Kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 6/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cùng các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cùng các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO

Lễ kỷ niệm được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Bái Đính với chủ đề “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”.

Trước khi vào nội dung chính, lễ kỉ niệm đã diễn ra các tiết mục đặc sắc biểu diễn nghệ thuật chèo, xẩm, quan họ, chầu văn, đờn ca tài tử,... nhằm tôn vinh, quảng bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam đến đại biểu trong nước và quốc tế.

Phát biểu chào mừng tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định: Các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên ở Ninh Bình là nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế, là cơ hội để Ninh Bình phát triển bền vững, mở rộng giao lưu văn hóa, kinh tế với các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu chào mừng tại Lễ kỷ niệm

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu chào mừng tại Lễ kỷ niệm

Vì vậy, việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đòi hỏi sự tập trung cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của từng người dân trực tiếp sở hữu di sản, chung sống với di sản, phát huy cùng di sản.

Với việc được chọn là nơi đăng cai tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, giúp Ninh Bình tự hào, phấn khởi và thêm cơ hội giới thiệu về vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, về con người Cố đô hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và hiếu khách. Đây cũng là cơ hội để Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung khẳng định tinh thần của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 đã và đang được thực thi hiệu quả, trở thành kim chỉ nam cho công tác bảo tồn di sản.

Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO thông qua vào ngày 16/11/1972. Đây là Công ước quốc tế duy nhất kết hợp giữa việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có ảnh hưởng sâu rộng nhất, được các quốc gia thành viên nghiên cứu áp dụng trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Để tiếp tục bảo đảm thực thi nghiêm túc những cam kết với Tổ chức UNESCO, Việt Nam tích cực nghiên cứu, cập nhật những thay đổi của Hướng dẫn thực hiện Công ước và chủ trương, chính sách mới của UNESCO theo xu hướng hội nhập quốc tế; huy động nguồn lực, tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản.

Đối với các địa phương có Di sản thế giới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu cần thể hiện vai trò, đóng góp, trách nhiệm của mình hơn nữa, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào quản lý di sản thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế, cùng cộng đồng quốc tế tôn vinh, phát huy giá trị của Công ước đặc biệt quan trọng này. Tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản để cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam-UNESCO hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi Lễ, bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO khẳng định: Lễ kỷ niệm ngày hôm nay là Lễ kỷ niệm kép, vừa xác định và gìn giữ các di sản tự nhiên và di sản văn hóa đại diện cho các di sản chung của nhân loại, vừa đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa UNESCO và Việt Nam.

Kể từ năm 1987 tới nay, chỉ 35 năm, nhưng Việt Nam đã có tới 8 di sản đã được ghi danh là Di sản Thế giới. Mỗi di sản, theo cách riêng của mình, góp phần thể hiện bề dày lịch sử, sự giàu có và đa dạng của văn hóa Việt.

Nêu lên 2 thách thức lớn nhất đặt ra hiện nay đó chính là biến đổi khí hậu và dung hòa giữa bảo tồn và phát triển, Tổng Giám đốc UNESCO cũng chia sẻ một số kinh nghiệm và những khuyến nghị để Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa công ước 1972 trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: Việt Nam là quốc gia từng đạt tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm cao nhất thế giới trong vòng 20 năm qua, nhưng Việt Nam đồng thời cũng là một quốc gia thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo rằng không hi sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển.

Nhân dịp này, Tổng Giám đốc UNESCO cũng gửi đến thông điệp: Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng thế giới không bị sụp đổ thêm. Đó là sự kết nối giữa quá khứ và tương lai. Chúng ta phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có. Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam, và như mô hình mẫu mực của Tràng An.

Cũng tại buổi Lễ, đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đại diện cộng đồng tại Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An đã phát biểu, làm rõ hơn những việc cần làm trong công tác quản lý, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản, hướng tới thành lập mạng lưới xanh kết nối các khu di sản, sinh quyển các nước khu vực Ðông-Nam Á được UNESCO công nhận nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa thiên nhiên, hướng tới sự phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế cùng các đại biểu hội nghị đã đi tham quan “Triển lãm ảnh di sản thế giới” khẳng định và tôn vinh vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, huớng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.

Tin bài liên quan