Kỳ vọng dâng cao, giới đầu tư tự tin xuống tiền

Kỳ vọng dâng cao, giới đầu tư tự tin xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà tăng trên Phố Wall kéo dài sang phiên thứ Sáu cuối tuần (12/3), khép lại một tuần giao dịch thành công khi giới đầu tư đặt kỳ vọng vào đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm đã ký thành luật gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia vào tối hôm thứ Năm, nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu các bang trước ngày 1/5 phải đưa tất cả người Mỹ trưởng thành vào danh sách hợp lệ để tiêm vắc-xin, nhằm giúp cuộc sống trở về gần với bình thường vào mùa hè.

Cho đến nay, khoảng 29% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Ông chủ Nhà Trắng cũng đặt mục tiêu đến ngày 4/7, người Mỹ có thể cảm nhận cuộc sống thường lệ như xưa, được tề tựu cùng ăn mừng ngày độc lập. Đây là thời hạn mới trong chiến lược của chính quyền đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng Covid-19.

Mặc khác, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong phiên cuối tuần qua tăng gần 10 điểm cơ bản, chạm mốc 1,629%. Đà tăng của lợi suất trái phiếu khiến sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ trên Nasdaq bị gián đoạn.

Tuy nhiên, việc lợi suất trái phiếu tăng đã không còn tác động rộng rãi đến thị trường chứng khoán như những phiên trước, thay vào đó dòng tiền rời khỏi nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đại dịch, chuyển sang cổ phiếu các nhóm ngành được kỳ vọng phục hồi mạnh sẽ sau khi đại dịch kết thúc.

Ngoài ra, cổ phiếu công nghệ trên Nasdaq cũng chịu áp lực sau khi cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc tuyên bố xử phạt hàng loạt “gã khổng lồ” công nghệ của nước này, bao gồm Tencent, Baidu và ByteDance vì các vụ mua lại và đầu tư trong quá khứ.

Đồng thời, cũng trong ngày thứ Sáu, truyền thông Mỹ đưa tin, chính quyền Washington đã sửa đổi giấy phép cấp cho các doanh nghiệp Mỹ bán hàng cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei. Động thái này nhằm hạn chế hơn nữa việc các công ty Mỹ cung cấp sản phẩm có thể được sử dụng với thiết bị 5G cho gã khổng lồ công nghệ này.

Về dữ liệu kinh tế, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 2 tăng 0,5%, phù hợp dự báo của các chuyên gia. Chỉ số này trong tháng 1/2021 ghi nhận tăng 1,3%.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan nghiên cứu cho tháng 3 tăng lên mức 83 điểm, cao hơn so mới mức 78,9 mà giới phân tích kỳ vọng. Chỉ số này tháng 2 đạt 76,8 điểm.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Dow Jones tăng 293,05 điểm (+0,90%), lên 32.778,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,00 điểm (+0,10%), lên 3.943,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 78,81 điểm (-0,59%), xuống 13.391,86 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 4,07%, chỉ sổ S&P 500 tăng 2,64%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,09%.

Lợi suất trái phiếu tăng trở lại khiến đà tăng chứng khoán châu Âu gián đoạn trong phiên cuối tuần. Mặc dù vậy, hầu hết các thị trường lớn đều có tuần giao dịch khởi sắc nhờ các chương trình kích thích kinh tế và triển khai tiêm chủng, thúc đẩy hy vọng phục hồi kinh tế.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 24,51 điểm (+0,36%), lên 6.761,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 67,00 điểm (-0,46%), xuống 14.602,39 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 12,79 điểm (+0,21%), lên 6.046,55 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,97%, chỉ số DAX tăng 4,18%, chỉ số CAC40 tăng 4,56%.

Chứng khoán châu Á phủ sắc xanh trong phiên giao dịch hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ tư liên tiếp nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ hồi phục mạnh mẽ.

Chứng khoán Trung Quốc tăng trong phiên cuối tuần nhưng có tuần giảm điểm sau khi nước này đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2021 ở mức khiêm tốn làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh có thể thắt chặt chính sách để kiềm chế sự rủi ro định giá cao của thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông giảm sâu do nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu và những căng thẳng Trung - Mỹ mới nhất tác động.

Chứng khoán Hàn Quốc giao dịch tích cực trong bối cảnh dự luật cứu trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ được thông qua, đồng thời các lo ngại về lạm phát và lợi suất trái phiếu tăng đã giảm dần.

Kết thúc phiên 12/3, Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 506,19 điểm (+1,73%), lên 29.717,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,25 điểm (+0,47%), lên 3.453,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 645,89 điểm (-2,20%), xuống 28.739,72 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 40,69 điểm (+1,15%), lên 3.054,39 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,98%, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,40%, chỉ số Hang Seng giảm 1,23%, chỉ số KOSPI tăng 0,93%.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu hồi phục nhẹ khi áp lực từ việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng đã có phần yếu đi. Ngoài ra, đồng USD chững lại cũng góp phần giúp vàng có động lực đi lên.

Kết thúc phiên 12/3, giá vàng giao ngay tăng 4,80 USD (+0,27%), xuống 1.727,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 2,80 USD (-0,16%), lên 1.719,80 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,64%, giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1,25%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 16 chuyên gia trên phố Wall, có 6 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 5 người cho rằng giá vàng giảm và có 5 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 1.611 người tham gia, 62% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 23% cho rằng giá vàng giảm và 15% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu giảm đôi chút song vẫn ở mức ổn định trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, được hỗ trợ bởi việc các nhà sản xuất dầu lớn vẫn giữ mức cắt giảm sản lượng và tâm lý lạc quan về sự phục hồi nhu cầu trong nửa cuối năm.

Dầu kết thúc tuần gần như đi ngang sau khi giá chạm mức cao nhất trong 13 tháng hôm thứ Hai, sau bảy tuần tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 12/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,41 USD (-0,62%), xuống 65,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,41 USD (-0,59%), xuống 69,22 USD/thùng.

Trong tuần, dầu WTI giảm 0,7%, dầu Brent giảm 0,2%.

Tin bài liên quan