Điển hình là câu chuyện ồn ào xung quanh việc thoái vốn của Nhà nước tại CTCP Rượu bia nước giải khát Hà Nội (Habeco), mới đưa cổ phiếu lên trên UPCoM từ 28/10 với mã BHN.
Sự săn đón của nhà đầu tư nước ngoài Carlsberg có thể là một tác nhân để kéo cổ phiếu này liên tục tăng trần với biên độ đáng mơ ước: 15% mỗi phiên.
Những nhà đầu tư từng tham gia mua cổ phiếu từ hồi Habeco cổ phần hóa (năm 2008) với giá 50.000 đồng/CP, vì lý do nào đó đã bán BHN với giá lỗ, giờ chắc tiếc hùi hụi. Còn những ai gom BHN trước khi cổ phiếu này giao dịch trên UPCoM cũng đã kiếm món kha khá, khi thị giá hiện đã gần gấp 3 lần so với giá giao dịch trên OTC trước đây.
Chỉ trong ngày 1/11, có tới 4 cổ phiếu mới giao dịch trên UPCoM. Sàn UPCoM còn được kỳ vọng sôi động hơn rất nhiều, khi tới đây, có hàng loạt doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên giao dịch, đơn cử như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP.
Nhìn vào những chuyển động của một số mã chứng khoán trước khi giao dịch trên UPCoM hiện nay lại khiến nhà đầu tư nhớ về sự sôi động của TTCK nhiều năm trước.
Ngày 8/11 tới là thời hạn cuối cùng để đăng ký lưu ký cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Gần chục năm trước, VIB đã nộp hồ sơ xin niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), nhưng sau đó xin rút với lý do bảo vệ quyền lợi cổ đông. Nay VIB lại chuẩn bị “ra gió”, nhưng lần này lại chọn sàn UPCoM.
Những ngày này, cổ đông nhỏ lẻ sở hữu cổ phiếu VIB liên tục nhận được lời đề nghị chào mua từ một số cá nhân.
Họ cho biết, gom cổ phiếu cho thành viên HĐQT Ngân hàng và gom đủ từ Nam ra Bắc, với một thái độ nhiệt tình hiếm thấy. Tỷ lệ sở hữu cổ phiếu VIB khá cô đặc, ngân hàng này có nền tảng khá vững chắc.
Liệu đây có phải là những lý do sẽ giúp cổ phiếu VIB lội ngược dòng so với những cổ phiếu ngân hàng nhan nhản trên 2 sàn tập trung không?
Không có gì là không thể. Thị trường vốn dĩ vẫn tồn tại nhiều cổ phiếu được giao dịch một cách phi lý, nhưng nó vẫn diễn ra.
UPCoM giờ có nhiều hàng “khủng”, đơn cử như cổ phiếu của CTCP Sợi Phú Bài, mã chứng khoán SPB giao dịch từ ngày 17/10. Công ty này vốn điều lệ 50 tỷ đồng, song lãi sau thuế hàng năm đạt xấp xỉ vốn điều lệ và chia cổ tức cao là truyền thống của doanh nghiệp, khi năm 2013 có tỷ lệ 110%, năm 2014 tỷ lệ 95,8% và năm 2015 tỷ lệ 79,31%, đều bằng tiền mặt.
Điểm hấp dẫn của thị trường UPCoM nằm ở chỗ, cơ cấu sở hữu của nhiều doanh nghiệp khá cô đặc, trong khi biên độ dao động giá lại rất rộng, nhiều cổ phiếu dễ dàng đạt được sự tăng giá ấn tượng.
“Thành tích” của nhiều nhà đầu tư đang kích thích lòng tham ở nhiều nhà đầu tư khác.
HNX cũng đã thực thi nhiều giải pháp để tăng tính hấp dẫn của UPCoM như tăng biên độ dao động giá cổ phiếu từ ±10% lên ±15%, phân bảng trên hệ thống giao dịch và tới đây là cho phép giao dịch ký quỹ…
Bên cạnh sự sôi động, để thị trường này vận hành một cách bền vững, còn cần nhiều hơn những nỗ lực về công bố thông tin và gia tăng tính minh bạch, quản trị doanh nghiệp của các công ty trên sàn.