Wavemaker Partners (quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở chính tại Mỹ và Singapore) đã rót vốn vào 5 start-up, gồm Foodmap, DatBike, Vigo Retail, MindX và Medici.

Wavemaker Partners (quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở chính tại Mỹ và Singapore) đã rót vốn vào 5 start-up, gồm Foodmap, DatBike, Vigo Retail, MindX và Medici.

“Kỷ nguyên vàng” của các start-up Việt

0:00 / 0:00
0:00
Với tiềm năng phát triển cùng khả năng bắt nhịp làn sóng công nghệ, các start-up Việt đang trở thành tâm điểm chú ý của các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước.

Thị trường hấp dẫn

Trong cuộc phỏng vấn nhanh với Bloomberg Asia vào đầu năm nay, ông Bình Trần, đồng sáng lập, kiêm đại diện Quỹ Ascend Vietnam Ventures cho rằng, “kỷ nguyên vàng” của các start-up Việt đã đến.

Theo quỹ này, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam mới chỉ khoảng 5 năm tuổi, nhưng thị trường đã tăng trưởng mạnh khi nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ, nguồn nhân lực từ nước ngoài cùng yếu tố kinh tế tăng trưởng ổn định…

Với hệ sinh thái công nghệ dễ tiếp cận, giúp các start-up trưởng thành nhanh, chi phí sinh hoạt thấp, môi trường an toàn và ổn định, đội ngũ kỹ sư phần mềm tài năng với mức lương phải chăng so với các nước trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là “nơi thử nghiệm” lý tưởng cho các công ty công nghệ nhắm đến thị trường châu Á mới nổi.

Ông Bình Trần cho biết, một số quỹ đầu tư hàng đầu nước ngoài như Andreessen Horowitz (a16z), Goodwater, Altos… đang rất quan tâm đến các cơ hội tại Việt Nam.

Cơ hội lớn đang nằm trong các start-up ứng dụng công nghệ mới, như trò chơi ứng dụng blockchain, DeFi (ứng dụng tài chính xây dựng bằng blockchain) và tiền điện tử. Theo một báo cáo của Chainalysis, Việt Nam đứng đầu danh sách 154 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ chấp nhận tiền điện tử và đứng số 2 về DeFi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành Sequoia Capital và Surge đánh giá, Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một trung tâm quan trọng cho các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á.

Các công ty khởi nghiệp mà họ quan sát đã cho thấy sự trưởng thành hơn, tạo đòn bẩy cho nền kinh tế số của Việt Nam - được kỳ vọng đạt giá trị khoảng 57 tỷ USD vào năm 2025 và đứng thứ hai ở Đông Nam Á vào năm 2030 với giá trị khoảng 220 tỷ USD.

“Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo lớn ở khu vực và rất mong muốn gặp gỡ những người sáng lập tại địa phương”, ông Rajan Anandan chia sẻ.

Trong khi đó, bà Trần Hoài Phương, Quản lý đầu tư tại Việt Nam của Wavemaker Partners (quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở chính tại Mỹ và Singapore) cho rằng, ở Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về mức độ hấp dẫn trong mắt các quỹ đầu tư mạo hiểm về tiềm năng xuất hiện của các “kỳ lân” (start-up có định giá trên 1 tỷ USD).

Quỹ nội bắt tay quỹ ngoại

Tại Việt Nam, Wavemaker Partners đã rót vốn vào 5 start-up, gồm Foodmap, DatBike, Vigo Retail, MindX và Medici. Bà Hoài Phương tiết lộ, trong năm nay, Quỹ sẽ đầu tư vào 3 đến 4 công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.

Không đứng ngoài “cuộc chơi”, Sequoia Capital và Surge cũng đã “nhanh chân” tìm kiếm cơ hội hợp tác, rót vốn vào hàng loạt công ty khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như Rino, Trusting Social, Solscan, Galaxy Fight Club, Telio, Infina, Thuocsi, HelloMida, Virtual Internships và Epsilo.

Chia sẻ về “cuộc đua” giữa các quỹ nội và quỹ ngoại trong “săn tìm” start-up để rót vốn, ông Bùi Thành Đô, Giám đốc điều hành ThinkZone nêu quan điểm, ThinkZone không phải đối thủ cạnh tranh, mà là mảnh ghép để cùng các quỹ ngoại đầu tư cho start-up tại Việt Nam.

“ThinkZone sẽ là người bạn mà các quỹ ngoại rất muốn cùng đầu tư trong các thương vụ”, ông Đô nói.

Theo ông Đô, các quỹ ngoại có thế mạnh về quy mô vốn và kinh nghiệm phát triển, kinh doanh ở thị trường quốc tế, nhưng có điểm hạn chế là nguồn lực tại thị trường nội địa và đây lại là lợi thế của các quỹ đầu tư nội. Được thành lập bởi các doanh nhân tại thị trường Việt Nam, nên các quỹ nội có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường, cùng mạng lưới đối tác và nguồn lực lớn trong giới kinh doanh, nên có thể hỗ trợ thực để các start-up phát triển tại thị trường nội địa.

Ngoài ra, ở trong nước, ngày càng có nhiều doanh nhân đi trước thành công quan tâm đầu tư cho thế hệ trẻ, nên lượng vốn của nhà đầu tư nội dành cho cộng đồng khởi nghiệp đang tăng lên, thậm chí có những khoản đầu tư không thua kém về quy mô so với quỹ ngoại.

Tin bài liên quan