Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) (14/5/1994-14/5/2024), ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào ngày 14/5/1994.
Đây là một trong những tổ chức hội nghề nghiệp ra đời sớm nhất trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ từ hệ thống ngân hàng “một cấp” sang hệ thống ngân hàng “hai cấp”, hình thành nên cộng đồng các ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường.
“Sự ra đời của VNBA đã đánh dấu một bước phát triển mới của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam. Từ đây, các TCTD hội viên đã có tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình. Làm cầu nối giữa tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm mục tiêu: ổn định, an toàn và hiệu quả, góp phần thực thi chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Hùng nói.
Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, VNBA vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đây là sự ghi nhận động viên kịp thời, trân quý đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Hiệp hội trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển.
Được biết, sau 30 năm, với 7 nhiệm kỳ hoạt động, VNBA ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động của Hiệp hội luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong suốt thời gian qua, Hiệp hội luôn thúc đẩy việc tuân thủ, thực hiện nghiêm các chính sách, quy định và hướng dẫn của Nhà nước về ngành Ngân hàng; đóng vai trò cầu nối hiệu quả giữa các ngân hàng hội viên và các cơ quan quản lý, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm |
Hoạt động góp ý về cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực ngân hàng được Hiệp hội đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh trong những năm qua. Thông qua các hội thảo, tọa đàm, văn bản góp ý, các ý kiến góp ý/phản biện của VNBA được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đánh giá cao. Nhiều ý kiến được ghi nhận, tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung vào trong Luật, Nghị định, Thông tư…
Hiệp hội còn liên tục đổi mới trong hoạt động để thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng của mình nhất là trong việc tạo ra môi trường giao lưu, hợp tác giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động tài chính, tín dụng và đầu tư, triển khai các chương trình đào tạo, hội thảo và hợp tác nghiên cứu giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng của nhân viên ngân hàng, từ đó cải thiện hiệu suất làm việc và chất lượng dịch vụ.
Cũng theo ông Hùng, bước vào giai đoạn mới, môi trường hoạt động của ngân hàng có nhiều thuận lợi song không ít thách thức mà các TCTD phải đối diện. Để đồng hành và đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ cho các tổ chức hội viên, VNBA rất cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục các mặt còn hạn chế, tạo chuyển biến rõ rệt, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với một số Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành để tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ngân hàng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức hội viên. Tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa trong việc rà soát và cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho các tổ chức hội viên, đồng thời hỗ trợ việc triển khai và thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách, định hướng điều hành của Chính phủ và của NHNN.
Hai là, thực hiện tốt hơn vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với cơ quan quản lý nhà nước, phát huy tốt hơn nữa vai trò liên kết, vận động tổ chức hội viên, kịp thời nắm bắt và đáp ứng, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức hội viên. Tạo sự đồng thuận và tiếng nói chung, hợp tác cùng phát triển, vì lợi ích của cộng đồng trong suy nghĩ và hành động của các tổ chức hội viên.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm |
Ba là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng truyền thông để quảng bá đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động của ngành, của các tổ chức hội viên và của HHNH. Đặc biệt là các sự kiện, hội thảo, tọa đàm, talkshow do HHNH tổ chức, tăng cường sản phẩm báo chí hiện đại, đa phương tiện (e-magazine, longform, infographics, clips…) đáp ứng yêu cầu truyền thông trong thời đại 4.0.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn của HHNH, tập trung đào tạo về cơ chế, chính sách, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp lý, quản trị chuyên môn nghiệp vụ theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, năng lực thực thi các chính sách và các quy định về: Kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành trong quản trị rủi ro, an ninh mạng, phòng chống rửa tiền, chuyển đổi số…
Năm là, tiếp tục thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác với HHNH ASEAN, HHNH các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của HHNH Việt Nam.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hiện có 75 hội viên (63 hội viên chính thức, 10 hội viên liên kết, 2 hội viên danh dự) trong đó bao gồm 42 ngân hàng, 2 định chế tài chính khác (Bảo hiểm tiền gửi, Công ty quản lý tài sản VAMC), 14 công ty tài chính, 15 tổ chức trung gian thanh toán và Fintech, 2 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và đào tạo. Quy mô và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội viên cũng ngày càng tăng lên, chiếm thị phần chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng, quản lý khối tài sản rất lớn, với tổng tài sản đến nay chiếm gần 95% toàn ngành (trên 13,6 triệu tỷ đồng), vốn điều lệ chiếm 90% toàn ngành (715 nghìn tỷ đồng).