Kỳ vọng cơ hội phát triển bền vững

Kỳ vọng cơ hội phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư quan tâm tới Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ cùng các thành viên thị trường dự kiến tổ chức ngày 28/2/2024 này, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ thị trường phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Có thể khẳng định rằng, sau hơn 20 năm phát triển TTCK, quy mô thị trường đã phát triển vượt bậc với hàng nghìn doanh nghiệp niêm yết, vốn hóa thị trường tính đến cuối năm 2023 đạt khoảng 62% GDP, tương đương 6 triệu tỷ đồng. Thông qua TTCK, nhiều doanh nghiệp đã huy động được vốn, tăng cường nhận diện thương hiệu, mở mang giao thương quốc tế...

Tuy nhiên, không ít thành viên gắn bó với thị trường nhìn nhận chưa có nhiều chính sách hiệu quả để vai trò lớn nhất của TTCK là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế được phát huy. Với một thị trường bậc cao như vậy, sự phát triển mang tính tự phát ở nhiều khía cạnh, đã dẫn tới mức độ trồi sụt lớn, khiến người dân e ngại, không coi đây là một kênh gửi gắm tài sản lâu dài. Do đó, một nguồn lực lớn chưa được khai thông để đưa vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Nhìn từ các thị trường đi trước, chứng khoán Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, không ít thành viên thị trường đã gặt hái được các thành công lớn. Nhưng để thị trường thực sự phát triển bền vững, có không ít vấn đề cần giải quyết từ hàng hóa, cơ cấu nhà đầu tư, sản phẩm mới, thuế phí...

Một nhà đầu tư chia sẻ, với công nghệ hiện nay, không khó để đưa ra giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển thay vì quản lý quá chặt. Đơn cử như việc cho phép đặt lệnh lô lẻ, về mặt thuật toán 1 lệnh giao dịch với 1.112 cổ phiếu không khác gì một lệnh 1.100 cổ phiếu, vậy tại sao lại phải quy định giao dịch cổ phiếu theo lô 100 cổ phiếu?

Chuyện thuế phí cũng vậy, phí lưu ký cổ phiếu, trái phiếu hiện rất cao và tính theo năm, theo tháng, với những nhà đầu tư không giao dịch thường xuyên, đây là khoản phí đáng kể và là áp lực không nhỏ với họ. Công nghệ cũng cho phép xác thực tình trạng lỗ lãi của nhà đầu tư đơn giản và dễ dàng, nhưng hiện nay nhà đầu tư nào cũng phải đóng thuế thu nhập cá nhân là 0,1% giá trị chứng khoán mỗi lần bán bất kể lời - lỗ...

Hiện nay, mối quan tâm đang đổ dồn vào việc nâng hạng TTCK Việt Nam và ngành chứng khoán coi đây là nhiệm vụ cốt lõi trong năm 2024-2025. Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quan quản lý ngành chứng khoán, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan.

Trước đó, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Chứng khoán Việt Nam có thể lên thị trường mới nổi nhưng làm gì để điều đó đem lại lợi ích win-win cho các thành viên thị trường, làm gì để có thêm nhiều hàng hóa chất lượng cho nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào thị trường và ở lại dài hạn. Lời giải cho những bài toán trên cũng quan trọng không kém quyết tâm nâng hạng đang chảy rần rần hiện nay.

Tin bài liên quan