Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc ngày 20/5, xem xét 39 nội dung quan trọng

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc ngày 20/5, xem xét 39 nội dung quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự kiến Kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào chiều ngày 27/6. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội với 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 27/6 và dự phòng ngày 28/6.

Chiều 15/5, tại Kỳ họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 7 và báo cáo chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến Kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào chiều ngày 27/6. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội với 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 08/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 27/6 và dự phòng ngày 28/6.

"Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh… Đến nay, đã cơ bản hoàn tất để sẵn sàng phục vụ kỳ họp", ông Cường nói.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, mặc dù công tác chuẩn bị kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, các cơ quan hữu quan chuẩn bị từ sớm, nhưng hiện nay, trừ các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này, nhiều báo cáo thẩm tra và tài liệu một số dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp đang tiếp tục được hoàn thiện.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo

Do đó, đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương hơn nữa để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung, kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc Kỳ họp, bảo đảm thời hạn theo quy định và yêu cầu của Lãnh đạo Quốc hội.

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7; do đó, đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ rà soát tổng thể công việc chuẩn bị để đảm bảo tốt nhất cho kỳ họp.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp, về tài liệu kỳ họp, báo cáo làm rõ thêm tiến độ cụ thể đối với các nội dung của kỳ họp, về các điều kiện đảm bảo như cơ sở vật chất, kỹ thuật, hậu cần, thông tin truyền thông, công tác đảm bảo an ninh, an toàn…

Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung dự kiến và cách thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, Kỳ họp sẽ tổ chức kỳ họp thành 2 đợt và có thời gian giữa 2 đợt để cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp chiều 15/5

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp chiều 15/5

Thống nhất với thời gian dự kiến chất vấn là 2,5 ngày và các nội dung dự kiến truyền hình trực tiếp. Đồng thời, lưu ý đối với những nội dung dự kiến trình bổ sung tại Kỳ họp nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị các cơ quan bảo đảm tuân thủ đúng quy trình, thủ tục. Ông Mẫn cho rằng phải có đề nghị bổ sung vào Chương trình, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương của các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các cơ quan hữu quan về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; ghi nhận sự tiến bộ trong việc gửi tài liệu trước đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu.

Đến thời điểm hiện nay, các nội dung trình Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, cho ý kiến và đủ điều kiện trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị. Riêng về chương trình kỳ họp, đề nghị Ban Thư ký, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, sắp xếp hợp lý giữa 2 đợt. Trong thời gian giữa 2 đợt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ họp để xem xét các nội dung quan trọng.

Một số nội dung quan trọng dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp này bao gồm: Cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực sớm từ 1/7/2024, sớm hơn 6 tháng so với hiệu lực thi hành của bộ ba Luật này.

Chiều 14/5, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành liên quan hoàn thành việc thẩm định, hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Chính phủ trong ngày 16/5/2024 về đề xuất cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm từ 1/7/2024.

Trước đó, tại cuộc họp chiều 2/5, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua một số đề xuất của Chính phủ về giảm, giãn, hoãn một số khoản thuế, phí; trong đó có việc gia hạn chính sách giảm 2% thuế VAT dự kiến áp dụng trong nửa cuối năm 2024.

Tin bài liên quan