Nợ đầm đìa từ tiền trả phụ huynh đến lương giáo viên
AISVN là 1 trong những trường phổ thông có mức học phí đắt đỏ nhất TP.HCM với mức học phí của trường từ mầm non đến lớp 12 là từ 280 - 725 triệu/năm. Mức học phí trên chưa tính hàng loạt các khoản phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ, các chương trình hoạt động trải nghiệm học tập thực tế, các bài thi của tổ chức bên ngoài...
Điều đáng nói ở đây là thay vì đóng học phí bình thường như các trường học khác thì nhà trường đã khuyến khích và kêu gọi phụ huynh ký hợp đồng đầu tư giáo dục, nói cách khác là hợp đồng vay vốn.
Cụ thể, phụ huynh cho nhà trường vay từ vài tỷ đến chục tỷ (số tiền theo cấp học của con), không tính lãi suất trong suốt thời gian nhà trường đào tạo học sinh. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập trong trường với mức phí 0 đồng. Khi học sinh hết thời gian học tập, chuyển trường hoặc nghỉ học vì lý do sức khoẻ… trường AISVN sẽ hoàn trả số tiền đã vay.
Nếu chậm trả, AISVN sẽ phải trả thêm khoản lãi theo lãi suất huy động của Hội sở Vietcombank. Thời gian chậm trả tối đa 90 ngày. Nhưng đến thời điểm này, phụ huynh không được hoàn trả tiền, con em họ phải nghỉ học vì giáo viên của trường đã nghỉ việc hàng loạt.
Theo các chuyên gia, giao dịch trên là hình thức giúp nhiều trường tư thục huy động vốn. Thay vì tiếp cận nguồn tiền từ ngân hàng, hội đồng quản trị chọn vay từ phụ huynh học sinh. Họ không trả lãi suất tiền mặt mà bằng học phí ở chính ngôi trường đang điều hành.
Do không có tài sản thế chấp, đây là khoản vay theo hình thức tín chấp, tức dựa trên uy tín của người đi vay. Theo một số phụ huynh, họ thường dựa vào việc nhìn thấy cơ sở vật chất khang trang hơn các trường thông thường, đội ngũ giáo viên và quản lý có nhiều người nước ngoài hay tin vào chữ tín ở môi trường giáo dục.
Chính vì thế, Công an TP.HCM cho biết, hợp đồng ký kết giữa nhà trường và phụ huynh là hợp đồng dân sự, không có nội dung ràng buộc trách nhiệm giữa các bên nên không có cơ sở để cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ việc.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM với Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 3/2024, trường có 129 giáo viên nước ngoài, 26 giáo viên Việt Nam, 103 nhân viên. Đối với giáo viên nước ngoài, trường đã thanh toán 70% lương tháng 1, đang nợ lương tháng 2. Đối với giáo viên người Việt, trường đã trả xong lương tháng 1, nợ lương tháng 2. Bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch HĐQT nhà trường cam kết bằng văn bản đến 14/3 sẽ hoàn tất việc trả nợ lương tháng 1, toàn bộ lương và tiền nhà tháng 2 cho giáo viên. Đến thời điểm hiện tại, bà Út Em không thực hiện được nội dung trả lương như cam kết.
Trường AISVN |
Phụ huynh đang “ngồi trên đống lửa”
Chị K.V (quận 7) cho biết, chị đã ký hợp đồng với nhà trường và đóng số tiền 3,5 tỷ đồng để con được học 12 năm. Trước những lùm xùm hiện tại, chị lo ngại việc chuyển trường cho con không đơn giản. Vì con chị học chương trình Tú tài quốc tế theo chuẩn dạy học, đánh giá của tổ chức Tú tài quốc tế (IBO). Do giáo viên đồng loạt nghỉ nên việc học, đánh giá học sinh bị ảnh hưởng. Chị liên hệ với một số trường quốc tế cùng dạy IB ở TP.HCM song chưa đạt được kết quả.
Những phụ huynh có con đang học lớp 12 cuối cấp càng lo ngại hơn bởi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học. Chị Trần Hương, giảng viên ĐH Hoa Sen, cũng là người có con học trường quốc tế cho biết, IBO cho phép học sinh chuyển trường giữa năm học. Song, vì phải chọn 6 trong số rất nhiều môn học và cấp độ (cơ bản hoặc nâng cao) ngay từ lớp 11 nên muốn chuyển, trường mới cũng phải có những môn đó với cùng cấp độ.
Chưa kể, mỗi trường có thể có nội dung giảng dạy chi tiết, tài liệu, trình tự khác nhau. Vì thế, nếu được trường khác tiếp nhận, có thể các em phải học lại một số môn. Mặc dù các em có thể chuyển sang trường có dạy IB hoặc đổi sang A-level, Cambridge thì cũng sẽ gặp không ít trở ngại và đương nhiên, phụ huynh phải đóng thêm tiền. Đây cũng là gánh nặng tài chính không nhỏ cho nhiều phụ huynh.
Chị L.H có con đang học lớp 10 cho biết, các phụ huynh trong lớp con chị thống nhất ý kiến đề nghị nhà trường chuyển sang hình thức dạy online để học sinh hoàn thành nốt chương trình của năm nay, sau đó dựa trên tình hình thực tế của trường để tính phương án khác. “Bây giờ chuyển trường cũng lỡ dở, sắp hết năm học rồi, làm các thủ tục rồi để con quen với môi trường học tập mới cũng cần thời gian”, chị L.H nói.
Một nhóm phụ huynh khác đồng ý sẽ đóng thêm tiền để trường hoạt động nhưng đề nghị được nắm quyền điều hành nhà trường.
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, do quá trình chia tách doanh nghiệp của nhà đầu tư chưa đúng quy định, không thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cũng như chuyển đổi quyền sử dụng đất. Việc pháp nhân sở hữu Trường AISVN không sở hữu quyền sử dụng đất gây khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu cũng như xử lý nợ. Hiện nay, cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em do nợ thuế thu nhập cá nhân.