Động lực tăng trưởng tích cực
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 8/2024, giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước ước đạt 274.501 tỷ đồng, bằng 37,01% kế hoạch cả năm (bằng 40,49% nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Riêng Bộ Giao thông - Vận tải, giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm 2024 là được 35.975 tỷ đồng, bằng 50,5% kế hoạch năm. Để đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn được phân bổ, bộ này đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nghiêm các chỉ đạo liên quan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, kết nối vùng, liên kết vùng như Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Cầu Rạch Miễu, Cầu Đại Ngãi…
Không chỉ tăng tốc giải ngân giai đoạn nước rút cuối năm, Bộ Giao thông - Vận tải còn kiến nghị bổ sung gần 4.200 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án nhóm B đang “khát” vốn. Theo đó, tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 dự kiến của ngành giao thông - vận tải khoảng 75.478 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, hoạt động đầu tư của ngành giao thông - vận tải dần trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho một bộ phận doanh nghiệp xây dựng, xây lắp. Đơn cử, trong cơ cấu doanh thu của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Đèo Cả, mã HHV), doanh thu hoạt động thu phí đường bộ (BOT) chiếm 64%, doanh thu hoạt động xây lắp chiếm 33%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đèo Cả ghi nhận doanh thu mảng xây lắp 302 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp hơn 85% vào doanh thu mảng xây lắp là dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dự án đang được gấp rút thực hiện ở giai đoạn cuối cùng.
Công ty Chứng khoán DSC phân tích, hoạt động xây dựng, xây lắp của Đèo Cả được cải thiện nhờ chủ trương đẩy mạnh thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024 - 2025. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc sẵn sàng hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Giao thông - Vận tải đã khởi công 6 dự án đường bộ và 1 dự án đường sắt. Các dự án mà Đèo Cả thực hiện trong năm 2024 gồm Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Đường ven biển Bình Định, Đường nối cảng Liên Chiểu, Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Mảng xây dựng hạ tầng đã góp phần giúp Đèo Cả đạt tổng doanh thu 814 tỷ đồng và 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2024, lần lượt tăng 32,9% và 17,9% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt tổng doanh thu 1.504 tỷ đồng, tăng 31%; lợi nhuận sau thuế 239 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kỳ vọng điểm rơi lợi nhuận cuối năm
Cổ phiếu của các doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công đang được nhà đầu tư quan tâm bởi triển vọng ghi nhận “điểm rơi” lợi nhuận cuối năm.
Đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công để đón điểm rơi lợi nhuận cuối năm là chiến thuật được nhiều nhà đầu tư cá nhân chia sẻ với nhau. Nhà đầu tư Hoàng Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cùng với nhóm bán lẻ, ngân hàng, thì cổ phiếu đầu tư công đã được anh đưa vào danh mục đầu tư, cụ thể là cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt và triển vọng tích cực từ mảng xây lắp như REE, VCG, PC1, CTD, DPG.
Trong đó, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã CTD) đạt 6.595 tỷ đồng doanh thu và 58,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý IV niên độ tài chính 2024 (tức quý II/2024), lần lượt tăng 82% và 95% so với cùng kỳ niên độ 2023. Lũy kế cả niên độ 2024, Coteccons đạt doanh thu 20.045 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 299 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Agribank đánh giá, triển vọng doanh thu mảng xây lắp hạ tầng công nghiệp của Coteccons tiếp tục tăng trưởng nhờ giá trị trúng thầu lớn. Giá trị trúng thầu trong năm 2024 ước đạt 22.000 tỷ đồng sẽ giúp Công ty đảm bảo được nguồn việc và duy trì doanh thu ổn định trong giai đoạn 2024 - 2025.
Kirin Capital, một công ty đầu tư vốn cổ phần cơ bản tại Việt Nam nhận định, nhu cầu đầu tư công tại Việt Nam trong trung và dài hạn rất lớn, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đầu tư công và các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng có nhiều dư địa để phát triển. Trong khi đó, vướng mắc về trượt giá và thiếu hụt một số nguyên vật liệu dần được tháo gỡ khi cuối năm 2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ cho phép các nhà thầu không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Kirin Capital đánh giá cao các doanh nghiệp có năng lực tài chính bền vững, không bị thâm hụt dòng tiền nhiều trong hoạt động thi công và phụ thuộc vào nợ vay, có khả năng tự chủ một phần nguồn nguyên vật liệu, có hiệu quả kinh tế cao trên từng gói thầu, đảm bảo tốt về tiến độ công trình và hiệu quả dòng tiền.
“Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp xây lắp, nhà thầu sẽ được ghi nhận nhiều hơn vào nửa cuối năm 2024, khi tiến độ thi công được đảm bảo”, Kirin Capital dự báo.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Dầu khí kỳ vọng, từ quý III/2024, bức tranh của ngành xây dựng sẽ tích cực hơn nhờ sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản bước đầu được tháo gỡ các nút thắt về pháp lý.
Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) là một trong những doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận khả quan trong 6 tháng cuối năm 2024, với động lực đến từ việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Nửa đầu năm 2024, Vinaconex đạt 580 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Công ty Chứng khoán MB dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Vinaconex có thể đạt 1.177 tỷ đồng, tăng 192% so với năm 2023 nhờ biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng cải thiện cùng sự đóng góp của mảng nước và chi phí tài chính giảm. Giá trị hợp đồng (backlog) mảng xây dựng năm 2024 dự kiến đạt 18.736 tỷ đồng, năm 2025 đạt 19.486 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 4%, nhờ Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và nguồn cung bất động sản cải thiện trong bối cảnh những vướng mắc pháp lý được tháo gỡ.