Do kinh tế suy yếu và dân số già đi, các loại trang sức kim cương không còn được ưu chuộng như trước tại Nhật

Do kinh tế suy yếu và dân số già đi, các loại trang sức kim cương không còn được ưu chuộng như trước tại Nhật

Kỷ nguyên “chuộng” kim cương tại Nhật Bản đã chấm dứt

(ĐTCK) Không thể phủ nhận, kim cương là một tài sản trú ẩn an toàn mà ai cũng muốn có, song tại Nhật Bản, nhiều người sở hữu kim cương đang tìm cách bán đi loại trang sức này với mức độ kỷ lục sang thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.

Mốt chuộng các loại nhẫn và hoa tai nạm kim cương tại Nhật Bản, vốn là một phần của xu hướng thời trang sang trọng những năm 1980 và 1990 của thế kỷ trước, đã nhạt dần khi nền kinh tế suy giảm, cũng như dân số già đi. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu kim cương đã qua sử dụng của “đất nước Mặt Trời mọc” đã tăng tới 77% trong năm nay, dù Nhật Bản từng là quốc gia mua kim cương lớn thứ hai thế giới trong thập kỷ qua.

Mitsuko, một bà nội trợ Nhật Bản 64 tuổi cho biết, bà muốn dành tiền đi du lịch và ăn tối hơn là giữ kim cương trong tủ. Kết quả là, bà đã quyết định bán chiếc nhẫn kim cương 2 carat của mình tại một cửa hiệu nữ trang ở Tokyo. Bà từ chối cho biết đã nhận được bao nhiêu tiền, mà chỉ khẳng định con số đó ít hơn nhiều số tiền bỏ ra để mua 30 năm trước.

Theo số liệu thống kê năm 2013 của Cơ quan Thống kê Nhật Bản, khoảng 25% dân số nước này trên 65 tuổi, tăng so với mức 12% của năm 1990. Với một số người như bà Mitsuko, việc bán kim cương để lấy tiền mặt cũng như từ bỏ những thứ không cần thiết là để tiến tới một cuộc sống đơn giản hơn.

Trong bối cảnh dân số Nhật Bản dần già đi và số người về hưu tăng lên, quốc gia này đang chứng kiến việc thị trường hàng hóa “second-hand” (hàng đã qua sử dụng) phát triển, khi người dân đổ xô bán trang sức mà họ tích trữ trong suốt giai đoạn “hoàng kim”. Việc bán kim cương để lấy tiền mặt (đồng yen) cũng trở nên phổ biến khi Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe khuyến khích người dân tích cực mua sắm nhiều hơn thay vì chỉ tiết kiệm, nhằm kích thích nền kinh tế phục hồi.

Thị trường hàng hóa đã qua sử dụng tại Nhật Bản đã tăng trưởng với tốc độ 10%/năm kể từ năm 2009, chạm mốc 1.500 tỷ yen (12,1 tỷ USD). Số người được cấp phép giao dịch hàng hóa “second-hand” như kim loại quý, nữ trang, quần áo… cũng tăng 23% trong vòng 10 năm qua, lên 741.045 người.

Đồng yen yếu hơn cũng là một tác nhân khiến kim cương trở nên “hấp dẫn” hơn với du khách nước ngoài tới thăm Nhật Bản, theo đánh giá của Naoto Owaki, quản lý cấp cao về thị trường và kinh doanh tại Komehyo. Đồng yen đã giảm giá tới 18% so với đồng USD trong vòng 12 tháng qua, mức giảm mạnh nhất so với 12 đồng tiền khác tại châu Á.

Thống kê cho thấy, xuất khẩu kim cương của Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm 2015 tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 38.032 carat, mức cao nhất kể từ năm 2007, đồng thời giá trị giao dịch cũng tăng hơn gấp đôi lên 3,01 tỷ yen. Ấn Độ và Đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc), chính là hai khách hàng mua kim cương Nhật Bản nhiều nhất về khối lượng, khi cả hai chiếm tới 2/3 trong tổng số.

Một nhà giao dịch kim cương Nhật Bản đến từ Ấn Độ cho biết, họ có thể mua kim cương đã qua sử dụng tại Nhật Bản với giá rẻ hơn 15% so với kim cương mới có chất lượng tương tự tại Ấn Độ. “Một khi kim cương Nhật Bản được đánh bóng lại, bạn sẽ chẳng thể phân biệt được hàng mới hay hàng cũ”, nhà giao dịch này cho biết.

Trung Quốc hiện là thị trường kim cương tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới năm 2014 sau Mỹ. Nhật Bản, từng là nhà mua kim cương lớn thứ hai thế giới trước khủng hoảng tài chính năm 2008, và nay xếp thứ tư sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhu cầu kim cương tại Trung Quốc chủ yếu là từ tầng lớp trung lưu đang nổi. Nhà phân tích Paul Gait tại Sanford C. Bernstein cho rằng “Thị trường kim cương Trung Quốc có nhiều tiềm năng trở thành động lực giúp tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ kim cương nói chung”.

Tin bài liên quan