Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký kết sẽ cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là “bệ phóng” cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bứt tốc trong năm 2021.
Thưa ông, đại dịch Covid-19, rồi thiên tai đã tác động thế nào đến giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2020?
Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Giai đoạn 2010 - 2020, giá trị sản xuất thủy sản đạt tăng trưởng 5,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình 6,1%/ năm. Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 8,6 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).
Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm cho hơn 4 triệu người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ở các tỉnh ven biển và trong nội địa.
Về xuất khẩu, năm 2020, chúng ta phấn đấu đạt 8,5 triệu tấn, trong đó thủy sản khai thác là 3,9 triệu tấn, nuôi trồng 4,6 triệu tấn. Đến giờ này có thể khẳng định, chúng ta đã đạt các chỉ tiêu trên, bất chấp ảnh hưởng bởi Covid-19, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và mưa lũ.
Có được điều này là do chúng ta huy động được tương đối toàn diện, kể cả nuôi trồng thủy sản nội đồng và khai thác. Đặc biệt, từ khi EVFTA được thực thi (tháng 8/2020), xuất khẩu thủy sản đã bật tăng trở lại và luôn tăng trưởng ở mức 2 con số.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới cần giảm khai thác thủy sản từ 3,9 triệu tấn/năm, xuống còn 2,8 triệu tấn/năm. |
Tức là EVFTA đã trở thành “bệ phóng” cho thủy sản Việt Nam đi châu Âu?
Đúng vậy. Tháng 9/2020, xuất khẩu thủy sản tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019; tháng 10 tăng 12%; tháng 11 tăng 13%. Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ vượt năm 2019 với 8,58 tỷ USD.
Thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng từ 19 đến 30%. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu sang EU đạt 900 triệu USD. Ước tính xuất khẩu sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt khoảng 992 triệu USD.
Động lực chính cho sự phục hồi là ngành tôm. Hết tháng 11, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.
UKVFTA vừa được công bố kết thúc đàm phán và dự kiến ký kết chính thức vào đầu năm 2021. Theo ông, xuất khẩu thủy sản sẽ được hưởng lợi gì từ FTA này?
Tuyên bố chung khẳng định, thương mại hàng hóa trong đó có mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Anh sẽ không bị gián đoạn. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và Anh.
Thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với năng lực sản xuất và nguồn cung dồi dào. Trong khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm, nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,7%.
Với UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá, nhất là cá tra, do đó, ngành chế biến tôm và cá tra sẽ có cơ hội thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, cũng như có triển vọng thu hút đầu tư để tận dụng các cam kết này.
Chúng tôi kỳ vọng UKVFTA được ký kết và có hiệu lực sẽ cùng với EVFTA là “bệ phóng” cho thủy sản Việt Nam đi châu Âu và tạo đà giúp xuất khẩu thủy sản bứt tốc trong năm 2021.
Có thể nói, những sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực là nhờ hoạt động nuôi trồng, nhất là nuôi trồng trên biển. Vậy làm thế nào để bảo tồn và phát triển thủy sản bền vững, thưa ông?
Sở hữu 3.260 km bờ biển và diện tích 1 triệu km2, nếu như nghề nuôi biển được phát huy thì từ nay đến năm 2030 chúng ta sẽ đạt sản lượng 2 triệu tấn, như vậy sẽ giảm được sản lượng khai thác để tăng cường bảo tồn, mục tiêu phát triển bền vững sẽ đạt được.
Để phát triển nguồn lợi thủy sản thì không còn cách nào khác là phải bảo tồn. Minh chứng là khu vực biển ảnh hưởng bởi hoạt động xả thải hóa chất độc hại của nhà máy thép Fosmosa (Hà Tĩnh), sau thời gian khắc phục, phục hồi hệ sinh thái biển, số lượng loài và sản lượng thủy sản đã tăng lên rất nhiều. Hay những khu vực bảo tồn làm tốt như Cù Lao Chàm (Quảng Nam) vừa mang lại giá trị sinh thái, đa dạng sinh học, vừa tăng giá trị du lịch… Điều đó cho thấy công tác bảo tồn có ý nghĩa rất quan trọng.
Mặt khác, trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, cần giảm khai thác thủy sản từ 3,9 triệu tấn/năm, xuống còn 2,8 triệu tấn/năm. Để làm được điều đó, một mặt chúng ta giảm số lượng tàu thuyền khai thác hoặc giảm cường độ khai thác, mặt khác, cần đẩy mạnh gia tăng diện tích nuôi biển để giảm áp lực cho thủy sản khai thác.
Nhưng nuôi biển hiện nay còn một số vấn đề bất cập. Ví dụ việc giao mặt nước biển theo Nghị định 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đang vướng. Ngoài ra, hạ tầng phải được đầu tư thì các doanh nghiệp mới ra nuôi biển.
Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để gỡ một số điểm vướng mắc trong Nghị định 51/2014/NĐ-CP, liên quan đến công tác quản lý tổng hợp biển, hải đảo, giao mặt nước biển.