UBND tỉnh Kon Tum vừa yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố rà soát tất cả các cơ sở nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý; trên cơ sở đó, xác định chính xác số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý; tiến độ kê khai, báo cáo, lập phương án xử lý, phê duyệt phương án xử lý.
Kết quả rà soát được lập thành báo cáo theo Mẫu số 01 kèm theo Công văn số 2635/BTC-QLCS ngày 29/3/2023 của Bộ Tài chính.
Trong đó, UBND tỉnh lưu ý phải có đính kèm tài liệu kiểm chứng như: Quyết định phê duyệt phương án sắp xếp; Phương án sắp xếp đang trình cấp có thẩm quyền xem xét….
Trên cơ sở kết quả rà soát, các đơn vị, địa phương lập kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý (nếu còn các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi, đối tượng sắp xếp lại nhưng chưa được phê duyệt phương án xử lý), xác định cụ thể tiến độ thực hiện từng khâu (lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án; tổng hợp báo cáo kê khai và phương án đề xuất; kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất; lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan; lập phương án xử lý; phê duyệt phương án xử lý,...) và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan gửi Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc việc tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại nhà, đất đảm bảo tiến độ.
Kết quả rà soát và xây dựng kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo các nội dung nêu trên hoàn thành gửi Sở Tài chính trước ngày 25/5/2023 để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
Căn cứ kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, các sở, ngành, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm chất lượng và tiến độ; thường xuyên đôn đốc thực hiện, đảm bảo đến hết năm 2023, cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án xử lý nhà, đất; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc phạm vi quản lý rà soát các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích hoặc thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc; trên cơ sở đó, kiến nghị và liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương để giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích hoặc mất hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc nhà, đất.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện rà soát tất cả các cơ sở nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý… Đồng thời, Sở Tài chính có trách nhiệm thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc tiến độ việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó, lưu ý việc thực hiện phương án đối với các cơ sở nhà, đất thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, đấu giá,…, bảo đảm hoàn thành việc thực hiện phương án xử lý nhà, đất trước năm 2025 theo đúng Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.
Trường hợp các phương án có quy định thời hạn thực hiện nhưng để quá hạn thì Sở Tài chính phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để gia hạn hoặc phê duyệt lại phương án, bảo đảm đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố có văn bản hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất công trên địa bàn tỉnh lập các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở nhà, đất thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời, lưu ý các cơ quan chức năng của địa phương căn cứ nguồn gốc, hồ sơ pháp lý có liên quan và quy định của pháp luật về đất đai để xem xét, không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý xong mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất.
Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan lập kế hoạch thanh tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo từng hình thức xử lý cụ thể, bao gồm cả các quy định về việc xử lý chuyển tiếp đối với các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt trước ngày 1/9/2021 đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó, lưu ý kiểm tra việc thực hiện phương án đối với các cơ sở nhà, đất thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, đấu giá.