Kỳ vọng APEC 2017 tạo bước ngoặt cho thương mại, đầu tư thế giới

Năm 2017, Việt Nam vinh dự là nước chủ nhà Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ông Trương Đình Tuyển, người 2 lần giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đặt rất nhiều kỳ vọng vào một trong những sự kiện ngoại giao lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Tuyển, có thể kỳ vọng APEC 2017 sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho hoạt động thương mại, đầu tư của thế giới trong tương lai, tương tự như APEC 18 được tổ chức tại Việt Nam năm 2006 đã tạo ra sự “thần kỳ” cho hoạt động thương mại, đầu tư của thế giới.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về APEC 2006 kể, chỉ thời gian ngắn sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chính thức hình thành, ngày 1/1/1995, các nước thành viên thấy rằng, sự phát triển về thương mại, đầu tư trên thế giới phát triển quá nhanh, “chiếc áo” WTO sẽ trở nên chật chội, vì thế đã quyết định đàm phán về các quy định mới liên quan đến tiếp cận thị trường hàng phi nông nghiệp; nông nghiệp; dịch vụ; sở hữu trí tuệ; thuận lợi hóa thương mại…, được gọi là Đàm phán Doha.

Lãnh đạo các nền kinh tế hy vọng, APEC tổ chức tại Việt Nam năm nay sẽ là động lực để ra đời Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TAFTA) giữa Hoa Kỳ và EU.

Đàm phán Doha được khởi động từ cuối năm 2001, nhưng liên tục rơi vào bế tắc do sự mâu thuẫn giữa các nền kinh tế lớn với nhau, giữa các nền kinh tế lớn với các nền kinh tế nhỏ vừa, giữa các nền kinh tế nhỏ và vừa với nhau. Trước động thái này, năm 2002, Chile, New Zealand và Singapore đàm phán một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ… có tên là Pacific Three Closer Economic Partnership (P3-CEP). Đến năm 2005 có thêm sự tham gia của Brunei, đổi tên thành P4-CEP. Sau đó, P4-CEP được ký kết và chính thức có hiệu lực kể từ 5/2006.

Vòng Đàm phán Doha thất bại, P4-CEP ra đời khiến bộ trưởng thương mại các nền kinh tế APEC dự APEC 2006 tại Việt Nam ruột “nóng như lửa đốt”.

Ông Tuyển kể, trước động thái này, trong một hội nghị giữa các bộ trưởng APEC, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc khi đó đề xuất thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN + 3, gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp  Nhật Bản, ông Nikai Toshihiro tính toán rất nhanh rằng, nếu ASEAN + 3 được hình thành thì vai trò của Trung Quốc quá lớn do kim ngạch xuất -nhập khẩu của Trung Quốc áp đảo các nước còn lại.

Kỳ vọng APEC 2017 tạo bước ngoặt cho thương mại, đầu tư thế giới ảnh 1

 APEC 18 tổ chức tại Hà Nội năm 2006 đã tạo ra sự phát triển “thần kỳ” cho hoạt động thương mại, đầu tư thế giới. APEC tổ chức tại Đà Nẵng cuối năm 2017 được kỳ vọng sẽ lặp lại kỳ tích này

Muốn “pha loãng” sự ảnh hưởng của Trung Quốc, ông Nikai Toshihiro đề xuất thành lập ASEAN + 6, tức là có thêm sự tham gia của Ấn Độ, New Zealand, Australia và đề nghị Nhật Bản sẽ tài trợ để các thành viên, chuyên gia kinh tế nghiên cứu khu vực mậu dịch tự do ASEAN + 6.

Quá bất ngờ trước 2 đề xuất này, vì dù thành lập ASEAN + 3 hay ASEAN + 6 thì vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thay đổi - điều mà chưa bao giờ Hoa Kỳ muốn xảy ra, nên ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ thương mại Hoa Kỳ, bà Susan Schwab đề nghị thành lập khu vực mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương bao gồm 21 nền kinh tế.

