Trong đó, thị trường không khỏi ngạc nhiên với những mức giá khởi điểm được đưa ra lên tới 51 tỷ đồng/cổ phần.
CTCP Du lịch Đồ Sơn có vốn điều lệ xấp xỉ 8 tỷ đồng, trong đó, SCIC tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từ năm 2011, hiện sở hữu 55,63% vốn điều lệ của Công ty. Doanh nghiệp có vốn nhỏ, nhưng có quyền sử dụng đất với nhiều địa điểm kinh doanh đẹp tại Đồ Sơn (TP. Hải Phòng).
Công ty có vốn điều lệ xấp xỉ 8 tỷ đồng, nhưng trong đợt đấu giá, có nhà đầu tư đã bỏ giá tới hơn 58,5 tỷ đồng/cổ phần. Đây cũng là giá đấu thành công của đợt đấu giá này và nó kéo theo nhiều hệ lụy khó tháo gỡ cho các bên.
Ngày 24/8/2015, CTCK FPTS đã tổ chức bán đấu giá cổ phần của SCIC tại CTCP Du lịch Đồ Sơn. Theo đó, tổng số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 450.490 cổ phần, nhà đầu tư mua trọn lô. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, giá khởi điểm 70.400 đồng/cổ phần.
Có 32 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, trong đó có 14 nhà đầu tư tổ chức và 18 nhà đầu tư cá nhân. Tổng khối lượng đăng ký mua là 14.415.680 cổ phần. Kết quả đấu giá rất bất ngờ khi giá đặt mua cao nhất lên đến 58.563.700.000 đồng, giá đặt mua thấp nhất là 70.400 đồng. Giá đấu thành công là 58.563.700.000 đồng, tổng giá trị cổ phần bán được là 26,382 triệu tỷ đồng.
Ngay sau phiên đấu giá, đại diện SCIC cho biết, trường hợp này, nhiều khả năng nhà đầu tư bỏ nhầm giá và họ sẽ mất 3 tỷ đồng tiền cọc. Đúng như dự đoán, nhà đầu tư bỏ giá cao nhất đã chấp nhận bỏ cọc.
Có một điểm oái oăm là không chỉ có nhà đầu tư bỏ giá 58,5 tỷ đồng, mà hai mức giá cao tiếp theo sau cũng kỳ lạ không kém: 51 tỷ đồng/cổ phần và 40,544 tỷ đồng/cổ phần. Theo quy chế bán đấu giá cổ phần của SCIC, nếu không bán được cổ phần, các phiên đấu giá tiếp theo, SCIC sẽ lấy giá khởi điểm là những mức giá cao thứ hai, thứ ba… của lần đấu giá thứ nhất. Do tính chất phức tạp và những bất ổn kéo dài tại CTCP Du lịch Đồ Sơn, dù dự đoán trước áp dụng những mức giá khởi điểm “kỳ cục” trên, sẽ không bán được cổ phần, song SCIC vẫn thực hiện đúng như quy chế đã đề ra.
Bởi vậy, thị trường mới chứng kiến những phiên đấu giá “ngược đời”. Cụ thể, phiên đấu giá lần 2 tại CTCP Du lịch Đồ Sơn được tổ chức vào đầu tháng 10 có giá khởi điểm 51 tỷ đồng/cổ phần, tổng giá trị tiền cho lô cổ phần đem ra bán theo mức giá này lên tới gần 23 triệu tỷ đồng.
Phiên đấu giá lần 2 thất bại, theo quy chế, SCIC thông báo bán thỏa thuận số cổ phần trên với giá khởi điểm 51 tỷ đồng/cổ phần. Thỏa thuận lần 2 thất bại, SCIC tổ chức bán đấu giá tiếp lần 3 với giá khởi điểm 40,544 tỷ đồng/cổ phần.
Đấu giá lần 3 thất bại, SCIC tiếp tục thông báo bán thỏa thuận cả lô với giá 40,544 tỷ đồng/cổ phần. Thỏa thuận lần 3 thất bại, SCIC tổ chức bán đấu giá lần 4 với giá khởi điểm 336.600 đồng/cổ phần vào ngày 7/12/2015.
Với quy trình như trên, không biết đến bao giờ SCIC mới thoái vốn tại CTCP Du lịch Đồ Sơn thành công và có lẽ đây sẽ là một “kỷ lục” trong các đợt bán đấu giá cổ phần. Còn giới quan sát cho rằng, với những diễn biến như trên, khó có thể có chuyện nhà đầu tư “đãng trí” bỏ nhầm giá đấu cổ phần trong phiên đấu giá đầu tiên được tổ chức hồi tháng 8.
Hiện CTCP Du lịch Đồ Sơn đang quản lý khu nhà nghỉ Bảo Đại, 2 khách sạn và 3 nhà hàng tại bãi 2 Đồ Sơn. CTCP Du lịch Đồ Sơn là một “điểm nóng” trong danh mục đầu tư của SCIC. Công ty này 3 năm không tổ chức được ĐHCĐ sau cổ phần hóa vào năm 2005 do mâu thuẫn nội bộ, nhiều kiện cáo liên quan đến đất đai… Gần đây, chính quyền, đảng bộ TP. Hải Phòng cũng như quận Đồ Sơn đã phối hợp chặt chẽ với SCIC và Đảng ủy CTCP Du lịch Đồ Sơn để giải quyết các mâu thuẫn tồn tại từ nhiều năm trước tại Công ty.
Để củng cố quản trị công ty, SCIC cũng đã chủ trì việc sửa đổi, hoàn thiện Điều lệ Công ty 3 lần và 2 lần hoàn thiện các quy chế nội bộ Công ty. Năm 2014, sau khi SCIC tham gia đối nhân tại HĐQT, Công ty đạt doanh thu 32,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5,1 tỷ đồng, cổ tức 21%. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 đã tăng 25% so với năm trước.