Hiện nay, dịch bênh Covid-19 khiến cho tiến độ nhiều dự án bị chậm lại và ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công tại Kon Tum.

Hiện nay, dịch bênh Covid-19 khiến cho tiến độ nhiều dự án bị chậm lại và ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công tại Kon Tum.

Kon Tum thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum sẽ là Tổ trưởng Tổ công tác tác chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa có quyết định về việc thành lập Tổ công tác (Tổ công tác) chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Tổ công tác có Tổ trưởng là Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Tổ trưởng thường trực là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối kinh tế tổng hợp và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên bao gồm giám đốc các sở Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện- thành phố.

Tổ công tác có chức năng chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến quản lý điều hành, kiểm tra, giám sát, công tác giải phóng mặt bằng; tiến độ thực hiện, chất lượng công trình, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư đã giao giai đoạn 2021-2025 đạt tỷ lệ cao nhất.

Đôn đốc các đơn vị Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình và xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện các dự án; rút ngắn thời gian nghiệm thu, thanh toán, đẩy nhanh tiến độ giải ngân của các dự án.

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; phát hiện kịp thời những sai sót, chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình, hiệu quả dự án.

Chỉ đạo lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án.

Ngoài ra, Tổ công tác còn có nhiệm vụ đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành; các địa phương, chủ đầu tư và các cá nhân có liên quan gây ảnh hưởng đến việc chậm triển khai dự án, không đảm bảo tiến độ giải ngân và chất lượng công trình.

Về phương thức hoạt động, nhiệm vụ của từng thành viên trong Tổ công tác do Tổ trưởng trực tiếp phân công; Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác. Định kỳ hàng tháng, hoặc đột xuất khi có triệu tập của Tổ trưởng, Tổ công tác tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo kết quả với UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

Được biết, năm 2021, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được Trung ương giao cho Kon Tum là hơn 2.231 tỷ đồng. Trên cơ sở mức vốn được Trung ương giao và khả năng huy động vốn của địa phương, tỉnh Kon Tum đã thực hiện phân bổ tổng mức vốn hơn 2.889 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng kế hoạch đầu tư công được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân năm 2020 sang năm 2021 với tổng mức vốn là 727 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum, tính đến đầu tháng 8, toàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt 33,24% so với nguồn vốn thực giao; so với kế hoạch địa phương giao thì đã giải ngân hơn 929,4 tỷ đồng, bằng 28,33%. So với kế hoạch, mục tiêu giải ngân vẫn còn chậm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum, nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch là do các quy định về đầu tư xây dựng như luật, nghị định đã được ban hành, nhưng thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương ban hành chưa kịp thời, khiến nhiều chủ đầu tư lúng túng, bị động trong công tác chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc chưa tạo được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng công tác giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của các dự án. Hơn nữa, giá xăng, dầu và giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, đặc biệt giá thép tăng đột ngột làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện của các dự án…Nhiều nhà thầu còn có tư tưởng chần chừ để chờ giá vật liệu hạ mới tập trung thi công nên dẫn đến khối lượng hoàn thành không cao và điều đó dĩ nhiên sẽ không có khối lượng để giải ngân.

Tin bài liên quan