Thung lũng Mường Khương nở đầy hoa dại, thơm ngát, báo hiệu mùa Xuân đã về với vùng đất Tây Bắc

Thung lũng Mường Khương nở đầy hoa dại, thơm ngát, báo hiệu mùa Xuân đã về với vùng đất Tây Bắc

Ký sự đồng rừng…

(ĐTCK) Thung lũng Mường Khương khi tôi đến nở đầy hoa dại. Thứ hoa màu trắng và thơm ngát tràn từ đỉnh núi xuống thung lũng. Tôi không dám tin rằng, bất cứ mảnh đất nào từng trải qua chiến tranh, máu lửa và bom đạn cào xé, thì đều nở tràn hoa thơm trái ngọt cho đến khi đặt chân đến Mường Khương.

Mường Khương xưa nay nổi tiếng là nơi tụ hội của những tay cự phách chuyên buôn xuôi bán ngược. Có ai mê chim họa mi, ngựa chiến, gạo séng cù, ớt hiểm, lạp xưởng... các thức ăn, chơi đủ cả mà lại chưa biết nơi này. Xưa, ký sự đồng rừng của khách văn chương còn ghi lại: Thung lũng Mường Khương chính là phố thị gần nhất từ ga Phố Lu qua, từ Bắc Hà xuống, lại là con đường ngắn nhất từ ga Lào Cai lên biên giới. Bởi vậy, mà khách tứ phương thường tụ về ăn chơi, gom mối hàng, đánh bạc. Cho đến bây giờ, cái tên Mường Khương vẫn gợi lên những mối vọng tưởng hào hoa một thời, gây tò mò tột độ cho khách du lịch. Và nơi này cũng là một trong những thị trấn giáp biên hiếm hoi của biên giới phía Bắc đông đúc dân cư, hơi hướng phố thị. Cửa ngõ biên giới ở đây do Đồn Biên phòng Mường Khương trấn ải, thường tóm được các vụ buôn hàng cấm và người vượt biên từ dưới xuôi đưa lên. Nói vậy, nhưng bất kể ai đó như tôi, tới thung lũng này một ngày cuối Đông, Xuân mới sắp đến đều tưởng chừng như mình được tiếp đón nồng hậu hơn cả khách quý.

Mường Khương không lắm sương nhiều mây, khắc nghiệt như Sa Pa, Y Tý, Ngải Thầu, càng không bụi bặm ngột ngạt như phố mới dưới Lào Cai. Chợ Mường Khương rực lên màu quýt chín. Sườn đồi của ông Làn Mậu Thành, một người Bố Y giỏi làm kinh tế gia đình, quýt chín lúc lỉu, người ra người vào tấp nập. Vườn quýt của ông mở cửa đón khách cả ngày, ai ăn bao nhiêu thì tùy, lúc mang quýt ra khỏi cửa vườn mới tính tiền. Cái tiếng hào hoa đến từng cách nói, cách làm của ông chủ vườn vang xa xuống tận dưới xuôi. Thỉnh thoảng lại có chiếc xe du lịch với đầy khách lạ xuống Mường Khương để tìm vườn quýt ông Thành.

Làn Mậu Thành già hơn cái tuổi 47, bởi lam lũ ruộng vườn từ nhỏ. Nguyên mái tóc mềm mại xõa trán và nụ cười ấm áp cứ làm tôi vẩn vơ nghĩ tới những tay tài mậu đất Tây Bắc xưa.

“Tôi cũng chẳng ngờ cây quýt lại đứng được trên đất này. Hồi xưa, gù lưng trỉa ngô, trồng mía, đủ ăn đã khó, đừng nói làm ra hàng hóa bán từng ngày thế này. Đột nhiên tôi phát hiện ra ông già tôi có trồng vài cây quýt ở trên núi, chỗ đất của gia đình từ xưa chả biết để làm gì thì giặm mấy cây quýt. Thế rồi thấy quýt ngọt lịm, thơm, thanh mát chứ không chua gắt như quýt trồng dưới Lào Cai. Tôi giâm cành dần dần rồi trồng ra cả đồi. Vừa trồng, vừa mua thêm đất. Cứ thế, giờ đã có hơn 10.000 cây. Lúc nào cũng có quýt thu hoạch. Mỗi ngày bán hàng tấn quýt qua cửa vườn cho tư thương. Cả năm cứ năng nhặt, chặt bị, tiền tỷ không khó kiếm”, Làn Mậu Thành cười vẻ bí hiểm.

