Nhu cầu ngoại tệ tại Việt Nam đang khá lớn

Nhu cầu ngoại tệ tại Việt Nam đang khá lớn

Kỳ vọng điểm cân bằng mới cho tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bán ngoại tệ trên danh nghĩa là một trong những cách hạ nhiệt thị trường hối đoái, bởi đôi khi “sóng” trên thị trường do yếu tố tâm lý nhiều hơn.

Cân bằng lại tỷ giá

Những ngày cuối tháng 9/2022, thị trường chứng kiến tỷ giá liên ngân hàng tiến sát mức tỷ giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, sau động thái tăng lãi suất điều hành của cơ quan quản lý và tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch được nâng 2 lần trong vòng 1 tháng, từ 23.400 lên 23.925.

“Sóng” tỷ giá tiếp diễn khi tăng mạnh trong các phiên đầu tháng 10, nhưng sau đó giảm dần và ngày 6/10, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên tỷ giá trung tâm ở mức 23.417 đồng/USD.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, quyết định tăng giá bán USD hỗ trợ thị trường của Ngân hàng Nhà nước gần đây vẫn giống như những lần trước, với mục tiêu là tìm điểm cân bằng mới. Bởi lẽ, nhu cầu ngoại tệ tại Việt Nam đang khá lớn và có một phần tích lũy từ trước chuyển vào giai đoạn này.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Khối Nguồn vốn VIB cho biết, đồng USD lên giá so với hầu hết tất các loại ngoại tệ trên thế giới và duy trì được sức mạnh. Điều này thể hiện qua chỉ số Dollar-Index đang ở vùng đỉnh 20 năm trở lại đây.

Diễn biến lạm phát cao trên thế giới và động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã và đang gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, dòng vốn rút ra góp phần tạo áp lực mất giá đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam). Trong 9 tháng đầu năm 2022, một loạt đồng tiền mất giá mạnh so với USD (xem bảng).

Tuy nhiên, mức độ mất giá của đồng Việt Nam (VND) là ít nhất trong rổ tiền tệ gồm nhiều ngoại tệ mạnh như EUR, JPY, CNY, KRW, SGD, THB, TWD. Xét khu vực châu Á, VND đang đứng số 2 về tỷ lệ giữ giá trị, sau đô la Hồng Kông (HKD). Do HKD gắn chặt với USD, nên nếu loại bỏ yếu tố này, VND có giá nhất trong khu vực.

Ông Trung nhấn mạnh, VND mất giá chưa đến 5%, là một trong những đồng tiền giảm giá ít nhất so với USD. Những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu đã tác động đến thị trường ngoại hối Việt Nam, do đó, VND điều chỉnh không phải là sự biến động hay còn được gọi là phá giá, mà chỉ là cân bằng lại tỷ giá cho phù hợp.

Theo Công ty Chứng khoán ACB, kể từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ. Ước tính, dự trữ ngoại hối hiện tại ở mức 89 tỷ USD, tỷ lệ bao phủ nhập khẩu giảm còn khoảng 12 tuần. Riêng trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước bán ra hơn 3 tỷ USD, nhưng đây chỉ là bán trên danh nghĩa.

Về vấn đề bán ngoại tệ trên danh nghĩa, ông Trung giải thích, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ can thiệp bán ngoại hối kỳ hạn nhằm giãn cầu ngoại tệ, qua đó giảm áp lực cầu ngoại tệ tại những thời điểm nhất định. Đây là một trong những cách hạ nhiệt thị trường hối đoái, bởi đôi khi “sóng” trên thị trường do yếu tố tâm lý nhiều hơn. Một trong những vai trò của nghiệp vụ này là nhằm tác động vào tâm lý, hạ nhiệt tâm lý cho thị trường.

