“Cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phát triển”
Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen
Kinh tế quý I/2016 cho thấy, có nhiều diễn biến khó lường không như dự kiến, một phần do tác động từ thị trường thế giới, một phần do tác động trong nước bởi các yếu tố hạn hán, xâm nhập mặn…, báo hiệu năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn.
Một số vấn đề đáng chú ý là nợ công tăng sát trần cho phép, bội chi ngân sách tăng, chu kỳ trả nợ nước ngoài ngày càng cao, nợ xấu xử lý còn chậm, lãi suất ngân hàng còn cao và xu hướng có thể tăng, chính sách tài chính dư địa điều chỉnh không còn nhiều, tình hình hạn hán xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Tất cả những yếu tố đó sẽ tác động lớn tới phát triển kinh tế Việt Nam. Do đó, đòi hỏi phải có sự linh hoạt thận trọng trong chính sách và nỗ lực điều hành của Chính phủ, có giải pháp tích cực từ Chính phủ và cộng đồng DN để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2016.
Về vĩ mô, cần có các giải pháp điều hành quyết liệt trong quản lý đầu tư, đảm bảo ổn định tiền tệ và chính sách tài khoá nhằm đảm bảo cân đối ngân sách, giảm bội chi và kiểm soát được nợ công, minh bạch hóa đầu tư công và ổn định thị trường tài chính, tạo nền tảng ổn định để DN phát triển.
Về vi mô, cần quan tâm tới các giải pháp cụ thể trong cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho DN sản xuất - kinh doanh phát triển.
Kỳ vọng, trước bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ mới và các thành viên có các giải pháp quyết liệt, vào cuộc tích cực, quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh. Qua đó, giúp cộng đồng DN yên tâm phát triển và kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
“Doanh nghiệp trông đợi ở các hành động cải cách quyết liệt”
Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam
Nền kinh tế năm nay được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, song tôi cho cho rằng, triển vọng phát triển là khá sáng sủa. Trong quý I và đầu quý II, ngành công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất thép có sự hồi phục và tăng trưởng, dự báo triển vọng quý II có khởi sắc, nhưng trong hai quý còn lại của năm sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường thế giới.
Riêng đối với lĩnh vực thép, dự báo diễn biến sẽ rất phức tạp do phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Thị trường có nhiều rủi ro khó lường và DN thép hiện nay khá thận trọng trong việc chuẩn bị nguyên liệu sản xuất cho các quý tiếp theo.
Năm 2016 cũng là năm được đánh giá là nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức từ hội nhập với việc nước ta đã hoàn thành ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, sự chuẩn bị của phần lớn DN vẫn còn chậm trễ, bởi nhiều DN chưa nắm và bắt và nhận thức đầy đủ về các thông tin hội nhập trong ngành và lĩnh vực của mình.
Do đó, rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền thông tin hội nhập để DN nhận thức đầy đủ và có kế hoạch chuẩn bị kịp thời. Mặc khác, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và áp lực cạnh tranh gia tăng mạnh mẽ, DN trông đợi ở sự quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp chính sách cải cách thế chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát huy tối đa lợi thế và sáng tạo để phát triển.
Đối với các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, DN chờ đợi các quyết sách của Chính phủ cũng như kỳ vọng những nỗ lực điều hành mới của Chính phủ để có những định hướng phù hợp trong chiến lược và kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
“Cần cứu hàng trăm nhà máy chế biến, hàng triệu người lao động và người nuôi tôm”
Ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Ngành tôm Việt Nam hiện đang bị lỗi hệ thống và sai ở cách tiếp cận cũng như hướng đi. Việt Nam đang đi theo hướng tôm sạch bệnh, nhưng môi trường, ao đầm, kênh rạch, sông ngòi và biển của chúng ta ở nhiều nơi không sạch. Chúng ta phải dùng hóa chất để diệt vi khuẩn gây bệnh, nhưng đồng thời cũng diệt luôn cả các vi sinh vật có ích.
Đáng chú ý, sau một thời gian, nguồn bệnh lại phát sinh khiến nhiều hồ nuôi thủy sản phải sử dụng kháng sinh. Thời gian sử dụng kháng sinh là trước 30 - 45 ngày trước khi thu hoạch, nhưng cũng tùy thuộc từng loại kháng sinh. Vì thế, rủi ro tôm Việt Nam bị nhiễm kháng sinh là vẫn có. Tôm cá bị nhiễm kháng sinh thì không thể bán trên thị trường quốc tế, nhất là Nhật Bản, Mỹ và EU.
Ở Ecuado, họ tiếp cận theo hướng tôm kháng bệnh và nuôi tôm ở mật độ thấp 10 - 30 con/m2, không cần phải sử dụng bất cứ hóa chất và kháng sinh nào. Họ chỉ lọc nước bằng túi lọc để loại cá tạp vào ăn tôm. Sau 90 - 100 ngày thu hoạch đạt 50 - 60 con/kg, năng suất đạt 1-2,5 tấn/héc-ta/vụ, tỷ lệ thành công trên 90%. Mỗi năm, họ nuôi 3 vụ, năng suất đạt 3-7,5 tấn/héc-ta/năm. Với cách nuôi này, mỗi ao nuôi rộng 7-10 héc-ta nên chi phí đầu tư thấp và hệ số sử dụng đất cao.
