Báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban Tài chính Ngân sách trình các đại biểu tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra cho thấy nhiều vấn đề đáng lưu ý. Đơn cử, việc quản lý và sử dụng vốn vay ODA hiệu quả chưa cao, một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay ODA gặp khó khăn về tài chính, chuyển thành nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức khá cao.
Chẳng hạn, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chuyển từ vốn vay sang vốn NSNN cấp, chuyển thành nợ Chính phủ 55,4 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) dự kiến nợ dự phòng NSNN phải ứng trả thay trong 10 năm tới 63,2 nghìn tỷ đồng...
Đặc biệt là tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của một số dự án với mức điều chỉnh lớn so với phê duyệt ban đầu. Ví dụ, Dự án Metro Hà Nội tăng từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng; Dự án Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc tăng từ 1.751 tỷ đồng lên 4.024 tỷ đồng, Dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 từ mức 11.464 tỷ đồng lên 22.259 tỷ đồng và kiến nghị tăng thêm 26.051 tỷ đồng; Dự án Nhiệt điện Ô Môn 1 điều chỉnh tăng từ 8.267 tỷ đồng lên 11.538 tỷ đồng, tăng lần 3 lên 16.988 tỷ đồng...
Không ủng hộ đề xuất của Chính phủ tăng mức trần nợ Chính phủ giai đoạn 2016-2020 so với GDP lên 5% so với ngưỡng cho phép giai đoạn 2011-2015 là 50%, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc giữ ổn định các chỉ số nợ công, ổn định an ninh tài chính quốc gia phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức để có thể duy trì được các chỉ số trong giới hạn, đặc biệt trong bối cảnh năm 2016 dư nợ sẽ vượt ngưỡng 65% nếu tính cả khoản 14.295 tỷ đồng phát hành thêm để bổ sung vốn cho các dự án trên tuyến QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Do đó, Chính phủ cần dự báo, tính toán chỉ số tăng trưởng GDP ở mức an toàn để bảo đảm chắc chắn, tránh bị động trong quá trình điều hành ngân sách, cũng như ảnh hưởng không thuận tới tình hình vay, trả nợ. Đồng thời, cần xây dựng phương án dự phòng để bảo đảm chủ động trong chỉ đạo, điều hành trong trường hợp GDP không đạt kế hoạch đề ra, bảo đảm các chỉ số an toàn nợ công không vượt quá giới hạn được Quốc hội quyết định.
Chính phủ cũng được yêu cầu cân nhắc, bổ sung một số chỉ tiêu giới hạn nợ, giám sát nợ để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong điều kiện vay, trả nợ đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như tỷ lệ nợ quá hạn của các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh trên tổng dư nợ Chính phủ bảo lãnh; tỷ lệ trả nợ lãi vay trên tổng thu NSNN,...
Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là việc sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ và dự báo nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Hiện, số liệu trả nợ từ nguồn Quỹ Tích lũy và doanh nghiệp trả nợ có xu hướng tăng nhanh, dự kiến đến năm 2020 đã ở mức 54.600 tỷ đồng.
Tại kỳ họp này, các đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về nguyên nhân, thẩm quyền quyết định, nguyên tắc, tiêu chí được sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ cho các dự án không có khả năng trả nợ và đánh giá khả năng bảo đảm an toàn trong quản lý, sử dụng Quỹ. Đồng thời, nhấn mạnh việc kiểm soát các khoản nợ tiềm ẩn phát sinh từ nợ của khu vực DNNN có nguy cơ chuyển thành nợ công. Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị quy định các khoản nợ dự phòng khi chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định...
Mức an toàn cho phép giai đoạn 2011-2015 gồm nợ công so với GDP là 65%, nợ Chính phủ so với GDP là 50%, nợ nước ngoài của quốc gia là 50%.
Ông Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế: Cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự vênh nhau, không khớp với nhau. Điều đó có nghĩa nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của một số chính quyền địa phương hoặc tổ chức thuộc nhà nước không tính vào đó. Khối nợ của doanh nghiệp nhà nước cực kỳ lớn thì trong tình hình như vậy mức nợ công không phải là dưới 65%“
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Tổng thu thuế và phí của nước ta chủ yếu đến từ ba nguồn chính: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu. Tỷ trọng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp có xu hướng giảm dần trong khi tỷ trọng thu từ thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt tăng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt ngân sách trong những năm tới tăng mạnh một khi Việt Nam phải thực hiện các cam kết về giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hoá theo yêu cầu của hội nhập thương mại quốc tế.