“Nếu đánh giá về tình hình thanh khoản ngoại tệ, cần phải xem xét thêm ở khía cạnh nhu cầu trên thị trường, trong xã hội. Ví dụ, người dân có nhu cầu lớn mua ngoại tệ để thanh toán, hay doanh nghiệp thặng dư vốn trong khi lãi suất trong nước thấp nên chuyển ngoại tệ ra nước ngoài”, ông Trung nói và cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành là động thái giữ tâm lý tốt hơn cho VND, là bộ đệm để giữ giá trị tiền đồng khi sự chênh lệch giữa lãi suất VND và USD luôn dương.

Dự báo tỷ giá dao động quanh mức 24.000

Áp lực tỷ giá gia tăng do sự khác biệt về chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, tỷ giá vẫn chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do giá trị đồng USD neo ở mức cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Dự kiến, đến cuối năm 2022, Fed sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và giữ nguyên mức lãi suất này đến hết năm 2023. Mặc dù vậy, tính chung cả năm 2022, VND có thể chỉ điều chỉnh khoảng 3,5 - 4,0% so với USD.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lo ngại về kịch bản xấu hơn khi chỉ số đồng USD đang ở mức mức cao hơn 2,02% so với cuối tháng 8.

“Trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước khác không kiên quyết đối phó với vấn đề lạm phát tăng cao như Fed, chúng tôi cho rằng, USD có thể trở lại mức đỉnh cũ đã thiết lập vào đầu năm 2022 ở mức 120,3 điểm. Điều này đồng nghĩa với sức ép lên tỷ giá trong nước là không thể tránh khỏi khi các bộ đệm để giúp ổn định tỷ giá đã suy yếu”, chuyên gia VDSC đánh giá.

Kịch bản điều chỉnh giá với tiền đồng của VDSC cho cả năm 2022 là 4 - 5%. Hiện tại, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn dương đáng kể, nhưng VDSC nhận xét, nhu cầu USD trong hệ thống vẫn chưa hạ nhiệt.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhìn nhận, VND không thể tránh khỏi sự suy yếu chung của các đồng tiền trên toàn châu Á bởi sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD trong kỳ vọng tăng lãi suất của Fed, cùng với lo ngại về nguy cơ suy thoái gia tăng của kinh tế Trung Quốc. Do đó, VND có khả năng giảm giá thêm trong các quý tới, mặc dù khoản trượt giá có thể được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nước.

“Nhìn chung, dự báo tỷ giá USD/VND của UOB được đặt ở mức 24.000 trong quý IV/2022, 24.100 trong quý I/2023, 24.200 trong quý II và 24.300 trong quý III/2023”, ông Quang chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung cho rằng, không có lý do gì để quan ngại về thị trường ngoại hối. Việt Nam đang có nền tảng kinh tế vĩ mô khá tốt, kinh tế tăng trưởng, thặng dư cán cân thương mại xuất nhập khẩu có tỷ trọng tốt so với các nước khác trong khu vực...

“Kinh tế Việt Nam khá ổn định so với các quốc gia khác, ví dụ so với Thái Lan, lạm phát lên 8% và tiền Bạt mất giá khoảng 14%. So với các nước ổn định hơn như Indonesia, Singapore, đồng tiền mất giá trong khoảng 5 - 7%, thì VND điều chỉnh khoảng 5% là mức phù hợp trong thời điểm hiện nay. Không có lý do gì để nói phá giá VND so với USD, mà là điều chỉnh giá hợp lý hơn, cạnh tranh hơn”, ông Trung nói.

Cuối quý IV, nhập khẩu dự kiến sẽ tăng bởi các doanh nghiệp chuẩn bị cho hàng phục vụ Tết, hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm tài chính… dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng.

“Tuy nhiên, nhu cầu ngoại hối tăng sẽ được cấn trừ vào lượng kiều hối về trong quý IV dự kiến ở mức khá cao. Dự báo, tỷ giá dao động quanh mức 24.000 và không xa hơn”, ông Trung nói.

Theo Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), áp lực tỷ giá gia tăng do sự khác biệt về chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng trung ương lớn. Nhưng sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, PSI kỳ vọng, tỷ giá USD/VND sẽ dần hạ nhiệt và duy trì quanh mức 23.400 - 23.600 VND/USD trong những tháng cuối năm 2022.

Tin bài liên quan