khả năng hưởng lợi từ các trọng tâm chính sách, định hướng thúc đẩy chính của Chính phủ như đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và các xu hướng lớn của thế giới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, xu hướng xanh hóa…

Tin bài liên quan