“Là nước chủ nhà, trước 3 đề xuất rất khác nhau, đồng ý với người này thì làm mất lòng người khác, trong khi cả 3 nước đề nghị thành lập 3 khu vực mậu dịch tự do khác nhau lại là 3 đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam. Là Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà, tôi có trách nhiệm kết luận tại Hội nghị, làm sao để “vừa lòng người đến, đẹp lòng người đi”, trong khi không có thời gian xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và cũng không có thời gian tham khảo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thương mại, đầu tư. Song, tôi vẫn quyết định kết luận ngay, các thành viên APEC đều muốn thành lập khu vực mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương, nhưng đây là mục tiêu dài hạn, chưa thể thành lập được ngay vì các nền kinh tế có sự khác biệt, chênh lệch trình độ quá lớn. Trước mắt, giao cho các chuyên gia kinh tế nghiên cứu khu vực mậu dịch tự do ASEAN + 3 và ASEAN + 6, sau đó báo cáo lại bộ trưởng thương mại các nước xem mô hình nào hiệu quả hơn, khả thi hơn thì thành lập”, ông Tuyển kể.

Ông Tuyển nhớ lại, kết thúc Hội nghị cấp cao APEC 2006, cả Việt Nam và Mỹ bắt tay vào nghiên cứu P4-CEP với mong muốn không chỉ tham gia vào khu vực mậu dịch tự do này mà nâng tầm P4-CEP thành một hiệp định tự do thế hệ mới có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với kinh tế, thương mại thế giới trong thế kỷ 21.

Chính vì vậy, chỉ hơn một năm sau, vào tháng 9/2008, Hoa Kỳ tuyên bố đàm phán hiệp định này và chỉ 2 tháng sau, vào tháng 11/2008, Việt Nam tuyên bố đàm phán, kéo theo Australia và Peru nhập cuộc để hình thành nên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thay cho P4-CEP.

“Tôi từng vừa đùa, vừa thật với nhiều nhà đàm phán TPP của Hoa Kỳ rằng, TPP có hình thành được hay không là do Việt Nam quyết định chứ không phải Hoa Kỳ. Vì Việt Nam là nước có nền kinh tế nhỏ, kim ngạch xuất - nhập khẩu chưa lớn, chỉ mới “chân ướt, chân ráo” vào WTO, thể chế kinh tế thị trường đang hình thành… mà dám “chơi” TPP thì các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chẳng có lý do gì không tham gia vào sân chơi này. Tiên đoán của tôi đã đúng, chỉ vài năm sau Việt Nam tham gia đàm phán TPP, đến lượt Malaysia, Mexico và Nhật Bản cũng tham gia đàm phán”, ông Tuyển tâm sự.

Ông Tuyển cho rằng, APEC 2006 tại Việt Nam đã khởi đầu cho việc hình thành nên TPP - một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với 12 thành viên, với tổng GDP lên tới 28.000 tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và khoảng 30% tổng thương mại toàn cầu. Cho đến nay, dù “số phận” TPP vẫn đang ở phía trước, nhưng không thể phủ nhận vai trò của APEC 2006 trong việc tạo động lực để các nền kinh tế hướng tới những thỏa thuận phát triển ở tầm cao hơn, ảnh hưởng rộng hơn.

“Năm nay, Hội nghị Cấp cao APEC lại được tổ chức tại Việt Nam. Lãnh đạo các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp hy vọng, biết đâu, cũng giống như năm 2006, APEC tổ chức tại Việt Nam năm nay sẽ là động lực để ra đời Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TAFTA) giữa Hoa Kỳ và EU. Và biết đâu, APEC 2017 là sự khởi đầu để hình thành nên một khu vực mậu dịch tự do APEC như tham vọng của nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực. Bởi trong số 21 thành viên APEC đã có 12 thành viên đàm phán xong TPP, còn Hàn Quốc, Trung Quốc đã ngỏ ý tham gia vào Hiệp định này, gần đây Indonesia, Thái Lan và Philippines cũng đã có ý định gia nhập TPP”, “ông WTO” - cách gọi trìu mến của người dân với ông Trương Đình Tuyển đầy hy vọng.

Tin bài liên quan