Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih (thôn 9, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) được xây dựng năm 1996, qua thời gian, đến nay các hạng mục công trình đã xuống cấp.
Theo báo cáo của UBND huyện Kon Rẫy cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum về việc đầu tư trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih, UBND huyện Kon Rẫy đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, Viettel tỉnh tham mưu UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hỗ trợ kinh phí với mức là 15 tỷ đồng và dự kiến triển khai các hạng mục.
Tháng 11/2023, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã thống nhất bổ sung thêm các hạng mục Bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong Chiến thắng Kon Braih; Bia di tích lịch sử Chiến thắng Kon Braih; xây dựng mới cổng chính của di tích bằng bê tông cốt thép (thay vì khung sắt hộp).
UBND huyện Kon Rẫy đã cân đối ngân sách, bổ sung thêm 2 tỷ đồng kết hợp với nguồn tài trợ của Viettel (2 tỷ đồng) và hoàn thiện các hạng mục cần đầu tư theo đúng yêu cầu, bao gồm: Nhà Bia tưởng niệm (diện tích 130,286 m2); Cổng chính, tường rào (chiều dài 142.2 m); Sân đường nội bộ (diện tích 129.176 m2); Bậc cấp lối đi lên, xuống khu di tích (diện tích 284.154 m2); Xây mới Bảng tên di tích (chiều rộng 1.4m, chiều cao 1.2 m); Xây dựng mới 2 nhà bia ghi danh các Anh hùng Liệt sỹ của Tiểu đoàn 59 và nhà bia Di tích lịch sử Chiến thắng Kon Braih (mỗi căn 63 m2).
Đến thăm Khu di tích, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang nhấn mạnh, việc trùng tu, nâng cấp các hạng mục của di tích có ý nghĩa quan trọng, vừa thể hiện lòng trân trọng, sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những hy sinh, cống hiến của cha anh trong sự nghiệp dựng và giữ nước, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum thống nhất với phương án tôn tạo, tu bổ, nâng cấp di tích do UBND huyện Kon Rẫy đề xuất; đồng thời đề nghị, để tôn thêm tính trang nghiêm và giá trị lịch sử của di tích, UBND huyện Kon Rẫy cần làm tốt công tác vệ sinh, giữ gìn môi trường sinh thái quanh khu vực; bổ sung thêm bia chỉ dẫn ngay lối vào bậc tam cấp; làm rào bảo vệ toàn bộ diện tích khu di tích nhằm đảm bảo công tác quản lý đạt hiệu quả.
Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih có vị trí quan trọng án ngữ con đường số 5 - độc đạo nối các tỉnh Nam Trung bộ với Bắc Tây Nguyên. Đây là căn cứ quân sự của quân Pháp nhằm thực hiện các chiến dịch càn quét, khống chế một vùng chiếm đóng rộng lớn phía Đông bắc của tỉnh Kon Tum.
Khu Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih |
Đêm 27/1/1954, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã chỉ huy Tiểu đoàn 59 tấn công tấn công Đồn Kon Braih; đến 6h30 phút, ngày 28/01/1954, ta làm chủ trận địa, lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã phất cao giữa Đồn Kon Braih.
Chiến thắng Kon Braih có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên trong Đông - Xuân 1953 - 1954; ta đã giải phóng một vùng rộng lớn ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum và trên trục đường số 5 từ Kon Tum đi Kon Plông xuống Quảng Ngãi, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự trên hướng này và tạo điều kiện quan trọng cho việc tiến đến giải phóng thị xã Kon Tum. Hệ thống phòng thủ của địch ở Kon Plông và toàn bộ vùng Bắc Tây Nguyên sụp đổ hoàn toàn. Cánh cửa tiến vào Bắc Tây Nguyên được mở toang, tạo thời cơ thuận lợi để tiến lên giải phóng huyện Đăk Tô, Đăk Glei và toàn tỉnh Kon Tum.
Để ghi nhớ những chiến công trong Chiến thắng Kon Braih lịch sử, ngày 1/6/2009, UBND tỉnh đã quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih.