Gần 3h sáng, chuông điện thoại reo lên ở Sanaa, thủ đô Yemen. Ít giờ trước đó, ông Rex Tillerson, lúc bấy giờ còn là một giám đốc trẻ đầy triển vọng của Exxon Mobil phụ trách dự án ở Yemen, vừa kết thúc ba ngày đàm phán đầy căng thẳng về một thỏa thuận hợp tác năng lượng với chính phủ Yemen, về cơ bản có khả năng tạo ra bước chuyển đổi mạnh mẽ trên đất nước này trong nhiều năm tới. Mệt mỏi sau nhiều ngày dài, ông đi ngủ lúc nửa đêm, hy vọng có chuyến bay thoải mái trở về Texas, Mỹ, vào 6h ngày hôm sau.
Tuy nhiên, Tillerson lại bị dựng dậy bởi cuộc gọi từ văn phòng Thủ tướng Yemen, yêu cầu ông đến gặp ngay lập tức. Chưa đầy nửa tiếng, Tillerson đã có mặt. Chính phủ Yemen muốn bổ sung những điều khoản mới cho thỏa thuận hợp tác năng lượng và dường như sẵn sàng cứng rắn để đạt được những gì họ mong muốn.
Song Tillerson kiên quyết giữ vững lập trường, khiến chính phủ Yemen ít nhiều phải xuống nước, Politico dẫn lời một nguồn tin tham gia cuộc đàm phán cho biết. "Thủ tướng Yemen muốn thảo luận lại thỏa thuận và về cơ bản, Tillerson không chấp nhận", nguồn tin nói.
"Đấy là một thử thách quan trọng đối với Tillerson và có thể xem như một bài kiểm tra sơ lược về các kỹ năng ngoại giao mà ông sẽ rèn giũa trong những năm sắp tới. Tillerson hoàn toàn có thể nói không và thể hiện thái độ theo cách ít gây khó chịu và tránh gây ra những xung đột không cần thiết", một người bạn của Tillerson nhận xét.
Câu chuyện trên, xảy ra vào đầu thập niên 1990, góp phần giải thích tại sao tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại chọn Tillerson làm ngoại trưởng. Theo đánh giá từ bạn bè Tillerson, ông là một người Texas gai góc, khéo léo, giống một bậc thầy về đàm phán.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cảm thấy khó hiểu với việc Trump chọn lựa Tillerson làm ngoại trưởng bởi ông không đưa ra bất kỳ luận thuyết lớn nào về các vấn đề quốc tế. Ngoài ra, những bình luận ít ỏi ông đưa ra liên quan đến chính sách đối ngoại Mỹ cũng chỉ tập trung vào vấn đề năng lượng, lĩnh vực ông am hiểu nhất.
Những người chỉ trích lại bày tỏ lo ngại trước quan hệ nồng ấm giữa Tillerson với Nga, việc ông thiếu kinh nghiệm làm việc cho chính phủ, cũng như những hệ quả tiềm tàng khi đưa một lãnh đạo công ty dầu khí làm gương mặt đại diện cho Mỹ trước thế giới.
Song quá trình làm việc của Tillerson ở Exxon Mobil cùng những đánh giá từ bạn bè ông cho thấy ông là một người thực dụng, rất phù hợp với xu thế chủ đạo trong chính sách ngoại giao Mỹ. Người ủng hộ Tillerson cho rằng ông có thể bù đắp những lỗ hổng kiến thức đào tạo ngoại giao truyền thống bằng vốn liếng nhiều năm đàm phán quyết liệt với các chính phủ nước ngoài.
Cương nhu đúng lúc
Từ lúc lên nắm ghế giám đốc điều hành Exxon Mobil vào năm 2006 và trước đó khi còn là người đứng đầu phân bộ quốc tế Exxon Mobil, Tillerson đã điều hành các hoạt động của tập đoàn tại gần 200 nước và có cơ hội tiếp xúc với một loạt lãnh đạo thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Tổng thống Cộng hòa Chad Idriss Deby hay Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh...
Theo bạn bè và những người ủng hộ Tillerson, kinh nghiệm đó giúp ông có bản lĩnh để đối đầu với những lãnh đạo cứng rắn trên thế giới.
"Có một số quốc gia không mấy dễ chịu đối với Mỹ. Tôi nghĩ không người nào đủ khả năng thay mặt Mỹ quản lý các mối quan hệ với những nước này tốt hơn Tillerson", Ray L. Hunt, chủ tịch công ty dầu khí Hunt Consolidated, một người bạn lâu năm, đồng thời là đối tác của Tillerson, nhận định.