Còn ở Việt Nam tiếp cận theo hướng sạch bệnh và nuôi tôm ở mật độ cao từ 80 - 120 con/m2 và cũng nuôi 90 - 100 ngày, năng suất đạt 5 - 10 tấn/héc-ta/vụ, tỷ lệ thành công dưới 30%. Với cách nuôi này, giá thành tôm của Việt Nam trên 100.000 đồng/kg loại 50-60 con/kg và nuôi được 1 vụ/năm, rất ít được 2 vụ/năm. Mỗi ao thường có diện tích 0,3-0,5 héc-ta nên chi phí đầu tư cao và hệ số sử dụng đất thấp.
Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành nên cho chủ trương triển khai sản xuất tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống và nuôi tôm theo cách tiếp cận như Ecuado. Cụ thể, sản xuất tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống kháng bệnh và nuôi tôm với mật độ thấp, đồng thời quy hoạch cho các vùng nuôi tôm có diện tích từ 1.000 - 5.000 héc-ta cho mỗi vùng. Minh Phú xin được thí điểm triển khai nuôi thí điểm theo cách tiếp cận này. Với mô hình thành lập các công ty cổ phần nuôi tôm, người dân góp vốn bằng đất, còn Minh Phú góp vốn bằng tiền để đầu tư thành các vùng nuôi tôm lớn có kênh cấp, thoát nước riêng, có đường giao thông để xe 10 - 20 tấn vào được.
"Lập một ban để dẹp nạn một cửa nhiều khóa là khả thi"
Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco)
Chúng tôi mong môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện nhiều hơn nữa, giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, cắt bỏ các giấy phép con, đang góp phần làm chậm trễ tiến độ dự án và làm mất cơ hội kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Trong ngành kinh doanh bất động sản, để thực hiện một dự án phải qua nhiều khâu xin phép, xin phép ở nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau, trong khi thời gian chờ đợi phê duyệt rất lâu, trong bối cảnh thị trường biến động nhanh như hiện nay, thời cơ kinh doanh dễ dàng trôi qua mất.
Tôi cho rằng, ý kiến lập một ban để dẹp nạn một cửa nhiều khóa, dưới quyền Thủ tướng là khả thi. Đây sẽ là cơ quan đầu mối thu nhận các ý kiến đóng góp, tổng hợp và kiến nghị trực tiếp lên Thủ tướng để ban hành các văn bản nhằm xóa bỏ các giấy phép con. Nếu tập hợp được những người có tâm huyết và quyết liệt, những người thấu hiểu và hành động vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì sự tồn vong của đất nước, có thể chúng ta sẽ đạt bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính.
“Các DN nhỏ và vừa hiện nay thiếu vốn, trong khi lãi vay ngân hàng ở mức cao”
Ông Phan Bá Sang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc
Mặc dù đã có nhiều cải thiện về môi trường kinh doanh cũng như các thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, giúp DN thuận lợi hơn trong sản xuất - kinh doanh, nhưng thực tế phản ánh từ các DN cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc đang cản trở và ảnh hưởng tới hoạt động của DN.
Trước hết, các DN nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay thiếu vốn, trong khi lãi vay ngân hàng ở mức cao, điều kiện vay vốn khó khăn do không có tài sản thế chấp. Cơ hội tiếp cận tín dụng của DNNVV với nguồn tín dụng nhà nước rất hạn chế, dù đã có những chính sách hỗ trợ DNNVV vay vốn để sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng hoàn trả vốn xây dựng cơ bản, đặc biệt nợ đọng hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN đang có xu hướng gia tăng. Không ít DN bị cơ quan thuế gây khó khăn, chậm trễ trong việc hoàn trả thuế.
Đặc biệt, các DN than phiền về thủ tục hải quan và thuế. Các thủ tục hải quan tuy được cải thiện, song thực tế thời gian thông quan vẫn bị kéo dài do phát sinh ở mỗi công đoạn quy trình có sự phức tạp riêng. Chẳng hạn, thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành rất phức tạp nên trên thực tế chưa có tác dụng về giảm giờ làm thủ tục hải quan, thậm chí có những trường hợp làm tăng thời gian thông quan, tăng chi phí kiểm định cho DN.
Vấn đề thanh kiểm tra cũng là một vấn nạn lớn đối với DN hiện nay. Tần suất thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất nhiều, việc thanh kiểm tra chủ yếu là tìm lỗi để phạt, còn hướng dẫn, giúp đỡ thì ít. Ví dụ, DN phải tiếp trung bình 5 đoàn kiểm tra trong 1 năm, chỉ riêng lĩnh vực môi trường. Còn tính chung, có DN phải tiếp tới 26 đoàn thanh kiểm tra trong 1 năm, khiến DN không còn thời gian để tập trung sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, các chi phí không chính thức mà DN phải bỏ ra có xu hướng tăng, thủ tục một cửa tuy đã triển khai song một cửa vẫn cần nhiều chìa, khiến DN mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.