Ký sự đồng rừng… ảnh 1
Mùa quýt chín Mường Khương, một đặc sản không thể bỏ qua của mỗi du khách khi đặt chân tới vùng đất này
 

Làn Mậu Thành cười bảo tôi rằng, ông bán giống cây quýt một lượng kha khá cho bà con quanh vùng, bỏ công hướng dẫn cả kỹ thuật cho người mới trồng, muốn làm giàu mà không có vườn quýt nào ngọt bằng quýt của ông. Người bán dưới xuôi cứ rao bán quýt ông Thành, kỳ thực có vào tận vườn mới đúng là ăn quýt tay tôi chăm. Người đàn ông này có duyên “thổ - mộc”, cứ trồng cây gì, cây đó đều tươi tốt, ngọt lành. Ông còn có bí quyết cắt cành, tỉa bớt quả non mà người khác khó mà học theo. Nhờ phương trưởng và có uy tín từ vườn quýt đó mà Làn Mậu Thành trở thành người có uy tín trong thị trấn. Quan chức thị trấn nói chưa chắc đã lọt tai, mà ông Thành chỉ cần vài lời, lại có ngăn nắp làng trên xóm dưới.

Tôi cứ nghĩ đến câu nói của người xưa, trời muốn trao trọng trách cho người đàn ông, trước hết sẽ làm người đó khổ cái tâm, mệt cái chí, cùng là túng cái thân trước đã. Làn Mậu Thành từng khóc òa như con trẻ khi vườn quýt bị mưa đá giập tơi tả vào hồi năm ngoái. Ông bảo, nhìn thấy tôi khóc, bố tôi cũng ngán ngẩm, nghĩ lụi đường sinh sống, nhưng mà rồi nhờ không bỏ cuộc, lại chăm bón vườn quýt được hồi phục, tiền vay nợ trả dần. Mấy lần các vị cán bộ khuyến nông trên tỉnh, trên huyện xuống gặp tôi, nói tôi phải làm thế này, phải làm thế khác mới đúng kỹ thuật. Họ bảo tôi phải cắt quả nhỏ đi, để quả to phát triển. Nhưng mà tôi toàn cắt quả to, còn để quả nhỏ đều cây. Lượng dinh dưỡng nuôi cây, nuôi quả phân bổ đều nhau, quả mới to đều và lại sai quả, nhưng các vị ấy nói, tôi cũng cứ gật gù, tôn trọng và lại cười hóm. Cái thông minh, nhạy bén từ trong dòng máu Bố Y của Làn Mậu Thành, cùng cái chất khôn ngoan của đất, của người không lẫn đi đâu được. Ông bảo, là người trồng cây, không thể nói là không dùng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, nhưng vườn quýt của tôi tuyệt đối chỉ dùng thuốc trước mùa mưa, trước khi cây ra quả để chống sâu bọ. Sau khi mưa, cả cây cả quả đều sạch sẽ và từ đó không phun pheo gì hết. Cái tâm của người trồng cây đơn giản vậy thôi.

Nhìn những đoàn người kéo nhau vào vườn quýt chơi đùa, chụp ảnh đến nửa ngày mới cầm được túi quýt vài ký ra ngoài tính tiền, tôi hỏi Làn Mậu Thành, không xót ruột sợ người lạ vô tình phá hỏng cây hay sao? Người chủ vườn quýt hiền từ nói, cây chẳng hỏng được bao giờ, đến mưa đá quật còn hồi sinh được, chứ vài cành bị dẫm bẻ làm sao mà hại cây. Thứ cây gì trên đất này cũng đều bảo lưu được nguồn gen gốc, sức sống mãnh liệt. Cây ớt Mường Khương xưa nay nổi tiếng là thơm, cay cứ mang giống về xuôi là hỏng, thế nên ớt của Mường Khương mãi là đặc sản trong trăm thứ ớt thiên hạ. Ăn ớt Mường Khương là nhận ra vị cay nồng, thơm mùi ớt núi, khiến người ta trào nước mắt, nhưng lại lập tức nghiện cái vị cay xé lưỡi ấy.

Mường Khương không nằm ngoài quy luật, mảnh đất nào trồng được gia vị mê hoặc lòng người ắt hẳn đất ấy đông đúc, người ta chỉ di cư đến đây mà không ai muốn dời đất này mà đi.

Cứ đánh thẳng vào vị giác, khứu giác của khách lạ, bởi vậy, Mường Khương vẫn là điểm dừng chân mơ ước của Tây Bắc xa xôi...

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan