Kỳ vọng chứng khoán “mở hàng” đầu năm tích cực

Kỳ vọng chứng khoán “mở hàng” đầu năm tích cực

(ĐTCK) Các chuyên gia kỳ vọng sẽ có sóng nhỏ sau kỳ nghỉ Tết - một nhịp hồi sau giai đoạn giảm giá khá sâu và thêm chút ảnh hưởng của tâm lý “mở hàng” đầu năm, ai cũng muốn “mua may bán đắt”.    

Sẽ có “sóng mini”?

Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán những ngày cuối năm âm lịch, ông Nguyễn Hữu Bình, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, thị trường giao dịch vẫn lình xình do thông tin hỗ trợ thị trường chưa đủ mạnh. Sự ổn định của tình hình thế giới chỉ mang tính tạm thời nên dòng tiền ngoại chưa quay lại mạnh mẽ.

“Giai đoạn này, thanh khoản thấp và biên độ dao động giá co hẹp nên việc trading không nhiều hiệu quả. Nhà đầu tư nếu lựa chọn cho mình những cổ phiếu tiềm năng cũng nên chờ đợi cơ hội thực sự rõ ràng hãy trading. Còn không, hãy nắm giữ danh mục với những cổ phiếu hưởng lợi ngành và kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực. Mùa công bố kết quả kinh doanh đang diễn ra và sau đó là mùa đại hội cổ đông với nhiều thông tin bất ngờ, đặc biệt với những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 2018 tích cực và vượt trội”, ông Bình chia sẻ.

Dòng tiền cho dù chưa cải thiện rõ rệt, nhưng trong tuần giao dịch vừa qua, tâm lý nhà đầu tư đã tích cực hơn. Chỉ số VN-Index đã nhích nhẹ lên mức 912,8 điểm (chốt phiên ngày 28/1), nhờ tín hiệu tích cực của thị trường chứng khoán thế giới. Chỉ số công nghiệp DowJones cuối tuần cũng đã tiệm cận trở lại vùng 25.000 điểm, trái ngược với dự báo của các chuyên gia uy tín về sóng giảm của chỉ số chứng khoán Mỹ quan trọng bậc nhất thế giới này.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, những thông tin vĩ mô về triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam giai đoạn đầu năm phần nào vực dậy tâm lý bi quan của các nhà đầu tư cá nhân. Các nhà đầu tư tổ chức vẫn nhận định Việt Nam là điểm đến của dòng tiền đầu tư trong năm 2019, môi trường kinh tế, kinh doanh hấp dẫn hàng đầu trong khu vực. Các hiệp định thương mại (FTA), Hiệp định thương mại mới EVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi thế thương mại, thuận lợi cho các hoạt động gia công, xuất khẩu sản phẩn, địa điểm thích hợp cho việc xây dựng, kinh doanh khu công nghiệp. Và các nhóm ngành như dược phẩm, bảo hiểm, ô tô, cảng biển, thủy sản… hứa hẹn sẽ là những động lực cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ở thời điểm này, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình thấp và chỉ thực hiện các hoạt động trading ngắn, ưu tiên các vị thế có sẵn trong tài khoản. Do biến động khá khó lường của thị trường thế giới trong thời gian nghỉ lễ nên việc nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao qua kỳ nghỉ lễ cần cân nhắc, bởi thời gian giao dịch sau kỳ nghỉ lễ có thể chịu tác động từ các yếu tố ngoại biên.

Với sức cầu hiện tại, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn được các chuyên gia nhận định khó có sóng tăng mạnh, nhưng sóng nhỏ thì vẫn có nhiều cơ hội.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, thị trường sẽ có một con sóng nhỏ trong khoảng 2 tháng tới, gọi là “mini uptrend”. Bởi bản chất đây chỉ là một sóng hồi trong một đợt giảm khi kịch bản giảm sâu đã được loại bỏ do nhiều mã bluechip và mã thị trường đã tương đương vùng 830 - 840 điểm (loại trừ sự tác động các mã vốn hóa lớn).  

Theo ông Chung, trong ngắn hạn, có một số yếu tố hỗ trợ chỉ số tăng điểm trước Tết âm lịch. Đó là Chính phủ Mỹ đã được mở cửa trở lại nên tâm lý nhà đầu tư toàn cầu cũng được dịu bớt và một điểm đáng lưu ý nhất đó là cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tháng này được dự báo là sẽ không tăng lãi suất. Với những diễn biến này, thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là các nước mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Chọn cổ phiếu nào?

Thị trường chứng khoán trong nước đang tích lũy khá tốt trong 5 phiên vừa qua, nên khi có những nhân tố tích cực tác động thì khả năng có một nhịp tăng trước Tết và mục tiêu ngắn hạn của VN-Index sẽ là 927,5 (+/- 1) điểm.

Nhìn vào diễn biến của thị trường trong vài phiên gần đây, có thể thấy, lực cầu chủ yếu dồn vào các cổ phiếu dẫn dắt thị trường và có nền tảng tài chính lành mạnh như VNM, VCB, HPG… Cùng với đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng như CTG, VPB, MBB… cũng thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư. Giao dịch không quá khởi sắc, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm gây chú ý nhất trong bối cảnh ảm đạm chung của thị trường; trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua vào khá mạnh nhóm cổ phiếu này. Dù vậy, nhóm cổ phiếu này có duy trì được lâu hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Nếu “sóng” mini có diễn ra, dòng tiền có lẽ sẽ không đủ khỏe để lan tỏa ra khắp các lớp cổ phiếu, mà chỉ tìm đến những cổ phiếu đã giảm sâu và thanh khoản khá.

“Đây là đặc trưng của một sóng hồi trong downtrend, do downtrend trung và dài hạn chưa chấm dứt nên dòng tiền đầu cơ thông minh sẽ không đủ can đảm để đổ vào những mã thanh khoản thấp cho dù cơ bản tốt. Vì vậy, dòng tiền tạm thời sẽ chỉ vào các mã giảm sâu thanh khoản khá”, ông Chung nhận định.

Dựa trên đặc điểm các ngành và triển vọng thị trường chứng khoán năm 2019, ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest (EVS) đánh giá, ngoài ngân hàng thì ngành hàng tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và dược phẩm là những ngành sẽ tăng trưởng vượt trội trong năm 2019 và là cơ hội cho nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trong các ngành này.

Những công ty có đặc điểm hỗ trợ như nhóm công ty duy trì mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định lớn hơn 14% hàng năm, ROE ở mức cao hơn 10% hàng năm, tỷ lệ nợ vay thấp và ở mức an toàn và không phụ thuộc nhiều vào dòng vốn vay; các công ty có thị trường tiêu thụ nội địa lớn và triển vọng tăng thị phần ở các thị trường mới thông qua xuất khẩu và cổ phiếu các công ty này ít nhạy cảm với thị trường đi xuống.

Tin bài liên quan