Kỳ vọng dâng cao, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

Kỳ vọng dâng cao, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kéo dài chuỗi tăng điểm khi tiếp tục có phiên giao dịch cuối tuần (9/10) khởi sắc với tâm lý lạc quan về gói viện trợ mới bao trùm thị trường.

Cuộc đàm phán giữa các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục là động lực chính của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Ba ngày sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi cuộc đàm phán về gói kích thích toàn diện, Nhà Trắng hôm thứ Sáu đưa ra đề xuất mới về một gói kích thích quy mô khoảng 1.800 tỷ USD cho đảng Dân chủ, trong nỗ lực để tìm được tiếng nói chung trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng tới. Quy mô kế hoạch lần này cao hơn so với đề xuất cũ của Nhà Trắng là 1.600 tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số 2.200 tỷ USD mà phe Dân chủ tại Hạ Viện mong muốn.

Drew Hammill, người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, cho biết, bà Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã có cuộc thảo luận ngắn kéo dài hơn 30 phút vào chiều ngày thứ Sáu và ông Mnuchin đã đưa ra đề xuất "nhằm giải quyết một số điều đảng Dân chủ lo ngại". Tuy nhiên, vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được khi cả hai bên thiếu một kế hoạch đủ tầm để có thể ngăn chăn chặn đại dịch. Các quan chức vẫn sẽ tiếp tục đàm phán trong những ngày tới.

Trước đó cùng ngày, tham gia một chương trình trò chuyện trên đài phát thanh, Tổng thống Trump lên tiếng kêu gọi một thỏa thuận có giá trị lớn hơn đề xuất của cả hai đảng, ngược lại hoàn toàn so với những lời đe dọa mà ông đưa ra vào hồi đầu tuần.

Mặt khác, kết quả thăm dò ngày 8/10 của Real Clear Politics cho thấy, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Trump đang chỉ ở mức 41,9%, kém gần 10 điểm phần trăm so với đối thủ Joe Biden. Một loạt bất lợi, bao gồm những chỉ trích xung quanh việc khai thuế, cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên tệ hại và sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19 của ông chủ Nhà Trắng đã giúp đối thủ Joe Biden nới rộng khoảng cách trong các cuộc thăm dò.

Giới quan sát cho rằng, thị trường không ủng hộ bên này hay bên kia, nhưng việc một ứng cử viên nới rộng khoảng cách với đối thủ sẽ làm giảm khả năng xảy ra một cuộc bầu cử sát nút, đầy tranh cãi, mà đó là nỗi sợ hãi lớn nhất của thị trường.

Ngoài ra, thị trường đang đầy hy vọng về những tiến bộ về mặt y học có thể giúp đẩy lùi dịch bệnh. Hãng dược Gilead Sciences Inc. của Mỹ cuối ngày thứ Năm (8/10) tuyên bố, hãng này đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối về một phương pháp điều trị Covid-19 có khả năng rút ngắn thời gian hồi phục. Đây cũng là nhà sản xuất loại thuốc, được cho là một trong những loại thuốc dùng để điều trị cho ông Trump.

Ngày cuối tuần là một ngày nhẹ nhàng cho phần dữ liệu kinh tế. Tồn kho bán buôn của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 8 trong bối cảnh các công ty bắt đầu tích trữ trở lại để thay thế nguồn cung đang cạn kiệt, một dấu hiệu tốt cho Mỹ khi nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang vật lộn để trở lại cuộc sống bình thường.

Mùa báo cáo tài chính doanh nghiệp quý III/2020 tại Mỹ sẽ bắt đầu vào tuần tới. Đây sẽ là một trong những sự kiện chính được thị trường theo dõi sát sao.

Kết thúc phiên 9/10, chỉ số Dow Jones tăng 161,39 điểm (+0,57%), lên 28.586,9 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,31 điểm (+0,88%), lên 3.477,14 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 158,96 điểm (+1,39%) lên 11.579,94 điểm.

Chốt tuần, S&P 500 tăng 3,80%, Dow Jones tăng 3,3% và Nasdaq Composite tăng 4,60%. Tuần này ghi nhận tuần tăng điểm mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq Composite kể từ tháng 7, trong khi Dow Jones có cũng có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 8.