Những người quen biết mô tả Tillerson như một nhà đàm phán quyết liệt nhưng lịch sự, một kiểu chuyên gia thương lượng khéo léo mà Trump thấy giống mình. "Ông ấy quyết liệt" nhưng không giống Raymond (người tiền nhiệm của Tillerson ở Exxon Mobil) bởi Raymond "quyết liệt đến mức tàn nhẫn", một nhà ngoại giao phương Tây từng làm việc với Tillerson bình luận.
Ngoài Yemen, Tillerson cũng nhiều năm điều hành hoạt động của Exxon Mobil ở Nga.
Cây bút Blake Hounshell từ Politico cho rằng những năm tháng này đã vun đắp vốn hiểu biết của ông về cách hoạt động trong những môi trường khó khăn ở nước ngoài, biết khi nào cương và khi nào nhu trong đàm phán.
"Những nhiệm vụ ban đầu mà tôi được giao phó ở nước ngoài và những thứ tôi học hỏi từ đó đã phục vụ rất hiệu quả cho công việc của tôi", Tillerson nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2007.
"Quan sát quá trình Tillerson đàm phán tại các nước này vô cùng ấn tượng vì ông ấy có thể cứng chắc như đinh. Rồi sau đấy, khi đi trên máy bay, ông ấy có thể tiến lại gần và ngồi xuống cạnh người mà ông vừa tranh cãi quyết liệt và nói chuyện phiếm như thể họ là những người bạn lâu năm", một người bạn nhận xét về Tillerson.
Mối quan hệ với Putin
Rex Tillerson (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Mối quan hệ được cho là gần gũi giữa Tillerson với Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện bị các thành viên đảng Dân chủ lẫn một số thành viên phái diều hâu trong đảng Cộng hòa chỉ trích, báo hiệu một cuộc tranh cãi gay gắt sẽ diễn ra tại cuộc điều trần phê chuẩn chức vụ cho ông tại thượng viện.
Trong một cuộc nói chuyện với các sinh viên Đại học Texas hồi tháng hai, Tillerson bày tỏ tự hào về mối quan hệ với Tổng thống Nga Putin nhưng cũng nói thêm rằng ông "không đồng ý" với tất cả những gì ông Putin đang làm.
"Tôi không đồng tình với tất cả những gì mà nhiều lãnh đạo thế giới đang làm. Tuy nhiên, ông ấy hiểu tôi là một doanh nhân", Tillerson nói.
Tillerson đã đàm phán trực tiếp với Putin về dự án dầu khí đầy rủi ro Sakhalin-I ở vùng Viễn Đông băng giá của nước Nga. Trong khi chuẩn bị vòng đàm phán cuối cùng với Putin, Tillerson đã tiến hành tập dượt với một đồng nghiệp đóng giả vai Tổng thống Nga.
Trong cuốn sách có tựa đề "Đế chế tư nhân: Exxon Mobil và quyền lực Mỹ" (Private Empire: ExxonMobil and American Power), nhà báo Steve Coll dẫn lời một lãnh đạo Exxon Mobil kể ông chủ Điện Kremlin đã bất ngờ nổi cáu khi Tillerson đề nghị triển khai thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí ở dự án Sakhalin-I dựa theo luật Nga, chứ không nên dựa trên sắc lệnh hành pháp tổng thống.
Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, người biết rõ về Tillerson, bác bỏ ý kiến cho rằng ông ứng xử quá thân mật với Putin. "Họ chắc chắn không phải những người bạn thân thiết", người này cho hay.
"Ông ấy là người không khoan nhượng và cực kỳ dứt khoát. Tôi kỳ vọng ông ấy sẽ sửa đổi một số chính sách biến Nga trở thành đối thủ của Mỹ", Dmitri Trenin, một nhà phân tích người Nga tại văn phòng đại diện tại Moscow của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói.
Bạn bè Tillerson cũng phản đối ý kiến cho rằng ông sẽ không thể thúc đẩy các giá trị Mỹ ở nước ngoài. Theo họ, việc ông dành cả cuộc đời tận tâm phục vụ Hội Nam hướng đạo Mỹ là bằng chứng cho thấy ông theo đuổi những giá trị cốt lõi có tính nguyên tắc.
"Ý thức về bổn phận, lòng trung thành, sự thành tâm... Ông ấy ủng hộ tất cả các giá trị đó. Những điều trên có ý nghĩa đối với ông có lẽ hơn bất kỳ điều gì khác", một người bạn của Tillerson nhận xét.
"Ông ấy không phải người thiên về tư tưởng suông", John Hamre, học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), trụ sở ở Washington, đánh giá.
Hamre đã dành hơn 100 giờ để thảo luận chính sách đối ngoại với Tillerson trong suốt 11 năm qua. "Tillerson là kỹ sư nên ông ấy đem sự chính xác của nghề nghiệp vào trong cách suy nghĩ về các khía cạnh một vấn đề", Hamre nhận xét.