Chia sẻ với ĐTCK trong buổi lễ chào sàn, ông Đỗ Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Kim Vĩ đang ở giai đoạn thuận lợi nhất, nên việc niêm yết cổ phiếu KVC sẽ tạo tiền đề mới cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Lên sàn đúng thời điểm thị trường đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh. Ông có nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi đến cổ phiếu KVC của Kim Vĩ?
Thăng trầm là quy luật tất yếu của thị trường và của nền kinh tế, niêm yết vào thời điểm thị trường sôi động là điều công ty nào cũng mong muốn. Tuy nhiên với Kim Vĩ, khi xác nhận đã hội đủ điều kiện để niêm yết thì đó chính là thời điểm Kim Vĩ quyết định phải lên sàn, nên việc điều chỉnh của thị trường lúc đó không ảnh hưởng lắm đến cổ phiếu của Công ty. Hơn nữa, hoạt động sản xuất – kinh doanh của Kim Vĩ đang ở giai đoạn thuận lợi nhất, giúp Kim Vĩ tự tin khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Năm 2014, Kim Vĩ có sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty?
Năm 2014 đúng là một năm thuận lợi kép đối với Kim Vĩ, từ cả yếu tố nội tại cũng như các chính sách hỗ trợ của ngành và cơ quan quản lý nhà nước. Với bề dày hơn 20 năm hoạt động trong ngành thép không gỉ, cùng với việc tận dụng 2 lợi thế trên, Kim Vĩ đã đạt được mục tiêu lợi nhuận tối ưu và bền vững. Vì thế, chiến lược năm 2015, Kim Vĩ tiếp tục duy trì đầu tư những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mang tính kỹ thuật; mở rộng sản xuất - kinh doanh để nâng cao lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Lợi thế về chính sách mà ông vừa nói có phải là việc Bộ Công thương đã có quy định áp dụng biện pháp bán chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu, giúp nhu cầu sản phẩm này trong nước tăng cao. Vậy Kim Vĩ đã có sự chuẩn bị như thế nào để tận dụng lợi thế này?
Thật ra, cơ hội này đã được chúng tôi chuẩn bị từ ý tưởng cho đến khi thành công. Quá trình đệ đơn lên Bộ Công thương, Kim Vĩ cũng là một trong những doanh nghiệp đại diện tham gia ý kiến để bảo hộ cho hoạt động sản xuất thép không gỉ trong nước. Kim Vĩ tự tin và tin tưởng rằng, biện pháp chống bán phá giá sẽ thành công. Vì vậy, Kim Vĩ đã có sự chuẩn bị trước đó 1 năm, được thể hiện bằng việc tăng vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt là năm 2014, khi Bộ Công thương chính thức có quy định áp dụng biện pháp chống bán phá giá cho một số sản phẩm thép không gỉ, đã mang lại lợi thế kinh doanh cho Kim Vĩ. Công ty đã có sự cơ cấu chọn lựa lại khách hàng và sản xuất, bởi sản phẩm Kim Vĩ làm ra không đủ cho nhu cầu thị trường. Kết quả mà Kim Vĩ đạt được trong năm qua là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả hoạt động.
Ngoài yếu tố lợi thế chính sách, lợi nhuận tăng còn do Công ty dự trữ được khối lượng nguyên liệu đầu vào (Nikel) giá rẻ và lợi nhuận từ mảng kinh doanh bất động sản. Chiến lược này có được thực hiện trong năm nay, thưa ông?
Tận dụng cơ hội để mua được nguyên vật liệu đầu vào giá rẻ nhất là chiến lược đối với bất kỳ ngành sản xuất nào, đặc biệt là với ngành sản xuất thép không gỉ, khi tỷ trọng nguyên vật liệu chính luôn chiếm tới 70% trong cơ cấu giá thành. Vì thế, đây là một trong những giải pháp dài hạn mà Kim Vĩ luôn áp dụng, chứ không chỉ với năm 2014 hay ở một thời điểm nào đó.
Là nhà sản xuất đã có hơn 20 năm hoạt động trên thị trường từ giai đoạn cơ sở cho đến nay, thì việc chọn lựa nhà cung cấp và sự kế thừa đó là lợi thế cho Kim Vĩ. Tuy nhiên, dự trữ vào thời điểm thích hợp để mang lại hiệu quả nhất phụ thuộc vào sự cân nhắc, dự đoán tính toán trong từng thời kỳ cụ thể.
Đối với mảng bất động sản, mặc dù đã mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho Công ty trong năm qua, nhưng bất động sản không phải là chiến lược dài hạn của Kim Vĩ ở thời điểm này.
Một trong những mục tiêu khi lên sàn của nhiều doanh nghiệp để thuận lợi hơn trong việc huy động vốn. Với Kim Vĩ thì sao, khi mà năm qua Công ty cũng đã tăng vốn lên hơn 2 lần?
Trong chiến lược kinh doanh, việc huy động vốn để đầu tư thì TTCK là kênh mang tính hiệu quả cao. Ý thức về điều này, Kim Vĩ đã chuẩn bị từng bước ngay từ những ngày đầu chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần (năm 2008), để đến khi đủ điều kiện sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trước đây, Kim Vĩ cũng khai thác các nguồn huy động vốn từ các tổ chức tín dụng tài chính, ngân hàng, hay chiết khấu bán hàng. Tuy nhiên, khi đã đạt đến là một công ty chuyên nghiệp, thì việc niêm yết trên sàn chứng khoán là điều nhất thiết phải làm, bởi nó mở ra kênh huy động chuyên nghiệp, bền vững và an toàn. Nói như vậy không có nghĩa là khi đã niêm yết, Công ty sẽ chỉ huy động vốn qua sàn, mà việc huy động vốn từ tổ chức tài chính, ngân hàng hay cổ đông sẽ phải cân nhắc cơ cấu đầu tư lợi nhuận cũng như các chiến lược mục tiêu rõ ràng.