Chuyển động từ doanh nghiệp
Năm 2023, ngành dệt may trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài, do bị tác động bởi nhiều yếu tố. Ở đầu ra, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính sụt giảm do ảnh hưởng của lạm phát, đồng thời chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ xuất khẩu. Ở đầu vào, các doanh nghiệp ngành này chịu áp lực chi phí tăng cao như giá điện tăng 3% từ tháng 5/2023 và tăng thêm kể từ đầu tháng 11/2023, tỷ giá tăng hơn 3% kể từ cuối quý II/2023, lãi suất ngân hàng ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2023…
Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cho thấy, chi phí lãi vay năm qua lên tới 251 tỷ đồng, cao hơn so với mức 179 tỷ đồng của năm liền trước.
Giữa vô vàn khó khăn, Ban lãnh đạo TNG đã nỗ lực xoay xở để đảm bảo việc làm cho 18.000 lao động, với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, TNG đạt 1.653 tỷ đồng doanh thu và 70,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; lũy kế cả năm 2023 đạt 7.095 tỷ đồng doanh thu và 279 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG khẳng định: “Nhân lực luôn được xem là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển bền vững của Công ty, nên dù cắt giảm gì thì cũng không cắt giảm công nhân”. Bên cạnh đó, Công ty cam kết chi trả đủ cổ tức cho cổ đông theo Nghị quyết Đại hội cổ đông 2023.
Bước sang năm 2024, tín hiệu tích cực xuất hiện khi TNG ghi nhận doanh thu tháng 1/2024 đạt 523 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản, năm 2023, Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco, mã chứng khoán NTL) đạt doanh thu 919 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 462 tỷ đồng, lần lượt bằng 131% và 54% kế hoạch.
Riêng quý IV/2023, Lideco ghi nhận doanh thu gần 747 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm 2022 và chiếm tới 82% doanh thu cả năm 2023; lợi nhuận gộp đạt 488 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp tăng từ 13,3% lên 65,3%.
Lideco cho biết, lợi nhuận quý cuối năm 2023 tăng mạnh là nhờ dự án Khu đô thị Bãi Muối ở Quảng Ninh đủ điều kiện bán hàng và Công ty ghi nhận một phần doanh thu từ dự án.
Tính đến 31/12/2023, Lideco có tổng tài sản 2.037 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm; các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tăng từ gần 83 tỷ lên 779 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 1.465 tỷ đồng.
Năm 2024, Hội đồng quản trị Lideco thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2024, với mục tiêu doanh thu 750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 23 triệu đồng/tháng.
Với lĩnh vực bán lẻ, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường đã chạm đáy, kỳ vọng sẽ bật tăng trong năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Sony Trà Mi, chuyên viên nghiên cứu, phân tích, Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) dự báo, lợi nhuận năm 2024 của nhóm doanh nghiệp bán lẻ và bán buôn niêm yết có thể tăng 112%. Tiêu dùng phục hồi sẽ giúp doanh thu và biên lợi nhuận được cải thiện. Về định giá, hầu hết các cổ phiếu bán lẻ niêm yết đều đang có điểm vào tốt cho chiến lược đầu tư giá trị. P/E dự kiến năm 2024 của cổ phiếu MWG và DGW tương đương với mức trung bình 3 năm, còn cổ phiếu PNJ và MSN đang giao dịch dưới mức trung bình 3 năm.
Ở góc độ doanh nghiệp trong ngành, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) cho rằng, ngành bán lẻ có thể phục hồi chậm trong nửa đầu năm 2024, sau đó sẽ cải thiện rõ nét hơn, nhất là quý cuối năm. Công ty đặt kế hoạch năm nay đạt doanh thu 23.000 tỷ đồng, tăng 22%; lợi nhuận ròng 490 tỷ đồng, tăng 38% so với năm ngoái. Trong đó, mảng laptop và máy tính bảng, điện thoại dự kiến tăng 10%.
Riêng quý I/2024, kế hoạch của Digiworld là đạt doanh thu 4.600 tỷ đồng, tăng 16%; lợi nhuận ròng 98 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở lĩnh vực phân phối ô tô, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Auto City (mã chứng khoán CTF) cho hay, năm 2023 là một năm rất thách thức đối với các doanh nghiệp trong ngành, do sức cầu tiêu dùng giảm mạnh, kể cả trong mùa mua sắm quý IV và chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ vẫn không “kéo” nổi con số cả năm.
Năm 2024, ông Hoàng nhìn nhận, nửa đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là quý I khi mà tháng 1 cho thấy sức mua chưa mạnh, sau mùa mua sắp dịp Tết Nguyên đán thường rơi vào trạng thái “tĩnh”, phải qua quý II thì thị trường mới chuyển động tích cực. Theo đó, thông điệp xuyên suốt năm nay của Hội đồng quản trị và Ban điều hành Auto City là “củng cố niềm tin, vượt qua thách thức”.
Ông Hoàng chia sẻ, việc đầu tư và mở rộng thêm showroom nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của Auto City. Trong năm 2023, Công ty đã vận hành showroom Ford Tân Thuận, quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Doanh nghiệp chuẩn bị khai trương showroom Ford tại Dĩ An, Bình Dương và dự kiến đầu tư thêm showroom ở Kiên Giang, hiện đang chờ các thủ tục đánh giá, phê duyệt từ hãng sản xuất.
Chọn hướng đầu tư
Chủ đề đầu tư năm nay tập trung vào sự chuyển động vĩ mô, cụ thể là những ngành và doanh nghiệp được hưởng lợi sớm khi kinh tế bước vào pha hồi phục.
Nhiều nhà đầu tư thường nhìn vào bức tranh lớn và đầu tư theo ngành. Một nhà đầu tư có giá trị tài khoản hơn 100 tỷ đồng cho hay, năm nay “chấm” ngành ngân hàng, sau khi hiện thực hóa lợi nhuận từ 4 - 5 mã cổ phiếu chứng khoán đã “chấm” trong năm ngoái.
Một nhà đầu tư lớn khác cũng chọn cổ phiếu “vua”, tập trung vào 2 mã CTG và MSB, với kỳ vọng “sóng ngành” sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2024.
Trong phiên giao dịch giữa tuần qua, nhiều hội nhóm chứng khoán hô hào mua cổ phiếu SHB khi thấy giá giảm, trong khi kết quả kinh doanh tích cực, giúp thanh khoản tăng vọt.
Trên bình diện toàn thị trường, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối chứng khoán, Dragon Capital cho rằng, động lực của thị trường chứng khoán năm 2024 bao gồm thanh khoản, tỷ giá, lạm phát, lãi suất, các biện pháp hỗ trợ và lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện. Bốn yếu tố đầu có tín hiệu tích cực rõ ràng, riêng yếu tố cuối khó dự đoán và chưa chắc chắn. Nếu lợi nhuận doanh nghiệp tăng 20%, thị trường chứng khoán có động lực tăng 30%.
Về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng, năm 2024 sẽ có sự phục hồi về doanh thu cũng như sự nhích dần về biên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Theo đó, chủ đề đầu tư năm nay tập trung vào sự chuyển động vĩ mô, cụ thể là những ngành và doanh nghiệp được hưởng lợi sớm khi kinh tế bước vào pha hồi phục. Chẳng hạn, đầu tư công đang được thúc đẩy, dự án Lô B - Ô Môn dần được hiện thực hoá, hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi từ đáy… Danh mục cổ phiếu có thể tham khảo là VCB, ACB, VIB, FPT, CMG, MWG, GMD, POW, PVD, FMC, KBC, KDH.