Kỷ nguyên của phát triển bền vững

Kỷ nguyên của phát triển bền vững

(ĐTCK) Từ đường lớn phải vượt qua 2 con dốc ngoằn nghèo mới có thể đến được nhà Tả Seo Phù ở xã Tả Phìn (Sa Pa). Bên hông nhà, cánh đồng ngô xơ xác vài năm trước đang được phủ màu xanh mát mắt của cây atiso. Trong căn nhà trống huyếch trống hoác ngày nào, nay đã có thêm tivi, xe máy.

3 năm trước, quá đói nghèo, con cái phải bỏ học vì không có tiền, vợ chồng Tả Seo Phù quyết định tham gia dự án trồng cây dược liệu sạch do Công ty cổ phần Traphaco phối hợp với huyện Sa Pa triển khai. Trên diện tích 2.000 m2, vợ chồng anh được cán bộ kỹ thuật của Công ty và cán bộ khuyến nông của huyện hướng dẫn làm đất, tạo luống, được cấp giống, cấp phân bón và theo sát việc chăm sóc cây. Đây là loại dược liệu quý, có thể chiết xuất được tinh chất để chế tạo thuốc điều trị gan…

Thổ nhưỡng, khí hậu Sa Pa phù hợp với atiso, nhưng để có được dược liệu đúng phẩm cách, người trồng không thể lơ là. Vườn quá ướt, không thoát nước tốt, cây dễ chết úng, cỏ mọc nhiều không làm sạch kịp thời sẽ “ăn” bớt chất lên cây, thu hoạch quá vài ngày, tinh chất bay đi tỷ lệ lớn… Hiện tại, không chỉ có gia đình Tả Seo Phù, rất nhiều gia đình khác nhờ trồng dược liệu đã có lợi nhuận từ 8,6 triệu đồng/hecta/tháng đến 16,6 triệu đồng/hecta/tháng.

Một nhà không làm xuể, họ tập hợp anh em họ hàng chung nhau thuê đất cùng làm ăn. Tình anh em, làng xóm nhờ thế mà thêm bền chặt. Không chỉ có Traphaco, nhiều doanh nghiệp dược khác như Dược phẩm Nam Hà, OPC… cũng đã hợp tác với các địa phương để mở rộng vùng trồng dược liệu. Đây là những mô hình phát triển bền vững điển hình tại các vùng quê Việt Nam, có sự phối kết hợp của 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước.

Việc nhân rộng các nhân tố, điển hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu đang cần sự tham gia, góp sức của nhiều doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, giảm nghèo là bảo đảm cho con em người nghèo, nhất là ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được học hành, được dạy nghề. Các địa phương phải đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho người dân. Nhưng phát triển phải bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế.

Yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra là một thách thức, đòi hỏi nhiều lãnh đạo địa phương phải dồn tâm lực để xử lý, đặt lên bàn cân và lựa chọn. Trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ngậm ngùi chia sẻ, nhìn thấy các địa phương có nhiều nhà đầu tư ùn ùn kéo đến, lãnh đạo các tỉnh khác sẽ không tránh khỏi cảm giác sốt ruột. Bởi đi cùng với nhà đầu tư là công ăn việc làm cho con em trong địa phương, là tiền nộp ngân sách để mở mang hạ tầng, cải thiện chi tiêu cho văn hóa, xã hội…

Ngẫm lại tâm tư của vị chủ tịch tỉnh, không phải không có lý. Bởi vậy, trong kỷ nguyên phát triển bền vững được đề cao như hiện nay, vấn đề môi trường trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nếu chính quyền các địa phương không tỉnh táo, rất dễ gật đầu cho các nhà đầu tư mang theo “công nghệ bẩn”.

Dễ thấy, một thế giới tươi sáng và không ai bị bỏ lại phía sau đang là mục tiêu hướng đến của các nhà lãnh đạo. Nhưng nếu không có nỗ lực lớn, không trở thành vấn đề được quan tâm chung của tất cả các nhà lãnh đạo, cả doanh nghiệp và chính quyền, sẽ khó có chuyển biến.

Do đó, mới đây, tại Hội nghị cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, tăng trưởng bao trùm đã được các nhà lãnh đạo APEC tập trung thảo luận, nhằm trao đổi những giải pháp, chính sách để mọi thành phần trong nền kinh tế đều có được cơ hội phát triển và hưởng các lợi ích, bao gồm cả các lợi ích về mặt kinh tế, một cách công bằng.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế bao trùm không phải là một vấn đề hoàn toàn mới, nó đã xuất hiện những năm gần đây trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển nhanh, kèm theo các thách thức lớn do sự chênh lệch giàu nghèo đang nới rộng hơn bao giờ hết. Sự cách biệt giàu nghèo quá lớn được nêu bật qua những số liệu trong báo cáo do tổ chức Oxfam International công bố.

Chẳng hạn, tài sản của 8 doanh nhân giàu nhất thế giới đang tương đương với tài sản của 3,6 tỷ người sinh sống ở những nước nghèo. Tại Trung Quốc, 1% người giàu nhất nước sở hữu tới 1/3 tài sản quốc gia.

Tại Việt Nam, dù đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế nổi bật với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6,51% trong giai đoạn 1986 - 2014, thu nhập người dân đã tăng hơn 20 lần, từ mức dưới 100 USD những năm 1990 lên mức hơn 2.000 USD năm 2015 và trở thành một nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, đi liền với sự phát triển kinh tế nhanh chóng đó là khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng trong xã hội.

Theo các chuyên gia, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo có nhiều nguyên nhân, như mô hình kinh tế đang chuyển lợi ích của công nhân, nông dân, ngư dân và người sản xuất nhỏ sang cho các thế lực cao hơn, tạo điều kiện tiếp cận đất đai và những nguồn lực sản xuất khác cho một vài nhóm cá nhân và doanh nghiệp. Mô hình kinh tế hiện nay đang tiếp tục làm giàu cho một vài cá nhân thâu tóm những nguồn lực này.

Ngoài ra, nền tài khóa không công bằng mà ở đó những tập đoàn lớn và cá nhân giàu có không đóng đúng và đủ nghĩa vụ thuế, đang làm ảnh hưởng đến đầu tư công cho các dịch vụ thiết yếu.

Tăng trưởng sẽ thiếu bền vững và không thể đạt ngưỡng tối đa nếu không bảo đảm tính bao trùm. Đó không phải là câu chuyện ở tầm vĩ mô mà còn là vấn đề sát sườn của các doanh nghiệp.

Tin bài liên quan