Kỳ vọng đà bán tháo được tiết chế

Kỳ vọng đà bán tháo được tiết chế

(ĐTCK) Cũng như nhiều chuyên gia phân tích, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) mong rằng, trong tuần tiếp theo, đà bán tháo thị trường sẽ được tiết chế và thị trường sẽ quay lại với mức hoạt động cân bằng hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về một kịch bản tích cực trong ngắn hạn.

Ngay từ phiên đầu tuần, tâm lý giới đầu tư trở nên bi quan khi một loạt cổ phiếu lớn như  PVD, GAS và HAG bị bán tháo và đóng cửa ở giá thấp nhất ngày. Việc giá dầu tiếp tục suy giảm có tác động tiêu cực lên tâm lý NĐT và hành động bán tháo với nhóm dầu khí đã diễn ra trên diện rộng. Theo Bản tin của CTCK MBKE, dường như việc bán giải chấp đã được thực hiện ở nhiều cổ phiếu dầu khí và điều này không quá ngạc nhiên do rất nhiều mã trong nhóm này đã suy giảm 20 - 30%. Phiên tiếp theo, sắc đỏ bao trùm toàn thị trường, VN-Index mất 16,37 điểm (-2,86%) đóng cửa tại 555,3 điểm trong khi HNX-Index cũng giảm mạnh 3,32 điểm (-3,81%) kết phiên tại 83,85 điểm.

Việc bán giải chấp dường như tập trung ở nhóm ngành dầu khí. Sau hai ngày giảm đáng kể, thị trường đã cân bằng hơn. Lực cầu bắt đáy các cổ phiếu dầu khí là “ngòi nổ” đầu tiên giúp thị trường hồi phục sau đó. Khá nhiều các cổ phiếu dầu khí trong phiên trước vẫn “nằm sàn” và gần như không có lực mua, đã tăng lại.

Ông Lâm cho nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần lễ giao dịch “khá tồi tệ” khi VN-Index rơi mạnh hơn 4%. Đã xuất hiện áp lực giải chấp vào đầu và giữa tuần, dù vậy áp lực này có phần ngơi lại ở hai phiên cuối tuần. Tâm điểm chú ý vẫn thuộc về nhóm các cổ phiếu dầu khí khi nhóm này vẫn “dẫn đầu” về mức độ giảm điểm và gián tiếp tạo ra “hiệu ứng domino” lên các nhóm cổ phiếu còn lại.  Sự suy giảm trong 3 tháng qua của thị trường liên quan chặt đến 2 vấn đề, cụ thể lượng tiền giao dịch trên TTCK Việt Nam bị suy yếu và ảnh hưởng từ việc giá dầu thế giới suy giảm mạnh.

Ở vấn đề đầu tiên, tính từ tháng 7 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá mạnh, với gần 4.000 tỷ đồng. Dù tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn mua ròng 3.000 tỷ đồng, nhưng rõ ràng hành động bán ra khá mạnh tay trong ngắn hạn của khối này đang có ảnh hưởng tiêu cực lên dòng tiền của thị trường. Một vấn đề khác tác động tiêu cực lên yếu tố dòng tiền chính là các hoạt động chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO). Các đợt IPO đang diễn ra với tần suất dày đặc vào cuối năm 2014, tính riêng trong tháng 12 có đến hơn 17 công ty tiến hành IPO, đã đồng thời hút ròng một lượng tiền tương đương 4.000  tỷ đồng.

Về câu chuyện giá dầu, các cổ phiếu dầu khí hiện chiếm khoảng 25% tỷ trọng vốn hóa toàn thị trường niêm yết và là một trong các nhóm ngành chủ chốt. Việc giá dầu liên tiếp rơi giá mạnh trong thời gian qua đã tạo ra tâm lý lo lắng cho đại bộ phận nhà đầu tư. Dù không phải tất cả các công ty dầu khí niêm yết đều ngay lập tức bị ảnh hưởng bởi việc suy giảm của giá dầu, không thể phủ nhận tâm lý các nhà đầu tư đang khá bi quan với triển vọng của nhóm ngành này và chính điều đó đã khiến nhóm cổ phiếu dầu khí mất giá trung bình 30% thời gian qua.

Ở tuần giao dịch tiếp theo, kỳ vọng đà bán tháo sẽ được tiết chế và thị trường sẽ quay lại với mức hoạt động “cân bằng hơn”. Còn quá sớm để nói về một kịch bản tích cực trong ngắn hạn nhưng khả năng suy giảm mạnh của thị trường tính từ mức điểm hiện nay cũng không lớn. Dù việc hồi phục có thể sớm xuất hiện trong một vài phiên tới, việc vội vàng “bắt dao” không được nhiều CTCK khuyến khích. Tỷ trọng cổ phiếu của nhà đầu tư vẫn chỉ nên duy trì ở mức cân bằng với tiền mặt.

Tin bài liên quan