Sầu riêng là trái cây xuất khẩu giá trị, đóng góp lớn vào con số 3,5 tỷ USD xuất khẩu toàn ngành rau quả nửa đầu năm 2024.
Chỉ tính riêng 15 ngày đầu tháng 6/2024, xuất khẩu rau quả đạt 388 triệu USD. Với mức thực hiện này, ước xuất khẩu trong tháng đạt gần 780 triệu USD, nhờ đó đưa kim ngạch xuất khẩu 6 tháng xấp xỉ 3,5 tỷ USD và là mức kỷ lục.
Trong tháng 5, xuất khẩu đạt 770 triệu USD, tăng 27,5% so với tháng 4 và tăng 17,9% so với tháng 5/2023.
Sầu riêng, thanh long, chuối, nhãn... đều là những mặt hàng trái cây đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm, bên cạnh các sản phẩm chế biến. Trong khi đó, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục thuận lợi, nhờ nhu cầu tăng tại thị trường truyền thống Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan...Trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường này nửa năm 2024 đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực
Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, ước đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch hơn chục loại quả vào thị trường Trung Quốc gồm: dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít.
Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ ký Nghị định thư mới về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chanh leo và ớt trong năm 2024, 2 nước đã thống nhất ký kết Nghị định thư dừa tươi, mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit), nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc ước đạt 150 triệu USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 123,5 triệu USD trong 5 tháng, tăng 32,4% so với cùng kỳ, ước 6 tháng đạt 150 triệu USD. Với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 2 thế giới, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, để đưa các sản phẩm vào Hoa Kỳ thì cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ theo hướng bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp để có thể tiêu thụ quanh năm; ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây.
Tử diễn biến xuất khẩu nửa đầu năm, và phân tích tình hình thị trường hiện tại, Vnfruit nhận định, còn rất nhiều dư địa để ngành này bứt phá trong các tháng tới như: mặt hàng sầu riêng vào mùa thu hoạch chính vụ tại các vùng trồng trọng điểm; khách hàng châu Á tăng đặt hàng trái cây Việt Nam, cơ hội mở ra từ các nghị định thư…
Vnfruit dự báo: "kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay có thể đạt 7-7,5 tỷ USD, nếu như có thêm được mặt hàng sầu riêng đông lạnh hoặc dừa tươi tham gia theo các thoả thuận đàm phán hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc thì có thể tăng tốt hơn".
Mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, tuy nhiên ngành hàng rau quả của Việt Nam vẫn còn những tồn tại cần khắc phục.
Bộ Công thương khuyến cáo, chất lượng hàng rau quả chưa ổn định, sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có một số lô hàng bị cảnh báo còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...; mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa bền vững; năng lực tuân thủ các yêu cầu thị trường nước ngoài của một số doanh nghiệp sản xuất chưa được cao, nhiều khi còn vi phạm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và những quy định khác.
Cuối tháng 5/2024, tại cuộc họp bàn giữa 2 Bộ, gồm: Công thương và NN&PTNT tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo và rau quả những tháng cuối năm 2024, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Vnfruit thừa nhận, chất lượng rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng, đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được (đó là liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ) khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.
Do đó, Vnfruit đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán, cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả.