9 năm sau đó, Thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-Len David Cameron đến thăm và tổ chức hội nghị giữa các doanh nghiệp Anh với Việt Nam cũng tại sàn TP. HCM – nay mang tên Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Những sự kiện đặc biệt này góp phần không nhỏ mang hình ảnh của TTCK Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sacom, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp niêm yết nhớ lại kỷ niệm với Tổng thống Bush: “Khi nghe trợ lý giới thiệu đây là ông Trắc, Chủ tịch câu lạc bộ doanh nghiệp niêm yết, ông Bush liền tiến đến bắt tay tôi và nói: “Mr Trắc, Mr Trắc!”. Sau đó, ông Bush chủ động tháo bỏ dải phân cách đứng vào chụp hình cùng các doanh nghiệp tham dự buổi đón tiếp ông đến thăm Trung tâm giao dịch chứng khoán TP. HCM. Sau đó, 1 tuần, tôi nhận được một tấm hình có chữ ký tặng của Tổng thống Bush do văn phòng Tổng thống Mỹ gửi tặng. Đó là một kỷ niệm nhớ mãi về ông Bush, cựu Tổng thống Mỹ, một người rất cởi mở, dễ gần”.
Cách ứng xử của Tổng thống Mỹ trong không gian làm việc tại HOSE hôm đó nói lên sự coi trọng của vị nguyên thủ một cường quốc với doanh nghiệp niêm yết, có thể coi là bộ mặt của nền kinh tế. Sự kiện Thủ tướng Anh David Cameron chọn Tòa nhà Exchange Tower trụ sở của HOSE tại TP. HCM để tổ chức các hoạt động kết nối đầu tư và truyền thông ngày 30/7 vừa qua một lần nữa cho thấy, các nước có nền kinh tế phát triển đánh giá cao vai trò của TTCK như thế nào. Đến thăm Sở Giao dịch chứng khoán cũng có nghĩa là ghé thăm một biểu tượng của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT HOSE chia sẻ, vào thời điểm khai trương sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM ngày 28/7/2000, sàn chỉ có 2 cổ phiếu đầu tiên là REE và SAM, nhưng có tới 50 phóng viên báo chí nước ngoài có mặt. Họ đặc biệt quan tâm đến sự kiện ra mắt TTCK, vì họ lấy làm lạ là tại sao một đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà lại mở TTCK.
“Rất nhiều câu hỏi phỏng vấn của các phóng viên có nội dung xung quanh câu chuyện này”, ông Sinh nói và cho biết thêm, khi khai trương TTCK, dư luận quốc tế nhận thấy rõ rằng, Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế thị trường.
Sự phát triển của TTCK Việt Nam sau 15 năm cũng chính là thước đo về mức độ hội nhập cũng như độ mở của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Sinh cho rằng, 15 năm qua là hành trình từ sự bỡ ngỡ ban đầu đến thấu hiểu thị trường. Sự thấu hiểu của các thành viên chính là thành công nhất của TTCK. Từ sự thấu hiểu đó mới có thể tiếp tục gây dựng thị trường tăng trưởng mạnh và bền vững. Ông Sinh kỳ vọng, đến năm 2020, thị trường có quy mô vốn hóa bằng 100% GDP.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ kỷ niệm 15 năm hoạt động của TTCK Việt Nam vừa diễn ra tại HOSE đã nhấn mạnh, chứng khoán Việt Nam phải phát triển theo cơ chế thị trường và phải trở thành một bộ phận của TTCK khu vực và một bộ phận của TTCK thế giới.
Điều đó cho thấy sự phát triển của TTCK Việt Nam cũng như thị trường tài chính nói chung trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt việc Việt Nam gia nhập TPP có vai trò đặc biệt quan trọng. Giới đầu tư nhắc nhiều đến cơ hội của các ngành sản xuất khi TPP được ký kết, nhưng TTCK mới là nơi được hưởng lợi đầu tiên từ TPP. Dòng vốn cả trong và ngoài nước sẽ đổ vào thị trường khi TPP được ký kết. Kỳ vọng này có thể không quá xa để chứng kiến một thị trường phát triển lên nấc thang mới, với giao dịch trong ngày, với hàng loạt DNNN cổ phần hóa lên niêm yết, với TTCK phái sinh vận hành…
Sau nguyên thủ của hai quốc gia là Mỹ và Anh đến TTCK Việt Nam, chắc chắn, TTCK sẽ tiếp tục đón tiếp nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác đến thăm trong thời gian tới, để chứng kiến sự đổi thay một biểu tượng của nền kinh tế trong tương lai.