Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 tại Ủy ban Thường vụ Quôc hội
Theo Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội vào chiều 28/5/2020, thì năm 2018, ngân sách nhà nước phải đi vay 363.284 tỷ đồng để bù đắp bội chi và trả nợ, trong đó, trả nợ lãi 106.583,6 tỷ đồng.
Tăng thu… nhờ đất
Năm 2018, theo Báo cáo quyết toán, thu ngân sách nhà nước tăng 8,5% nhưng chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất và dầu thô. Cụ thể, trong số hơn 112.462 tỷ đồng tiền tăng thu thì đất đai đã đóng góp gần 72.865 tỷ đồng, dầu thô hơn 30.148 tỷ đồng.
Theo Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng, ngân sách tăng thu từ đất đai là nhờ các địa phương đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất và tập trung thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản. Một số địa phương có số thu tăng lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh... Còn dầu thô tăng thu nhờ giá dầu thanh toán đạt 74,6 USD/thùng, cao hơn giá dự toán 24,6 USD/thùng và khai thác thêm 700.000 tấn dầu thô.
Ngoài ra, theo ông Dũng, ngân sách tăng thu còn nhờ khoản thu khác. Cụ thể là từ số tiền xử phạt vi phạm hành chính, chủ yếu là xử phạt vi phạm giao thông; thu hồi các khoản chi sai chế độ và các khoản chi không đúng tiêu chuẩn, định mức, đối tượng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán. Khoản thu khác này giúp ngân sách nhà nước năm 2018 tăng thêm gần 15.858 tỷ đồng.
Điều đáng nói là năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, tăng cao nhất kể từ năm 2011 nhưng cả 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nhà nước) và thu từ thuế thu nhập cá nhân đều không đạt dự toán, hụt thu từ 2,6% đến 14,6% với số tuyệt đối vào khoảng 56.544 tỷ đồng.
Tại Phiên họp thứ 45, khi bàn về vấn đề này, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc chấp hành dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2018 có những tiến bộ nhất định so với năm trước, song tình hình thực hiện dự toán thu ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chưa được cải thiện và là năm thứ 2 liên tiếp không hoàn thành dự toán.
Công tác quản lý thuế có chuyển biến tích cực, song nợ đọng thuế vẫn còn ở mức cao, nợ khó thu vẫn tăng. Thất thoát trong quản lý thu ngân sách từ đất đai, khoáng sản còn tồn tại; tình trạng trốn lậu thuế, gian lận thương mại vẫn diễn ra và chưa được khắc phục triệt để.
Khoản cần phải chi thì lại giảm
Theo Báo cáo quyết toán, năm 2018, ngân sách nhà nước tiết kiệm được hơn 87.765 tỷ đồng nhờ chi thấp hơn dự toán 5,8%. Nhưng khoản tiết kiệm này lại không nằm ở chi hành chính mà lại rơi vào chi đầu tư phát triển, nhất là chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trung ương chỉ đạt 72,8% dự toán. Nguyên nhân, theo ông Dũng là do một số dự án đầu tư công triển khai chậm, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ngoài nước, nên phải hủy dự toán.
Các khoản chi quan trọng khác như chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề; y tế; khoa học, công nghệ; chi sự nghiệp kinh tế (bao gồm cả sự nghiệp bảo vệ môi trường) đều không đạt dự toán, thậm chí chi cho lĩnh vự y tế và sự nghiệp kinh tế còn thấp rất xa dự toán.
Ngược lại, năm 2018, chi quản lý hành chính tiếp tục tăng nhanh và vượt dự toán 8,6% với số tuyệt đối lên đến hơn 150.005 tỷ đồng.
Và một lần nữa điệp khúc chi tiêu được Bộ trưởng Bộ Tài chính nhắc lại trước Quốc hội mỗi lần quyết toán ngân sách nhà nước đó là: “tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán hàng chục tỷ đồng; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên phải chuyển nguồn sang năm sau thực hiện”.
Cũng tại Phiên họp thứ 45, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, kỷ luật chi ngân sách nhà nước còn chưa nghiêm, nhất là trong đầu tư phát triển. Vẫn còn tình trạng quyết định dự án không căn cứ vào nguồn vốn và tình trạng chi nhưng chưa có dự toán sai quy định của pháp luật.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ tình trạng giao chậm, không đảm bảo trật tự ưu tiên; chi sự nghiệp cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề; y tế; khoa học, công nghệ chưa đạt dự toán. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm một cách sâu sắc nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tránh lặp lại các sai phạm tương tự những năm sau.