Kỷ luật trong đầu tư: Nói dễ, làm khó!

Kỷ luật trong đầu tư: Nói dễ, làm khó!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có kỷ luật và tuân thủ kỷ luật, nhà đầu tư sẽ giảm dần các quyết định dựa trên cảm tính, qua đó cải thiện hiệu quả đầu tư.

1. Đầu tư chứng khoán không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính, mà còn đặt ra nhiều thách thức về tâm lý và quản trị rủi ro với người tham gia. Trên hành trình này, tính kỷ luật được xem như một nguyên tắc quan trọng, đóng vai trò định hướng, bảo vệ nhà đầu tư khỏi những quyết định thiếu sáng suốt, nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều ẩn số và rủi ro rình rập.

Nhà đầu tư tuân thủ kỷ luật, xây dựng nguyên tắc mua bán cổ phiếu thường ít bị chi phối bởi cảm xúc, mà đưa ra quyết định đầu tư dựa trên kế hoạch và cơ sở từ phân tích thị trường.

Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư FIDT, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đa phần nhà đầu tư tham gia với tâm lý ban đầu là giao dịch ngắn hạn, không hiểu về tâm lý đầu tư và không có quy tắc nhất định, nên khi thị trường có xu hướng đi xuống (downtrend), nhà đầu tư không dám đối diện và xử lý vấn đề.

Lý thuyết kỳ vọng trong tài chính hành vi chỉ ra rằng, khi khoản đầu tư sinh ra lợi nhuận, nhà đầu tư rất sợ mất đi khoản lãi đó và thường có khuynh hướng chốt lời nhanh chóng. Nhưng khi đối diện với sự mất mát và thua lỗ, nhà đầu tư lại cố gắng duy trì, không dám hành động và chấp nhận rủi ro, với kỳ vọng cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại, ít nhất phải “về bờ”.

“Điều này xuất phát từ yếu tố tâm lý, quyết định sai lầm do không có tính kỷ luật nên nắm giữ cổ phiếu quá lâu, khiến tài khoản lỗ càng lỗ”, ông Phương nói.

Nhiều nhà đầu tư khi thấy giá lên một chút đã hiện thực hóa lợi nhuận, nhưng khi giá giảm mạnh vẫn duy trì việc nắm giữ với kỳ vọng “về bờ”.

Vị chuyên gia FIDT khuyến nghị, trước khi đầu tư, nhà đầu tư phải xác định được mục tiêu và phương pháp đầu tư phù hợp. Mục tiêu đầu tư sẽ có sự khác nhau giữa từng đối tượng như mục tiêu của nhà đầu tư trẻ tuổi khác với nhà đầu tư lớn tuổi; mục tiêu của những nhà đầu tư vốn lớn (kỳ vọng vào mức sinh lời cao, khả năng chấp nhận rủi ro cao) khác nhà đầu tư có mức vốn nhỏ (khả năng chống chịu rủi ro thấp hơn)...

Nếu nhà đầu tư đã trải qua những vấp ngã nhưng chưa có mục tiêu và phương pháp cụ thể thì phải đi tìm được hai yếu tố này. Với nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa xác định được phương pháp thì nên trải nghiệm giao dịch với mức vốn vừa phải mà không gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Mục tiêu ban đầu là giao dịch thận trọng với tỷ trọng nhỏ để cảm nhận thị trường và xác định phương pháp đầu tư phù hợp.

“Xác định được mục tiêu ban đầu, chúng ta mới đưa ra phương pháp đầu tư, kiểm soát tâm lý và hành động một cách kỷ luật”, ông Phương nhấn mạnh.

2. Ở một khía cạnh khác, việc nhà đầu tư đặt nhiều hy vọng vào một cổ phiếu mà không xem xét kỹ càng sự thay đổi của điều kiện kinh tế vĩ mô hay vi mô, dẫn đến thua lỗ cũng là biểu hiện của sự thiếu kỷ luật, nhưng thể hiện dưới dạng thức “yêu cổ phiếu một cách mù quáng”.

Theo chuyên gia FIDT, yêu cổ phiếu một cách mù quáng xuất phát từ hai nguyên do chính.

Thứ nhất, nhà đầu tư chỉ tiếp nhận những thông tin tốt, mà bỏ qua những thông tin xấu. Khi cổ phiếu bắt đầu giảm giá, nhà đầu tư liên tục tìm kiếm tin tức, các báo cáo phân tích hay khuyến nghị tích cực từ những người có ảnh hưởng (KOL, KOC) và tin rằng giá trị thực cao hơn thị giá nên quyết định giữ lại.

Thứ hai, nhà đầu tư thường đầu tư theo sự am hiểu của bản thân đối với nhóm ngành, cổ phiếu đó. Ông Phương chia sẻ, trong quá trình tư vấn, ông nhận thấy đa số những người làm việc trong ngành ngân hàng và bất động sản giữ quan điểm tích cực về doanh nghiệp trong ngành, trong khi thị trường chứng khoán thường có diễn biến đi trước, dự báo nền kinh tế từ 6 - 9 tháng. Có những nhà đầu tư bị cuốn vào những cổ phiếu đem lại hiệu suất cao trong quá khứ, mà không có sự xác nhận từ thông tin hiện tại, nên vô tình “yêu” cổ phiếu và đối mặt với nguy cơ thua lỗ vì giá đảo chiều.

Khi nhà đầu tư luôn giữ tâm lý ‘yêu’ cổ phiếu, ưa thích giao dịch theo cảm xúc, mà không có kỷ luật, hành động dựa trên nguyên tắc, thì rất dễ bị kẹt hàng.

Liên quan đến kỷ luật đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nêu quan điểm, không có một công thức chính xác nào cho việc xây dựng kỷ luật đầu tư, nhưng có thể tóm lược ngắn gọn là phải đề ra kế hoạch và hành động tuân thủ kế hoạch. Làm được điều này, nhà đầu tư mới kiểm soát được tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội nên đua mua, đua bán) và FUD (sợ hãi, không chắc chắn, nghi ngờ).

Tin bài liên quan