Tuyển mới dè dặt
Trò chuyện với người viết, chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết chia sẻ, từ cuối năm 2022 đến nay, tập đoàn của ông nhận được nhiều hồ sơ tham gia ứng tuyển, trong đó có những hồ sơ đạt “điểm 10” về trình độ, kinh nghiệm, dù vậy, do hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2023 tạm thời duy trì như hiện tại nên không dám mời nhân sự đó về, vì không thể sắp xếp cho họ vị trí công việc phù hợp.
Ông bảo tiếc hùi hụi khi có những ứng viên thông thạo ba ngoại ngữ, có hàng chục năm làm việc ở những tập đoàn lớn.
Chuyên gia nhân sự tại một công ty tư vấn cho hay, thời gian gần đây, cô nhận được nhiều câu hỏi tham vấn về việc có nên chuyển việc hay không, có rất nhiều người muốn “nhảy việc” trước Tết do doanh nghiệp họ đang thực sự khó khăn, không nhìn thấy tương lai. Dù vậy, cô đều khuyên họ nếu cố gắng được thì nên giữ nguyên chỗ làm cũ vì bối cảnh chung của thị trường việc làm năm 2023 khó khả quan để thay đổi.
Một cậu em vốn là nhân viên bán hàng kỳ cựu của tập đoàn bất động sản lớn có trụ sở tại phía Nam cho hay, ba tháng qua, cậu không nhận được đồng lương nào, thưởng Tết cũng không có vì doanh nghiệp không có thanh khoản, “nhưng hàng ngày vẫn phải đóng bộ comple lên văn phòng tiếp khách”.
Khách ở đây chủ yếu là các trái chủ của công ty đồng ý hoán đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản. Cậu cố gắng cầm cự với kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn vào cuối năm 2023 và khi ấy sẽ có hoa hồng môi giới từ những khách hàng cậu chăm sóc lúc khó khăn.
“Bạn bè em ở các công ty khác phải là nhân viên kỳ cựu mới được giữ lại, vậy mà họ cũng nghỉ Tết từ đầu tháng 11 Âm lịch. Giờ công ty thông báo khi nào có việc mới gọi đi làm lại, còn không cứ nghỉ ở nhà. Người có tiền tiết kiệm còn đỡ, chứ người không có thì đành phải kiếm việc khác để làm, kể cả chạy xe công nghệ”, cậu kể.
Không còn bị ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách xã hội, nhưng khó khăn từ thị trường đang khiến nhiều nhân viên doanh nghiệp bất động sản nghỉ Tết sớm và chưa biết ngày nào trở lại làm việc.
Nếu như những năm trước, sau Tết, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là tại khu vực phía Nam thường "khóc dở mếu dở" thì thiếu công nhân, do nhiều người bỏ việc, không trở lại thành phố, hoặc chậm trở lại thì những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023 dường như đang chứng kiến diễn biến ngược lại.
Bà Hoàng Thị Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG cho biết, trước đây, Công ty ít khi nhận được đề nghị tuyển dụng qua ứng dụng công nghệ (app) nhưng hiện rất nhiều công nhân gửi hồ sơ xin ứng tuyển qua kênh này.
Nhiều người trong số họ làm việc cho các doanh nghiệp FDI lớn tại địa phương song gần đây, do đơn hàng giảm, các doanh nghiệp này cắt giảm công suất khiến thu nhập của công nhân giảm một nửa so với trước kia, thậm chí nhiều người mất việc nên số hồ sơ xin việc tăng mạnh.
Những ngành tuyển dụng nóng, lương cao một, hai năm trước như vận tải container cũng đang có xu hướng cắt giảm nhân sự mạnh mẽ. Lý do là ngành này đã kết thúc chu kỳ tăng trưởng và bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Thực tế, sự bùng nổ của thị trường vận tải container đã kết thúc trong năm 2022 do tắc nghẽn chuỗi cung ứng dần được giải tỏa khi dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu được kiểm soát, các nước mở cửa trở lại các hoạt động giao thương, kinh tế.
