Hiện đang là giai đoạn các doanh nghiệp chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý I/2014. Ông dự báo ra sao về bức tranh tổng thể của các doanh nghiệp trong quý đầu tiên của năm?
Hiện tại, KQKD kiểm toán năm 2013 đã được công bố và như các năm trước đây, có đến 80% doanh nghiệp có sự thay đổi về số liệu lợi nhuận trước thuế giữa báo cáo kiểm toán và báo cáo tự lập. Tuy vậy, nay đã giữa tháng 4, nên thị trường chờ đợi các thông tin về KQKD quý I/2014.
Thông thường, các doanh nghiệp lớn công bố số ước tính KQKD và có ảnh hưởng lớn đến thị trường trong giai đoạn tháng 4. Tuy nhiên, quý I thường là quý tăng trưởng chậm của các ngành, do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết kéo dài làm hoạt động kinh doanh gián đoạn.
Do vậy, chúng tôi không kỳ vọng vào sự cải thiện của KQKD trong quý I/2014. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào quý II/2014 khi phía cung hoạt động xuất khẩu đang được cải thiện mạnh và hoạt động đầu tư nước ngoài tăng lên, từ phía cầu thì cầu tiêu dùng tăng tốt hơn nhờ nền lãi suất thấp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã tạo “sóng” trong thời gian vừa qua, một phần từ sự kỳ vọng vào lợi nhuận khả quan của khối doanh nghiệp này. Trong ngắn hạn, liệu có “sóng” cổ phiếu nhóm ngành khác dựa trên KQKD quý I không, theo ông?
Năm 2013, KQKD của đa số CTCK cải thiện hơn nhiều so với năm 2012. Quý I/2014, điểm số và khối lượng giao dịch trên TTCK tăng nhanh khiến NĐT kỳ vọng nhiều vào KQKD của các CTCK. Tuy vậy, việc cổ phiếu chứng khoán tăng giá mạnh cũng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như: cổ phiếu hết “room” dành cho khối ngoại; giá cổ phiếu trước đó chưa tăng nhiều so với thị trường chung.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng khá tốt, do vậy, trong gần 1 tháng qua đã thu hút được nhiều NĐT. Với cổ phiếu các nhóm ngành khác, khả năng tạo “sóng” từ KQKD không cao, chủ yếu diễn ra đơn lẻ với từng cổ phiếu.
Ông nhận định ra sao về diễn biến TTCK trong ngắn hạn, khi còn 2 tuần nữa là bước sang tháng 5 - quan điểm trên TTCK Mỹ là tháng “bán cổ phiếu và đi chơi” (Sell in May and go away)?
Câu ngạn ngữ “Sell in May and go away” khá phổ biến tại các TTCK phát triển, dựa trên thống kê chu kỳ TTCK Mỹ từ tháng 11 đến tháng 4 thường tốt hơn từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, kể từ sau khủng hoảng năm 2009 thì mức độ chính xác không còn cao. Đối với Việt Nam, là một thị trường biên, diễn biến giá ít tuân theo theo quy luật nói trên, mà phụ thuộc nhiều vào yếu tố nội tại của thị trường.
Sau giai đoạn 3 tháng tăng trưởng “nóng”, diễn biến thị trường hiện tại sẽ phụ thuộc vào chuyển biến của nền kinh tế vĩ mô và triển vọng dòng tiền của NĐT nước ngoài. Tháng 4 này tập trung khá nhiều thông tin: ĐHCĐ, đàm phán thương mại (FTA và TPP), KQKD quý I/2014… Tuy nhiên, tháng 5 tới, thị trường sẽ bước vào kỳ trũng của thông tin. Do vậy, chúng tôi cho rằng, sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu có sự cải thiện về yếu tố cơ bản và phần còn lại của thị trường.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sẽ mở rộng quyền mua, bán chứng khoán hai chiều của NĐT nước ngoài trên TTCK theo hướng không hạn chế. Có ý kiến cho rằng, đây là một trong những nhân tố thu hút sự quan tâm của khối ngoại tới TTCK Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào?
TTCK Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn cho nền kinh tế và hỗ trợ quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Để thực hiện được mục tiêu trên, TTCK cần nhiều hơn các chính sách từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Chúng tôi cho rằng, các chính sách của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang theo hướng hỗ trợ cho TTCK phát triển, giúp tăng thanh khoản và thu hút thêm NĐT nước ngoài. Khách hàng nước ngoài, theo ghi nhận của chúng tôi, rất quan tâm đến việc mở rộng quyền mua bán chứng khoán và khả năng mở “room” cho NĐT nước ngoài.