Có thể thấy, mặc dù xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội, nhưng hiếm có kỳ họp nào mà nhiều dự luật quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp, thậm chí là đầu tư của Nhà nước, được đưa ra xem xét, thảo luận và thông qua như ở kỳ họp này.
Nhìn vào lịch làm việc dự kiến của Kỳ họp thứ 7, có thể thấy, xuyên suốt trong hơn 1 tháng làm việc, hàng loạt dự luật quan trọng, như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi)… sẽ được đưa ra thảo luận.
Đây đều là các dự luật có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp nói riêng, toàn nền kinh tế nói chung. Thậm chí, còn có vai trò quyết định trong việc thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, tiến tới tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế.
Trong số này, Dự thảo Luật Đầu tư công, sau 7 năm chuẩn bị, được hứa hẹn là một “cuộc cách mạng” trong quản lý đầu tư công, góp phần mang lại sự minh bạch và hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công, lĩnh vực lâu nay vẫn bị coi là còn dàn trải, kém hiệu quả, cần được tập trung tái cơ cấu.
Trong khi đó, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi)… sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, tạo nền tảng cho phục hồi đầu tư, sản xuất - kinh doanh, vốn đang bị sụt giảm trong giai đoạn kinh tế - xã hội khó khăn hiện nay.
Tương tự, các Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), hay Luật Xây dựng (sửa đổi)… cũng sẽ có những tác động tích cực đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực này, một khi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn được sửa đổi và thông qua.
Không khí đổi mới trong quá trình làm luật, có thể nói, đang được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Một nội dung khác không thể không nói tới, dù chưa được đưa vào chương trình của kỳ họp lần này, nhưng sẽ rất nóng trên diễn đàn Quốc hội, đó là vấn đề biển Đông. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp, bởi nó liên quan không chỉ an ninh, chính trị, tới chủ quyền quốc gia. Không những thế, những diễn biến ở biển Đông được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm.
Một tháng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, dư luận đang đặt kỳ vọng vào các vị đại biểu dân cử trước các vấn đề hệ trọng của đất nước và nền kinh tế.