Chưa kể, chiến tranh Nga - Ukraine đã gây ra một cú sốc về nguồn cung, đẩy giá năng lượng và giá hàng hóa lên cao, sức mua chịu ảnh hưởng nặng nề do lạm phát tăng cao tại các nước nhập khẩu, nhu cầu vận tải giảm đáng kể vào cuối năm. Thị trường trong nước cũng giảm theo thị trường quốc tế.
Chọn an toàn
Một khảo sát của Navigos, công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao cho thấy, tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang có nhiều ảnh hưởng đến người lao động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển như hiện tại.
Những ngành tuyển dụng nóng, lương cao một, hai năm trước như vận tải container cũng đang có xu hướng cắt giảm nhân sự mạnh mẽ.
Đa số người tham gia khảo sát lựa chọn môi trường làm việc, lương và văn hóa doanh nghiệp là ba yếu tố hàng đầu giữ chân người lao động làm việc ở công ty, với tỷ lệ lần lượt là 11,21%, 10,55% và 9,56%. Sự ổn định của hoạt động kinh doanh xếp vị trí thứ 4, với tỷ lệ 8,05%. Cơ chế làm việc linh hoạt chiếm 7,27%.
Có thể thấy, người lao động ngày nay quan tâm rất nhiều đến những yếu tố về môi trường và văn hóa doanh nghiệp. Những yếu tố vật chất khác như lương, thưởng... không đóng vai trò tiên quyết ảnh hưởng đến quyết định gắn bó của một nhân viên với công ty hiện tại.
Ngoài ra, còn có những yếu tố khác như danh tiếng của công ty, quản lý trực tiếp, sự thăng tiến trong công việc, sự minh bạch của doanh nghiệp, bảo hiểm y tế cá nhân cũng là những lý do mà người lao động gắn bó với công ty họ đang làm việc. Người lao động có xu hướng thay đổi, bắt đầu quan tâm hơn đến các yếu tố về tinh thần và kỳ vọng vào một sự nghiệp hạnh phúc.
Bên cạnh các kỳ vọng về lương, thưởng và phúc lợi, người lao động cũng đặt thêm nhiều kỳ vọng khác vào doanh nghiệp. Điển hình như việc họ “mong đợi sự an toàn từ doanh nghiệp, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các yếu tố/rủi ro bất ngờ xảy ra” và “kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp thay đổi, với môi trường cởi mở và thẳng thắn chia sẻ thông tin”.
Với kết quả khảo sát trên, có thể thấy, sự an toàn và ổn định nghề nghiệp cũng là một trong những kỳ vọng của người lao động dành cho các doanh nghiệp trong năm 2023. Người lao động ngày nay đang dần thay đổi theo xu thế làm việc mới - khi họ có thể cân bằng công việc - cuộc sống.
Theo khảo sát, phần đông người lao động có kỳ vọng cao về môi trường làm việc, chiếm tỷ lệ 60,2%. Người lao động mong muốn doanh nghiệp có sự cải tiến, thay đổi về không gian làm việc, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng và phát triển công nghệ.
Người lao động mong đợi sự lắng nghe, quan tâm từ phía doanh nghiệp và ban lãnh đạo, cùng với sự cải tiến và xây dựng văn hóa nội bộ rõ ràng, gần gũi. Họ cũng mong muốn giảm giờ làm việc hàng tuần để tái tạo sức lao động. Ngoài ra, phần đông cũng kỳ vọng có chế độ làm việc linh hoạt và chính sách “nghỉ làm ngày thứ Bảy”.
Nếu như ở các thời điểm thị trường và kinh tế thuận lợi, lao động dễ dàng nhảy việc thì nay, thời gian gắn bó lâu dài với một công việc của người lao động được xem là lựa chọn phổ biến.
Gần một nửa số lượng người lao động tham gia khảo sát của Navigos (chiếm tỷ lệ 44,28%) chưa có ý định thay đổi công việc mới, trừ khi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn. Lựa chọn “càng lâu càng tốt” đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ là 16,25%. Đặc biệt, lựa chọn gắn bó với công việc từ 1 - 2 năm đứng cuối danh sách với tỷ lệ là 6,75%.
Lý giải điều này, chuyên gia Navigos nhận xét, tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang có nhiều ảnh hưởng đến người lao động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển khó lường như hiện tại.