Chứng khoán châu Âu có phiên cuối tuần hứng khởi, ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh diễn ra hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cũng như nhóm cổ phiếu du lịch, giải trí, ngân hàng, dầu khí đang trên đà hồi phục.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của Refinitiv, lợi nhuận của các công ty trên STOXX 600 dự kiến ​​sẽ giảm 38% trong quý thứ III và 22,7% trong quý IV trước ảnh hưởng của đại dịch đến nền kinh tế.

Châu Âu lần đầu tiên vượt mốc 100.000 ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày vào hôm thứ Năm, tốc độ gia tăng đặc biệt nhanh tại Nga và Anh. Mặc dù vậy, thị trường cởi bỏ được áp lực tâm lý khi Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cuối tuần qua công bố chương trình mới nhất nhằm ngăn chặn tình trạng thất nghiệp gia tăng tại nước này.

Kết thúc phiên 9/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 38,62 điểm (+0,65%), lên 6.016,65 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 9,02 điểm (+0,07%), lên 13.051,23 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 34,87 điểm (+0,71%), lên 4.946,81 điểm.

Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 1,94%, chỉ số DAX tăng 2,85% và CAC40 tăng 2,53%.

Chứng khoán châu Á có phiên cuối tuần biến động trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, nhưng có tuần tăng tốt nhất trong 2 tháng, nhờ kỳ vọng sẽ có thêm gói kích thích kinh tế mới tại Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc tăng khá mạnh sau kỳ nghỉ lễ kéo dài với tâm lý tích cực từ các dữ liệu chính thức cho thấy dấu hiệu phục hồi kinh tế. Chứng khoán Hồng Kông giảm do chịu áp lực đi xuống của nhóm cổ phiếu tài chính. Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Hàn văn.

Kết thúc phiên 9/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 27,38 điểm (-0,12%), xuống 23.619,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 54,02 điểm (+1,68%), lên 3.272,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 74,22 điểm (-0,31%), xuống 24.119,13 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,56%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,68%, chỉ số Hang Seng tăng 2,81% và chỉ số KOSPI tăng 2,75%.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu tăng vọt trong bối cảnh chỉ số đồng USD sụt giảm mạnh và kỳ vọng ngày một cao về khả năng Mỹ sẽ tung gói kích thích kinh tế mới trước cuộc bầu cử.

Kết thúc phiên 9/10, giá vàng giao ngay tăng 36,70 USD (+1,94%) lên 1.930,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 27,90 USD (+1,47%), lên 1.961,90 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,67%, giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,85%. Mặc dù tâm lý tích cực đang bao trùm thị trường, song câu hỏi vẫn là liệu có vàng có đủ động lực để vượt mốc 2.000 USD/ounce trong ngắn hạn hay không.

Theo giới phân tích, hiện có rất nhiều lý do để mua vàng, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khó đoán và không chắc chắn, những bất ổn xã hội, đồng USD phập phù, đại dịch Covid-19 hay các động lực từ các chương trình kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có.

Trong số 17 chuyên gia trên phố Wall tham gia khảo sát giá vàng tuần tới của Kitco, có 13 người, chiếm 76%, cho rằng vàng sẽ tăng giá, chỉ có 1 người, tương đương 6%, cho rằng giá vàng sẽ giảm và còn lại 3 người, chiếm 18%, dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến trên Main Street, trong số 1.164 nhà đầu tư tham gia, có 628 người, chiếm 54% tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Trong khi 309 người khác, chiếm 27%, cho rằng giá vàng sẽ giảm và 227 người còn lại, tương đương 19%, có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu phiên cuối tuần lao dốc trong bối cảnh dù cơn bão Delta tiếp cận Bờ Vịnh Louisiana, song cuộc đình công của công nhân khai thác dầu ngoài khơi ở Na Uy đã kết thúc làm giảm áp lực nguồn cung.

Theo Bộ Nội vụ Mỹ, sản lượng dầu ngoài khơi Vịnh Mexico đã giảm 1,69 triệu thùng trong ngày thứ Bảy, tương đương 92% sản lượng hàng ngày của khu vực, do các giếng dầu vẫn đóng cửa sau khi cơn bão Delta đi qua.

Kết thúc phiên 9/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,56 USD (-1,43%), xuống 40,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,49 USD (-1,13%), xuống 42,85 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 9,54%, giá dầu Brent tăng 5,18%.

Tin bài liên quan